LÚA GẠO

Xuất khẩu gạo thế giới trước những khó khăn

Cập nhật ngày: 12 | 11 | 2019

Trong thời gian qua, cả hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan và Ấn Độ đều chứng kiến khối lượng xuất khẩu giảm sút.

Nguyên nhân chung là do đồng nội tệ lên giá làm giảm nhu cầu cũng như việc nguồn cung bị hạn chế.
Ngoài ra, sự cạnh tranh gia tăng giữa các nước này cùng với các nước khác như Trung Quốc hay Campuchia cũng khiến các nhà xuất khẩu gạo gặp khó khăn.
*Xuất khẩu giảm sút
Đồng baht mạnh đã giữ cho giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ, cao hơn hẳn so với những trung tâm xuất khẩu gạo khác của châu Á.
Điều này có thể làm giảm nhu cầu của các khách hàng. Thái Lan đang bị mất thị phần trước đối thủ lớn là Việt Nam, do đồng baht tăng giá, khi đồng tiền này tăng mạnh nhất trong số các đồng tiền châu Á, lên mức cao nhất trong hơn sáu năm trong tháng Bảy.
Trong tháng Chín, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm từ 410 - 422 USD/tấn xuống 400 - 418 USD/tấn, trong khi giá gạo 5% tấm Ấn Độ tăng từ 366 - 374 USD/tấn lên 373 - 379 USD/tấn, còn giá gạo cùng loại của Việt Nam giảm từ 325 - 330 USD/tấn xuống 325 USD/tấn.
Một thương nhân cho biết rất khó để tìm khách hàng mới vì giá cả nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, chủ yếu vì tỷ giá hối đoái và những lo ngại về nguồn cung trong nước trong bối cảnh nước này phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua.
Theo thương nhân này, kể từ đầu năm tới nay, Thái Lan vẫn chỉ có những giao dịch quy mô tương đối nhỏ với các khách hàng thường xuyên.
Thỏa thuận mà Thái Lan đã ký với COFCO, tập đoàn mua bán lương thực thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và là thị trường lớn thứ ba của nước này, vào năm 2015 bị đình trệ do nguồn cung gạo của nước này dồi dào.
Tính đến cuối năm 2018, Thái Lan đã xuất 700.000 tấn sang Trung Quốc theo thỏa thuận này, nhưng từ đó không có thêm đơn hàng mới.
Các nhà xuất khẩu gạo lo ngại rằng lượng mưa thấp có thể ảnh hưởng đến vụ thu hoạch tới khi chính phủ kêu gọi người nông dân lùi lịch gieo trồng.
Hạn hán đã ảnh hưởng đến hơn chục tỉnh thuộc khu vực trồng lúa chính của Thái Lan ở phía Bắc và Đông Bắc, nơi lượng mưa thấp nhất trong 10 năm.
Vụ gieo trồng chính ở Thái Lan bắt đầu vào tháng Năm, thời điểm bắt đầu mùa mưa và thu hoạch vào tháng 8-10.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, quốc gia này trong nửa đầu năm nay đã chứng kiến xuất khẩu gạo sụt giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn từ tháng 1- 9/2019, Thái Lan xuất khẩu 5,9 triệu tấn gạo, cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những nước xuất khẩu gạo khác.
Xuất khẩu gạo của nước này trong năm 2019 được dự báo sẽ chỉ đạt khoảng 8-8,1 triệu tấn, giảm 3,5 triệu tấn so với năm 2018 và thấp hơn so với kế hoạch đề ra.
Theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse, mức dự báo trên thấp hơn mức chỉ tiêu xuất khẩu 9 triệu tấn gạo đặt ra cho cả năm.
Thái Lan xuất khẩu tổng cộng 11,09 triệu tấn gạo trong năm 2018, giảm so với mức 11,67 triệu tấn của năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu gạo của nước này năm 2018 tăng 8,3% so với năm 2017, đạt 5,61 tỷ USD.
Giá gạo xuất khẩu đạt trung bình 507 USD/tấn trong năm 2018, tăng 14,1% so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu năm nay dự kiến đạt khoảng 4,7 tỷ USD.
Trong khi đó, gạo của Ấn Độ cũng lên giá, một phần do đồng rupee đang hồi phục. Một nhà xuất khẩu cũng cho biết việc nguồn cung cấp lúa gạo địa phương bị hạn chế đã buộc các nhà xuất khẩu phải tăng giá.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong quý II/2019 giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2018 xuống 2,35 triệu tấn. Nguyên nhân là do nhu cầu đối với các loại gạo khác ngoài gạo basmati đều giảm.
* Cuộc đua giành thị trường
Sau khi đã nhập một lượng gạo cao kỷ lục trong năm nay, Philippines được dự báo sẽ giảm nhập khẩu gạo trong năm 2020, trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và các doanh nghiệp lúa gạo tăng năng suất.
 
Nhu cầu của Trung Quốc đối với gạo của Việt Nam giảm mạnh. Ảnh: Reuters
Trong báo cáo mới nhất, Cục Nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA-FAS) dự báo Philippines sẽ nhập khẩu khoảng 2,4 triệu tấn gạo trong năm 2020, giảm 23% so với con số 3,1 triệu tấn trong năm 2019.
Dự báo này được đưa ra dựa trên ước tính lượng gạo xay xát của Philippines sẽ tăng 3% lên 12 triệu tấn và tổng sản lượng lúa tăng 2% lên 19 triệu tấn.
Trong khi đó, lượng gạo tiêu thụ tại nước này dự kiến tăng lên 14,4 triệu tấn từ 14,1 triệu tấn trong năm nay.
USDA-FAS nhận định nông dân Philippines sẽ tiếp tục trồng lúa mặc dù giá loại lương thực này còn thấp.
Bên cạnh đó, mặc dù diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng trong năm tới sẽ tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi hơn so với năm nay.
Theo USDA-FAS, tác động từ cuộc bầu cử giữa kỳ của Philippines diễn ra hồi tháng Năm năm nay và việc thực hiện cải cách chính sách nông nghiệp ban đầu (nhất là Luật Thuế quan gạo) đã dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu gạo của nước này trong năm nay.
Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3- 8/2019, Philippines đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, đa dạng hóa thị trường cung cấp gạo. Nhu cầu của Trung Quốc đối với gạo của Việt Nam giảm mạnh.
Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cũng cấp hạn ngạch cho các thị trường khác như Myanmar, Campuchia.
Theo thống kê chính thức, Campuchia đã xuất khẩu gần 133.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1- 8/2019, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Ban Thư ký Dịch vụ Xuất khẩu Gạo Một cửa Campuchia, Trung Quốc vẫn là khách hàng mua gạo hàng đầu của Campuchia trong giai đoạn từ tháng 1-8/2019. Thị trường Trung Quốc chiếm tới 39% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Theo số liệu chính thức, trong tám tháng qua, Campuchia đã xuất khẩu tổng cộng hơn 342.000 tấn gạo sang 51 quốc gia, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Chookiat cho biết Thái Lan cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, nhưng trong nửa đầu năm nay đã tăng gần gấp đôi lượng gạo xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Với lượng gạo dự trữ lớn, Trung Quốc đang xuất khẩu sang các thị trường châu Phi mà trước đây Thái Lan chiếm lĩnh.
Trong khi đó, Indonesia cho biết sẽ ưu tiên nhập khẩu nhiều loại nông sản, trong đó có gạo từ Ấn Độ, nhất là gạo basmati.
Theo Vinanet

TIN TỨC KHÁC

Cạnh tranh gay gắt về giá khiến ngành lúa gạo Thái Lan lao đao

11-11-2019

Chủ tịch Hiệp hội các công ty xay xát gạo Thái Lan (TRMA) Kriangsak Tapananon khuyến cáo rằng lượng gạo xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này đang giảm sút do cạnh tranh gay gắt về giá.

Lúa đông xuân 2019- 2020, dự kiến giảm 55.486 ha để né hạn mặn

14-10-2019

Giữa tháng 10, tại Tiền Giang, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông và vụ mùa năm 2019, triển khai kế hoạch xuống giống lúa đông xuân 2019- 2020 ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Nhu cầu tiêu thụ giảm, giá gạo xuất khẩu thấp kỉ lục, khó khăn đã được dự báo trước

15-10-2019

Các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Banglandesh đều giảm nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc liên tục xả kho đã gây khó khăn cho giá gạo của Việt Nam.

Thái Lan triển khai chương trình đảm bảo giá gạo trị giá gần 309 triệu USD

16-10-2019

Chương trình đảm bảo giá gạo của Thái Lan đã khởi động vào thứ Ba (16/10), với những người nông dân đủ điều kiện dự kiến sẽ nhận được mức giá chênh lệch khi giá thịt trường giảm xuống dưới mức tiêu chuẩn được xác định trước đó.

Thách thức gia tăng với xuất khẩu gạo Ấn Độ từ các đối thủ châu Á

17-10-2019

Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ tiếp tục đối mặt với mối đe dọa từ các đối thủ châu Á, như Pakistan và Thái Lan, ngay cả khi sản lượng lúa trong nước mùa vụ kharif (vụ chính) 2018 - 2019 ước tăng 2,5% lên hơn 115 triệu tấn.

Tăng cường năng lực cho doanh nghiệp để phát triển chuỗi lúa gạo bền vững

21-10-2019

Ngày 16-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và toàn diện tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhu cầu từ châu Phi, Cuba giúp giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên cao nhất trong hơn 4 tháng

24-10-2019

Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã leo lên mức cao nhất trong 4 tháng rưỡi trong tuần này nhờ nhu cầu tốt từ châu Phi và Cuba trong khi nguồn cung còn rất ít. Tại Ấn Độ, đồng rupee mạnh hơn đã giúp giá gạo phục hồi từ mức thấp trong 4 tháng.

Đề xuất tăng thuế không được xem xét, Philippines chưa áp dụng thuế bổ sung với gạo nhập khẩu

25-10-2019

Đề xuất tăng thuế đối với gạo nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp Philippines đã không được xem xét trong cuộc họp do thiếu những thông tin, số liệu đánh giá.

Campuchia dự kiến có thêm tối đa 40 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

25-10-2019

Trong tuần này, các nhà chức trách Trung Quốc đã đồng ý tăng tốc độ phê duyệt đơn xin xuất khẩu gạo sang thị trường lớn nhất thế giới của 40 doanh nghiệp Campuchia.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam rời đỉnh nhiều tháng vì nhu cầu yếu từ Philippines, Trung Quốc

31-10-2019

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ mức cao nhiều tháng trong tuần này do nhu cầu yếu từ Philippines và Trung Quốc, trong khi giá gạo tại Ấn Độ duy trì ổn định khi giao dịch ảm đạm.

Xuất khẩu gạo: Đối mặt khó khăn

1-11-2019

Sản lượng xuất khẩu gạo tiếp tục tăng, nhưng kim ngạch lại giảm khá mạnh. Đây là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, phải cạnh tranh để thay đổi, phát triển.

Nông dân trồng lúa Thái Lan khốn đốn vì đồng baht mạnh

1-11-2019

Ngành gạo Thái Lan đang trải qua một trong những giai đoạn đau thương nhất khi đồng baht mạnh khiến xuất khẩu không thể cạnh tranh.