Nhiều chỉ tiêu chưa đạt
Đề án Phát triển cà phê bền vững được triển khai năm 2008 với 9 tiêu chí, tuy nhiên, qua 8 năm thực hiện phần lớn các tiêu chí chưa đạt mục tiêu đề ra. Ngoài nguyên nhân do nguồn kinh phí chưa đáp ứng được so với yêu cầu thì việc điều tra ban đầu và đưa ra các mục tiêu chưa sát với thực tế, không dựa vào những dự báo nên khi triển khai đã có nhiều bất cập. Đơn cử như chỉ tiêu “duy trì diện tích ổn định 150.000 ha, sản lượng bình quân đạt 400.000 tấn/niên vụ, 50% diện tích cà phê có cây che bóng”, khi đề án triển khai, tổng diện tích cà phê của tỉnh đã lên đến khoảng 182.434 ha, tức là phải giảm khoảng 32.434 ha.
Tuy nhiên, trong giai 2008-2015, hiệu quả sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh vẫn cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, vì vậy diện tích cà phê không những không giảm mà liên tục tăng. Đề án cũng không đưa ra giải pháp cụ thể để quản lý quy hoạch như: giao chỉ tiêu thực hiện cho từng huyện trong vùng quy hoạch, có kiểm tra, đánh giá hằng năm theo kết quả thực hiện…
|
Chế biến cà phê sau thu hoạch ở Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (huyện Cư M'gar). |
Chính vì vậy, diện tích đã tăng gần 21.000 ha, đưa tổng diện tích cà phê của tỉnh lên trên 203.000 ha. Về chỉ tiêu diện tích cà phê có trồng cây che bóng cũng chỉ đạt 35,47% do khi đề xuất mục tiêu, đề án chưa xem xét kỹ khía cạnh nhận thức của hộ sản xuất cà phê về vai trò của cây che bóng chưa đầy đủ; cũng chưa xem xét kỹ vấn đề sản xuất quy mô nhỏ nên các hộ thường không trồng cây che bóng nhằm đạt tối đa năng suất của cà phê. Riêng về sản lượng thì vượt chỉ tiêu đưa ra 11,03% nhưng về năng suất chỉ đạt 2,36 tấn/ha, trong khi mục tiêu của đề án là 2,67 tấn/ha.
Tương tự, chỉ tiêu “áp dụng TCVN 4193:2005 cho 60% sản lượng cà phê xuất khẩu trở lên” nhằm nâng cao chất lượng và uy tín cà phê Đắk Lắk trên thị trường quốc tế, theo rất nhiều chuyên gia, việc thực hiện chỉ tiêu này khá dễ vì nó không gây nhiều tác động tiêu cực lớn đến thu nhập của người trồng cà phê và với thực tế hoạt động chế biến tại nhiều nhà máy, nếu áp dụng tiêu chuẩn này thì đã đạt trên 60%.
Tuy nhiên, do việc áp dụng tiêu chuẩn cho cà phê nhân không mang tính bắt buộc và các nhà nhập khẩu cũng không yêu cầu cần phải có tiêu chuẩn này nên các nhà sản xuất, chế biến, đặc biệt là các nhà thu mua hiện nay vẫn chưa mặn mà áp dụng TCVN 4193:2005, mà chỉ áp dụng các tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu.
Ngoài ra, trong đề án cũng đã chú trọng đến hoạt động chế biến sâu bằng việc đưa nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên kết quả thực hiện các hoạt động hỗ trợ chỉ đạt khoảng 38,15% so với kế hoạch, trong khi năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Vì vậy mục tiêu tăng tỷ lệ chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan đạt từ 15% sản lượng trở lên cho mỗi niên vụ vẫn chưa đạt…
Cần có “cú hích” cho phát triển cà phê bền vững
Rõ ràng việc xây dựng Đề án phát triển cà phê bền vững giai đoạn 2008-2015 còn rất hạn chế, nhiều mục tiêu quan trọng không đạt được kéo theo những khó khăn cho việc thực hiện các giai đoạn tiếp theo. Để khắc phục những hạn chế này, theo Sở NN-PTNT, trong thực hiện Đề án Phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã chú ý đến việc dự báo một số nhân tố ảnh hưởng đến phát triển cà phê bền vững, từ các yếu tố tích cực đến tiêu cực, cũng như cơ hội đối với các hoạt động sản xuất, chế biến cà phê, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp phù hợp.
|
Thu hoạch cà phê ở Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (huyện Cư M’gar). |
Trong các nội dung ưu tiên thực hiện đến năm 2020, quản lý ngành hàng được xem là mục tiêu hàng đầu, trong đó, chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý sản xuất cà phê bền vững như xây dựng phần mềm quản lý, lập bản đồ số lý lịch vườn cây, cập nhật cơ sở dữ liệu hằng năm về tình hình tái canh, cải tạo giống… Bên cạnh đó, Đề án tập trung nhiều nguồn lực vào thay đổi tổ chức sản xuất nhằm nâng cao chất lượng cà phê sau thu hoạch, mục tiêu là hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác từ việc thành lập, hoạt động đến thực hiện quy trình sản xuất cà phê bền vững và một phần kinh phí sản xuất cà phê có chứng nhận; đào tạo nâng cao năng lực; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho cà phê gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng theo chuỗi.
Ngoài ra, đề án còn khuyến khích các doanh nghiệp thu mua và chế biến tham gia liên kết các tổ chức nông dân trồng cà phê; củng cố và xây dựng các liên minh sản xuất cà phê theo chuỗi; nâng cao năng lực của nông dân thông qua đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, xây dựng mô hình; quản lý tốt nguồn tài nguyên nước phục vụ sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường…
Theo đánh giá của các chuyên gia, Đề án đã có những điều chỉnh phù hợp với giai đoạn mới, tuy nhiên để ngành hàng cà phê Đắk Lắk khẳng định vai trò và vị thế của mình trên thị trường quốc tế rất cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt từ cấp lãnh đạo cao nhất của tỉnh và sự “bắt tay” của các nhân tố liên quan mới đạt được các mục tiêu đề ra.
Mục tiêu cụ thể của Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 là giảm dần diện tích còn 180.000 ha và sản lượng bình quân 450.000 tấn/năm, năng suất đạt 2,5 tấn/ha; giai đoạn 2016-2020 tái canh 32.335 ha cà phê, bình quân mỗi năm tái canh 5.000 ha; 70% diện cà phê tái canh ghép cải tạo và trồng mới sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao; có 75-80% diện tích chủ động được nước tưới, có 10.000 ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; 80% diện tích có áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, có chỉ dẫn địa lý; có 80-85% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy và bảo quản theo quy trình kỹ thuật hiện hành, tỷ lệ chế biến sâu đạt trên 10-15% sản lượng của niên vụ; kim ngạch xuất khẩu bình quân 600-650 triệu USD… |
Theo Báo Đắk Lắk