|
Vụ mùa mới: Nhiều nông dân bắt đầu trồng tiêu vì vườn cà phê già cỗi và dần trở nên năng suất kém |
Thăm vườn cà phê của mình tại tỉnh Đắk Lắk, anh Y Drăn Byă không giấu nổi nỗi lo lắng về nhu cầu cấp bách trong việc tái canh vườn cà phê của mình, nhiều cây cà phê trong vườn đã gần 50 tuổi.
10 năm trước, Byă nhận thấy khả năng sinh lời cao từ vườn cà của mình, nhưng những năm gần đây năng suất và chất lượng của vườn cà phê đã giảm một cách nhanh chóng.
“Hiện, năng suất giảm chỉ còn 1,3-1,5 tấn/ha/năm, kém nhiều so với con số 5-7 tấn/ha cách đây 10 năm” anh Byă cho biết. Theo anh biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến khá nhiều đến năng suất.
Hơn 60% số cây cà phê của anh, trong đó có 1 ha trồng ở xã Ea Tu, đều được trồng vào năm 1972.
Mặc dù lợi nhuận giảm, nhưng anh Byă, 51 tuổi người Ê Đê, vẫn lưỡng lự khi tham gia vào chương trình tái canh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên của chính phủ vào năm 2012.
Anh Byă cho biết “Tôi không tiếp cận được nguồn vay ngân hàng. Thu nhập của gia đình lại phụ thuộc chủ yếu vào vườn cà phê, và phải mất 3 năm mới thu hoạch được từ cây trồng mới.”
Anh Byă chỉ là một trong hàng ngàn nông dân trong xã thiếu nguồn vốn và hỗ trợ kỹ thuật, tại một trong những vùng vùng trồng cà phê chủ lực ở Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, với 622.000 ha cà phê trên cả nước, Tây Nguyên chiếm gần 95% về diện tích và 99% về sản lượng cà phê của cả nước.
Tuy nhiên, số lượng nông trại có cây cà phê già cỗi hoặc còi cọc ngày càng tăng, đã dẫn đến năng suất giảm.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư buôn Kotam, xã Ea Tu cho biết buôn có 600 hộ gồm 3000 người, trong đó có 500 hộ trồng cà phê và số còn lại canh tác cây cao su.
Anh Y Nguê Mlô cho biết, nông dân buôn Kotam chủ yếu trồng cà phê, nhưng năng suất chỉ đạt 1-1,5 tấn/ha/năm trong những năm gần đây.
Anh Y Bang Nie Hrah, một nông dân trong buôn, cho biết để tăng năng suất cà phê, nhiều nông dân phải trồng xen canh các cây khác trong vườn như sầu riêng, bơ và hồ tiêu.
|
Hy vọng một vụ mùa mới bội thu: Vườn cà phê mới dự kiến sẽ cho năng suất cao tại xã Êa Tu, TP. Buôn Ma Thuột, nơi được xem là thủ phủ cà phê tại Việt Nam |
Anh Y Bang Nie Hrah cho biết do thiếu vốn, “Chúng tôi phải xin hoãn thanh toán tiền phân bón cho đại lý cho đến khi thu hoạch được cà phê.”
Chị Nguyễn Thị Châu cho biết thêm, đa số nông dân trồng cà phê, đặc biệt là phụ nữ, hiện đang phải làm công nhân lao động chân tay ở trong tỉnh khác, bởi họ không thể chỉ dựa vào nguồn thu từ cà phê.
Ông Hoăn Mlô, Nguyên Chủ tịch xã Êa Tu cho biết ngoài vấn đề già cỗi của cây cà phê, chất lượng đất xuống cấp cũng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây cà phê.
Đa số nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng do không có tài sản thế chấp, vẫn không thể trả các khoản vay ngân hàng trước đây.
“Vì vậy nhiều gia đình quyết định cho con cái đi học ngoại ngữ, để họ có thể làm việc ở nước ngoài,” ông Mlô cho biết thêm.
Xã Ea Tu, với 16.000 dân số, là địa bàn trồng cà phê chính bao gồm 1,500 ha ở Buôn Ma Thuột.
Quy hoạch tái canh
Theo ông Nguyễn Hữu Vương, Chủ tịch UBND xã Ea tu, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu tái canh 85,000 ha cây cà phê trong vòng 5-10 năm tới.
Ngoài nguồn vốn, nông dân cũng cần có hạt giống chất lượng cao do Viện Khoa học Kỹ Thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chọn lọc kỹ.
Ông Vương cho biết thêm chính quyền địa phương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại để cung cấp nguồn vốn vay tốt hơn cho bà con.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk nói rằng bà con nông dân có thể trồng thay thế các cây cà phê già cỗi và còi cọc theo dự án do Nestle Việt Nam xây dựng.
Nestle Việt Nam sẽ chi trả một nửa chi phí giống mới cho bà con nông dân.
“Dự án cũng đẩy nhanh việc thu mua giống cà phê mới cho năng suất 7 tấn/ha, gấp đôi mức trung bình hiện tại,” ông Thích cho biết thêm.
Bên cạnh việc cung cấp giống không bị bệnh và chất lượng cao, đề xuất cũng hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế 4C (Nguyên tác chung cho cộng đồng cà phê) về sản xuất và thu mua bền vững.
Số nông dân trồng cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C tăng từ 1.745 người năm 2011 lên hơn 13,800 người vào năm ngoái khi chương trình bắt đầu.
Theo ông Thích, cây cà phê canh tác tại Đắk Lắk ít nhất trên 100 năm. Đa số các cây trên 20 năm tuổi cho năng suất thấp bởi vì vòng đời trung bình của cây cà phê là khoảng 20 và 30 năm tuổi.
Ngành công nghiệp đang đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau như sản xuất quy mô nhỏ, quản lý chất lượng kém, và công nghệ chế biến lạc hậu.
Cây cà phê trên 20 năm tuổi chiếm 23% diện tích canh tác, và cây 15-20 năm chiếm gần 35%.
Hơn 92% cây cà phê không thích nghi tốt với dịch bệnh hoặc biến đổi khí hậu.
|
Diễn biến khó khăn: Một nông dân ở xã Ea Tu, tỉnh Đắk Lắk phát biểu về thử thách mà nông dân trồng cà phê đang đối mặt tại cuộc họp gần đây với chính quyền địa phương và đại diện của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hoà. |
Ngoài ra, việc thâm canh và sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không đúng cách cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đất trong tỉnh. Nhiều nông dân thường xuyên tưới nước quá nhiều, rửa trôi chất dinh dưỡng cần thiết cho đất.
Theo Bộ NN&PTNT, vùng Tây Nguyên cần tái canh tổng cộng 200,000 ha cây cà phê già cỗi trong vòng 5-10 năm tới.
Đắk Lắk cần tái canh 85.000 ha, Lâm Đồng: 59.000 ha; Gia Lai: 27.000 ha và Đắk Nông: 24.000 ha.
Hiệp định chiến lược
Bên cạnh chương trình tái canh cà phê của chính phủ bắt đầu năm 2012, sự hỗ trợ từ các công ty tư nhân được dự kiến sẽ giúp phục hồi ngành công nghiệp cà phê.
Trong suốt Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, hiệp định chiến lược giữa hai công ty được ký kết nhằm phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Hiệp định giữa Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền và Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa, một thành viên của Tập đoàn Masan, nhằm giúp nông dân tái canh cây cà phê già cỗi và còi cọc.
Hiệp định cũng giúp chính quyền địa phương tạo ra một địa phương trồng cà phê có năng suất và chất lượng cao tại xã Ea Tu.
Theo chương trình, công nghệ tiên tiến sẽ được sử dụng theo mô hình sản xuất thí điểm, trong khi hộ nông dân nhỏ sẽ hợp nhất thành vùng canh tác lớn nhằm cải thiện sản lượng cà phê.
Hai công ty cho biết rằng họ sẽ làm việc với Sở NN&PTNT của tỉnh cũng như Trung Tâm Khuyến Nông tỉnh.
Nhằm cải thiện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, hai công ty hiện đang hợp tác với Viện Khoa học Kỹ Thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tạo liên kết giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước.
Ông Nguyễn Tấn Kỷ, Tổng Giám đốc của Công ty Vinacafé Biên Hoà, cho biết chương trình sẽ mở rộng sang khu vực khác trong tỉnh nếu mô hình thí điểm thành công.
Buôn Ma Thuật được coi là thủ phủ cà phê lớn của Việt Nam
Hỗ trợ của chính phủ
Ngoài Đắk Lắk, tỉnh Đắk Nông cũng là khu vực trồng cà phê quan trọng vùng Tây Nguyên.
Đa số nông dân tỉnh Đắk Nông cũng tham gia vào chương trình tái canh cà phê của chính phủ bắt đầu năm 2012.
Ngoài các khóa đào tạo, nông dân cũng học về chất lượng hạt giống và phân bón và cách đảm bảo canh tác cà phê bền vững.
Là một phần trong chương trình này, chồi từ những cây già cỗi nhưng vẫn còn tốt sẽ được ghép với cây khác nhằm tăng sản lượng.
Theo Sở NN&PTNT, Đắk Nông có hơn 125.000 ha cà phê. Vườn cà phê thương mại chiếm 113.000 ha so với toàn diện tích.
Đến cuối năm vừa rồi, diện tích cà phê trồng mới đã mở rộng đến 8.000 ha từ năm 2012.
|
Cây này phải bỏ: Anh Y Drăn Byă, 51 tuổi tại xã Ea Tu, tỉnh Đắk Lắk, cho biết vườn cây năng suất kém nên được trồng thay thế bằng cây mới. |
Với con số đó, nông dân đầu tư vào 4.450 ha, trong khi chính quyền địa phương cung cấp quỹ cho cây non cho khu vực còn lại.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Chi cục BVTV tỉnh cho biết nhiều vườn cà phê trồng mới đã thu hoạch sản lượng cao từ chương trình.
Nhưng chương trình đang được triển khai quá chậm.
Bên cạnh việc thiếu giống, nông dân vẫn còn gặp khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng địa phương.
Như tháng vừa rồi, nông dân trong chương trình đã nhận tổng cộng 38 tỷ đồng (1,7 triệu đô) từ Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đắk Nông.
Để giúp nông dân tiếp cận vay vốn, tỉnh đã có kế hoạch đơn giản hóa thủ tục giấy tờ.
Người Pháp đưa cà phê đến vùng Tây Nguyên từ năm 1857.
Và với điều kiện trồng trọt lý tưởng, hạt cà phê từ Buôn Ma Thuột nổi tiếng với các đặc tính vượt trội.
Tây Nguyên có lợi thế từ đất đỏ basan và có độ cao 500 m so với mặt nước biển, khí hậu thuận lợi để trồng cây cà phê.
Năm 1997, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ tư trên thế giới sau Brazil, Colombia và Indonesia.
Ba năm sau, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê hạt lớn thứ hai thế giới, và giữ vững thứ hạng đó cho đến nay. Cà phê hạt robusta Việt Nam chiếm 70% cà phê robusta được giao dịch trên thế giới.
Anh Byă, nông dân xã Ea Tu cho biết anh sẽ xem xét lại việc tham gia vào chương trình của chính phủ nếu anh được đảm bảo hỗ trợ đầy đủ.
Anh muốn tái canh một nửa số cây trong vườn, nhưng vẫn sẽ tiếp tục canh tác số còn lại trong khi chờ hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
“Bốn đứa con của tôi đã rời thôn, lên làm việc tại TP. HCM” anh nói, “Tôi và vợ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục canh tác vườn cà phê mà chúng tôi đang có. Vì vậy tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Chính Phủ để sớm tái canh vườn cà phê”.
Theo Vietnamnews
http://vietnamnews.vn/sunday/features/372796/the-struggle-to-replace-aging-coffee-trees.html#KJEM702pQjKRghxH.97