Trước đây, Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai ký hợp đồng giao khoán với các hộ dân trồng cây cà phê trong thời hạn 15 năm. Từ năm 2011-2017, công ty có chủ trương cho phép chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng hồ tiêu để tăng thu nhập cho người lao động và tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Mức đền bù quá thấp
Theo đó, các hộ đã ký kết thêm với công ty hợp đồng chuyển đổi cây cà phê sang trồng tiêu, thời hạn 10 năm (3 năm kiến thiết cơ bản, 7 năm sau người lao động phải nộp 90 kg tiêu khô/1.000 m2 đất). Trong 3 năm đầu, khi cây hồ tiêu chưa cho sản phẩm, người dân vẫn phải nộp cà phê tươi cho công ty. Theo hợp đồng, các hộ phải đầu tư 100% vốn như trụ, giống, phân bón... để trồng cây tiêu. Hiện vườn tiêu của những hộ này đang vào vụ thu hoạch.
Người trồng lâm cảnh khó khăn khi vườn tiêu, cà phê bị phá bỏ.
Ngày 31-7-2018, Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai hoàn thành việc cổ phần hóa và chuyển thành Công ty CP Cà phê Gia Lai. Đến tháng 11-2018, công ty thông báo yêu cầu người dân dừng chăm sóc vườn cây để phá bỏ nhằm chuyển đổi sang cây trồng khác. Nghe vậy, các hộ đã dừng chăm sóc vườn tiêu để chờ đền bù theo thỏa thuận của hợp đồng. Tuy nhiên, khi chưa thống nhất được mức giá đền bù thì vừa qua, diện tích trồng tiêu đã bị san ủi khiến nhiều người bức xúc.
Ông Tạ Ngọc Lân cho biết gia đình ông ký hợp đồng nhận khoán 3.000 m2 và đã trồng 1.100 trụ tiêu. Sau 3 năm chăm sóc, vườn tiêu chuẩn bị thu hoạch thì phía công ty yêu cầu dừng chăm sóc, vườn tiêu vì thế mà héo tàn rồi chết dần. Tuy nhiên, giá đền bù mà phía công ty đưa ra quá thấp, khoảng 5,9 triệu đồng/1.000 m2/năm.
"Cứ thử làm phép tính, trong 3 năm với 1.100 trụ tiêu, tôi chi ra gần 400 triệu đồng nhưng công ty đền bù cho chúng tôi trong 7 năm còn lại chỉ hơn 100 triệu đồng" - ông Lân nói và cho biết rất nhiều hộ dân khác cũng trong tình cảnh tương tự. Thậm chí, nhiều hộ phải vay mượn tiền để đầu tư thì nay không có khả năng trả nợ do vườn tiêu bị phá bỏ.
Doanh nghiệp cũng khốn đốn
Trong khi người dân và công ty chưa đạt được thỏa thuận chung, nhiều hộ nhận khoán đang gửi đơn kêu cứu chính quyền địa phương can thiệp thì phía công ty lại cho người vào vườn phá bỏ cây trồng.
Ông Trịnh Đình Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cà phê Gia Lai, cho biết phía công ty mới thông báo dừng việc chăm sóc vườn cây. Còn việc người của công ty đưa máy móc vào phá vườn cà phê, tiêu của người dân thì sẽ xem xét lại do ông mới đi công tác nước ngoài về.
Theo ông Trường, đến nay, Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai vẫn chưa bàn giao hết cho Công ty CP Cà phê Gia Lai, như hợp đồng giao khoán của công ty cũ với người dân. Lúc cổ phần hóa, trong hồ sơ định giá tài sản công ty cũng không có hợp đồng giao khoán cho người dân trồng hồ tiêu mà chỉ có trồng cây cà phê.
"Sau khi đi thực tế, chúng tôi mới phát hiện ngoài hợp đồng giao khoán với các hộ trồng cà phê, công ty cũ còn ký thêm hợp đồng cho phép các hộ dân chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng tiêu. Tuy nhiên, các vườn cà phê đã quá già cỗi nên cần phải phá bỏ để chuyển đổi cây trồng khác phù hợp hơn" - ông Trường nói.
Liên quan đến việc đền bù, ông Trường xác nhận đã thỏa thuận với người dân để đưa ra mức giá hợp lý nhất. Đối với các hợp đồng giao khoán, công ty đã thỏa thuận hỗ trợ theo sản lượng cà phê trên hợp đồng đã ký, cộng thêm số năm còn lại mà nông dân sẽ được hưởng. Chính vì vậy, hiện chỉ còn số ít hộ dân không đồng tình với mức đền bù vì vườn của họ đang trồng tiêu với vốn đầu tư lớn. Trong thời gian tới, công ty sẽ thống kê lại diện tích, số lượng cây tiêu để có mức giá hỗ trợ thỏa đáng.
Ông Trường nhìn nhận khi mua lại công ty, ông và nhóm cổ đông chỉ dựa trên giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. "Trong hợp đồng giao khoán có ghi rõ phía công ty đầu tư trên 79%, còn lại là các hộ dân đầu tư. Tuy nhiên thực tế, các hộ dân đầu tư 100% nên chúng tôi phải đền bù gần như toàn bộ. Xem như mua lại công ty này gấp 2 lần so với giá trị thực tế" - ông nói.
Theo Hoàng Thanh (Người lao động)