|
Nguồn vốn Agribank giúp người dân Tây Nguyên làm giàu từ cây cà phê |
Làm giàu từ cà phê
Với thị phần chiếm 1/3 nguồn vốn của ngành ngân hàng đầu tư cho khu vực Tây Nguyên, 87% nguồn vốn tại khu vực này được Agribank dành đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tính đến 31/12/2016, dư nợ cho vay đối với cây cà phê đạt 13.397 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Riêng cho vay tái canh cà phê, đến 31/12/2016, Agribank đã cho vay khu vực này đạt 746 tỷ đồng, tăng 1,18% so với cuối năm 2015.
Đến 31/12/2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên của Agribank đạt 36.999 tỷ đồng, chiếm 30% nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tổng dư nợ đạt 59.740 tỷ đồng, chiếm thị phần 27% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đến cuối năm 2016 là 0,88%.
Có thể nói, gần 02 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cho vay tái canh cây cà phê, với sự vào cuộc tích cực của Agribank, diện tích cà phê tái canh tăng lên 10.436ha, với 5.716 khách hàng đã được tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi. Điển hình như Công ty TNHH MTV Cà phê 52 (Đắk Lắk) có 72ha cà phê tái canh của công ty đã bước sang tháng tuổi thứ 7 là một phần của dự án tái canh cây cà phê đã được Agribank Chi nhánh Đắk Lắk cho vay theo gói tín dụng hỗ trợ tái canh cà phê của Chính phủ. Trong năm 2017, công ty sẽ tiếp tục trồng tái canh 130ha, như vậy chỉ sang đến đầu năm 2018, dự án tái canh 230 ha cà phê của công ty sẽ hoàn thành.
Với nguồn vốn vay 70 triệu đồng từ Agribank Chi nhánh Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Huynh, ở xã Eadar, huyện Eakar đã gây trồng tái canh hơn 1ha cà phê, hiện bắt đầu thu bói vụ đầu tiên. Nguồn thu từ chăn nuôi đàn dê 12 con, 5 con bò và đàn lợn là “điểm tựa” giúp gia đình ông mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê cũ, tái canh. Nếu không có gì thay đổi năm sau ông sẽ lên kế hoạch tái canh nốt 1,6ha cà phê đang nhận khoán.
Đảm bảo tính bền vững của chính sách
Theo kế hoạch đến năm 2020 ở Tây Nguyên sẽ trồng và ghép cải tạo khoảng 120.000ha cà phê, trong đó trồng tái canh khoảng 90.000ha, ghép cải tạo 30.000ha.
Để thực hiện tái canh cho diện tích cà phê nêu trên cần một lượng vốn đầu tư lên tới 13.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng của Agribank. Trong quá trình triển khai cho vay tái canh cà phê, muốn đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc vốn xuất phát chủ yêu từ những nguyên nhân khách quan.
Hiện, các hộ chưa mạnh dạn thực hiện tái canh cây cà phê vì đa số diện tích cần tái canh nằm ở các hộ dân độc canh cây cà phê, vườn cà phê là nguồn thu nhập chính nhưng theo quy trình tái canh có 2 năm cải tạo đất và 3 năm kiến thiết, bị gián đoạn thu nhập ít nhất 5 năm, ảnh hưởng đến đời sống của nông dân.
Một nguyên nhân khách quan khác đó là tài sản trên đất của nông dân (nhà cửa, vườn cà phê) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó khăn.
Bên cạnh đó, quy trình tái canh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT còn những bất cập, chưa sát với thực tế.
Vì vậy, để chương trình tái canh cà phê thực sự hiệu quả cùng với sự vào cuộc của ngành ngân hàng, rất cần sự vào cuộc, sự hỗ trợ của địa phương cũng như các ngành các cấp trong việc hỗ trợ người dân các sinh kế ngắn hạn tạo nguồn thu trong giai đoạn tái canh cà phê. Thêm vào đó, trong bối cảnh tình hình hạn hán tại Tây Nguyên rất nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần cân nhắc đưa nội dung cho vay đầu tư tưới nước tiết kiệm khi Bộ sửa đổi Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để góp phần đưa cà phê thực sự trở thành “đòn bẩy” phát triển kinh tế Tây Nguyên trong dài hạn, Agribank sẽ gia tăng tính chủ động về nguồn vốn, cùng ngành ngân hàng tích cực trong việc điều chuyển nguồn vốn cho khu vực Tây Nguyên, đồng thời tìm giải pháp có tính cởi mở, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN.
Theo Kinh tế nông thôn