Cập nhật ngày:
21 | 10 | 2019
Ngày 16-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và toàn diện tại đồng bằng sông Cửu Long”.
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh ta có diện tích đất nông nghiệp khoảng 350.000ha; mỗi năm sản xuất trên 4 triệu tấn lúa, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trên 800.000 tấn, trong đó tôm nuôi nước lợ 75.000 tấn. Tỉnh đã xây dựng và triển khai đề án quy hoạch vùng lúa chuyên canh chất lượng cao xuất khẩu đến năm 2020 diện tích 120.000ha. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 213 cánh đồng lớn, diện tích 75.000ha, trong đó 71.000ha được hỗ trợ kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu. Các doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết sản xuất gắn tiêu thụ lúa cho người dân trên cánh đồng lớn, góp phần ổn định phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thông tin, xuất khẩu gạo ngày càng nhiều khó khăn do cạnh tranh thị trường, nguồn cung nhiều và giá giảm. 9 tháng năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 5 triệu tấn gạo, giá bình quân 435,6 đô la Mỹ/tấn, là mức giá thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 3,7% so cùng kỳ nhưng giá trị lại giảm 10,2%. Ông Trần Ngọc Liêm nói: “Vì vậy, cần tăng cường năng lực cho doanh nghiệp lúa gạo để phát triển chuỗi lúa gạo bền vững. Chỉ khi doanh nghiệp đủ năng lực thì việc liên kết nông dân xây dựng vùng nguyên liệu trồng lúa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao giá trị, tìm thị trường đầu ra mới được đảm bảo”.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang