Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cơ cấu nguồn cung cà phê tại thị trường Hàn Quốc đến đầu tháng 3/2019 cho thấy, Hàn Quốc đang tăng cường nhập khẩu cà phê từ các thị trường Brazil, Ethiopia, Hoa Kỳ, Goatemala, Ý, Thụy Sỹ, Việt Nam và Peru. Trong đó, Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất về số lượng tại thị trường Hàn Quốc, với trị giá 6,7 triệu USD. Brazil đứng thứ hai, tiếp đến là các nước Colombia, Thụy Sỹ, Peru…
|
Chưa có nhiều doanh nghiệp cà phê Việt xây dựng được thương hiệu tại thị trường Hàn Quốc |
Ông Phạm Khắc Tuyên, Bí Thư thứ nhất Phụ trách Thương vụ (Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc) cho biết, hiện nay, Hàn Quốc là một quốc gia có mật độ cửa hàng cà phê cao nhất trên thế giới.
Theo số liệu thống kê, có khoảng 26,5 tỷ ly cà phê được bán ra hàng năm tại đây; 88.500 cửa hàng cà phê (tương ứng với việc cứ 600 người dân Hàn Quốc thì sẽ có một cửa hàng). Và ước tính, tổng giá trị thị trường cà phê tại Hàn Quốc đạt 11.000 tỷ won/năm (tương đương 10,8 tỷ USD). Hầu như các thương hiệu chuỗi cà phê lớn đều có mặt tại thị trường này.
Nổi tiếng nhất trong đó là Ediya với hơn 2.000 cửa hàng, cạnh tranh với hơn 1.100 cửa hàng Starbucks và hàng nghìn chuỗi cửa hàng nhỏ khác hoạt động với thương hiệu độc lập. Thói quen tiêu dùng cà phê của người dân Hàn Quốc là ưu tiên lựa chọn những thương hiệu mà họ biết đến.
Đồng thời, một thương hiệu vững chắc sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ thị phần không những ở thị trường trong nước, mà còn ở thị phần nước ngoài. Hiện tại có đến 40% khách hàng Hàn Quốc ưa chuộng loại cà phê Americano, nhưng nhiều cửa hàng cà phê đang cố gắng thử các sản phẩm mới như cà phê pha máy, cà phê bột uống liền để tiện hơn khi mang theo.
Ngoài ra, người Hàn Quốc cũng thích cà phê uống liền tại gia đình và công sở do tính tiện dụng. Có đến 95% cà phê bán trên thị trường là cà phê hòa tan uống liền, với đa dạng sản phẩm cà phê.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh cà phê tại Hàn Quốc thường xuyên cải tiến các sản phẩm cà phê uống liền của họ bằng cách thêm các hương vị mới vào sản phẩm. Kênh phân phối cà phê tại thị trường nội địa Hàn Quốc là doanh nghiệp nhập khẩu, nhà sản xuất, cửa hàng bán lẻ chiếm 65% thị phần; Quán cà phê, nhà hàng, khách sạn chiếm 21%; Nhà máy sản xuất thực phẩm chiếm 3% và máy bán hàng là 11%.
Thị trường cà phê Hàn Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu và người tiêu dùng Hàn Quốc ngày càng chuộng các thương hiệu nổi tiếng, có chất lượng cao như Starbucks, Seattle’s Best Coffee, Coffee Bean, Rosebud.
Hiện tại có thực tế, Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất cho Hàn Quốc (đứng thứ nhất trong quý I/2019), nhưng rất ít người dân Hàn Quốc biết họ đang uống cà phê Việt Nam, chỉ có một số rất ít người tiêu dùng Hàn Quốc đã từng sống, học tập và làm việc tại Việt Nam có biết đến thương hiệu cà phê hòa tan G7. Điều này do chưa có nhiều doanh nghiệp cà phê Việt xây dựng được thương hiệu tại thị trường Hàn Quốc trong bối cảnh cạnh tranh giữa các đối thủ nước ngoài tại thị trường này rất gay gắt.
Thêm vào đó, điểm yếu trong xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam là thiết kế mẫu mã bao bì chưa bắt mắt, phù hợp thị hiếu người Hàn Quốc. Cụ thể, cùng sản phẩm cà phê xuất xứ từ Việt Nam, nhưng sản phẩm do doanh nghiệp Hàn Quốc đặt hàng sẽ bán đắt hơn, mặc dù chất lượng như nhau. Lý do là doanh nghiệp Hàn Quốc thiết kế bao bì hấp dẫn và nắm đúng thị hiếu, thẩm mỹ người bản địa.
Do đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp ngành cà phê nên tìm hiểu, nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng Hàn Quốc nhằm giúp thương hiệu cà phê Việt Nam để lại dấu ấn trong khách hàng bản địa.
Theo Thời Báo Ngân Hàng