LÚA GẠO

Xuất khẩu gạo: Tăng cường chất lượng để nâng cao vị thế

Cập nhật ngày: 24 | 06 | 2025

Thay vì chỉ xuất khẩu ở những thị trường truyền thống, gạo Việt đã dần xuất hiện trên kệ tại những thị trường khó tính. Việc chọn thị trường cao cấp để phát triển lâu dài không chỉ giúp doanh nghiệp thoát khỏi vòng luẩn quẩn của thị trường giá rẻ mà còn góp phần khẳng định vị thế của gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Nguồn: daidoanket.vn

Chinh phục thị trường thế giới

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tháng 5/2025 xuất khẩu gạo ước đạt 1,1 triệu tấn với giá trị đạt 573,1 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2025 đạt 4,5 triệu tấn và 2,34 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng nhưng giảm 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2025 ước đạt 516,4 USD/tấn, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Mặc dù vậy, đầu tháng 6, ngành gạo Việt đã chứng kiến sự bứt phá lớn khi lô hàng 500 tấn gạo nhãn hiệu “Gạo Việt xanh, phát thải thấp” đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá bán tại kho của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là 820 USD/tấn, nếu tính giá FOB tại cảng TPHCM là 850 USD/tấn, tương đương hơn 1.000 USD/tấn nếu tính theo giá CIF. Mức giá này ngang với dòng gạo cao cấp nhất của Thái Lan hiện nay là Hom Mali và cao gấp đôi so với giá gạo thơm đang được doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu.

Con số 500 tấn gạo nhãn hiệu “Gạo Việt xanh, phát thải thấp” còn rất khiêm tốn trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lúa gạo thế giới có nhiều biến động thì sự chủ động xoay chuyển của ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và DN xuất khẩu gạo nói riêng để thích ứng với bối cảnh mới, phù hợp xu hướng thị trường, nhất là thị trường cao cấp được cho là phù hợp.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024. Sản lượng gạo xuất khẩu có thể giảm, nhưng nếu tăng được lượng gạo ST24, ST25, gạo thơm chất lượng cao, thì ngoại tệ mang về vẫn tích cực.

Thực tế, hạt gạo Việt gần đây không chỉ xuất khẩu sang các thị trường truyền thống mà đang dần khẳng định vị thế tại các thị trường khó tính và lô hàng 500 tấn gạo phát thải thấp xuất khẩu sang Nhật Bản là minh chứng rõ nhất.

Một số địa phương cũng đang dần thay đổi tư duy sản xuất khi giảm dần về số lượng nhưng tăng về chất. Đơn cử như tại An Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Hiệp cho biết, năm 2025, tỉnh dự kiến xuống giống khoảng 618.000ha lúa, sản lượng ước đạt trên 4 triệu tấn.

Hiện nay, chất lượng gạo của tỉnh An Giang đã được nâng cao đáng kể nhờ áp dụng các tiêu chuẩn “1 phải, 5 giảm”, VietGAP, GlobalGAP. Nhiều diện tích sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng, có mã số vùng trồng và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)…

Chủ động nắm bắt cơ hội

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, câu chuyện hạt gạo Việt vươn ra thế giới không chỉ dừng lại trên cánh đồng mà nó còn là câu chuyện về thị trường, giá cả, cạnh tranh, lựa thời và đón thế. Nhờ có danh tiếng nên hạt gạo của Việt Nam đã có mặt tại thị trường của 150 quốc gia.

Các DN Việt thêm tự tin đầu tư, liên kết với nông dân, hợp tác xã xây dựng được vùng lúa chuyên canh, vùng nguyên liệu gạo xuất khẩu và xây dựng thương hiệu gạo để tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do (FTA), từ đó thâm nhập các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ… Bên cạnh đó, chính việc sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường và sự chủ động cơ cấu lại giống lúa cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và các kênh phân phối nước ngoài đã đưa hạt gạo Việt tự nâng mình lên một tầm cao mới. Tuy nhiên để khơi thông thị trường xuất khẩu tiềm năng, thời gian tới các DN xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng gạo, đầu tư phát triển giống lúa chất lượng cao (tập trung vào lúa thơm, lúa đặc sản, lúa hữu cơ, gạo giàu dinh dưỡng) phù hợp yêu cầu của các thị trường khó tính.

Ở góc độ DN, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cũng cho rằng, ngay lúc này các địa phương cần phê duyệt dự án liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong Đề án 1 triệu héc ta của DN, hợp tác xã... để triển khai diện rộng, như vậy mới có sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào Nhật Bản và một số thị trường khó tính khác như Mỹ, châu Âu và Trung Đông... “Thị trường khó tính đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao nhưng giá trị cũng lớn. Vì thế đây là giải pháp và cơ hội để ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững” - ông Bình nhấn mạnh.

TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, lúa gạo từ lâu đã là ngành hàng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp Việt Nam, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Tuy nhiên, ngành cũng đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường, đặc biệt là vấn đề phát thải khí nhà kính. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa nhằm định vị cho thương hiệu gạo Việt. Việc triển khai thực hiện đề án này thể hiện vai trò tiên phong của Việt Nam - một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong phát triển các mô hình sản xuất lúa xanh, đồng thời được xem là bước đi mang tính chiến lược và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay liên quan tới ngành hàng lúa gạo.

 

TIN TỨC KHÁC

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn Thái Lan

19-6-2025

Trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2024. Dự báo cả năm 2025 xuất khẩu gạo Việt đạt khoảng 7,9 triệu tấn, trong khi xuất khẩu gạo của Thái Lan chỉ đạt khoảng 7 triệu tấn...

Xuất khẩu lô “Gạo Việt xanh phát thải thấp” đầu tiên sang Nhật Bản

9-6-2025

Chủ tịch Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng đây là một thời khắc lịch sử, đánh dấu mốc chuyển mình của ngành nông nghiệp.

Giá gạo xuất khẩu giảm, Philippines nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất

4-6-2025

Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2025 ước đạt 516,4 USD/tấn, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Việt Nam sẽ là nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới

16-5-2025

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước giữ vị trí thứ hai toàn cầu về cả xuất khẩu và nhập khẩu gạo trong hai năm liên tiếp 2025 và 2026.

Xuất khẩu gạo Thái Lan lao dốc 30%, Việt Nam vượt lên

26-4-2025

Các quan chức ngành gạo Thái Lan đang lo lắng khi xuất khẩu gạo quí 1 sụt giảm tới 30%, đánh mất vị trí “á quân” xuất khẩu gạo toàn cầu vào tay Việt Nam, trong lúc Ấn Độ vẫn ngự trị ngôi vương.

Xuất khẩu gạo đón tín hiệu tích cực

16-4-2025

Hơn 1 tháng qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn duy trì đà tăng nhẹ. Nhờ lợi thế gạo thơm và gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng lớn mà gạo Việt Nam giữ được giá xuất khẩu cao, không bị áp lực cạnh tranh bởi gạo Pakistan hay Ấn Độ.

Xuất khẩu gạo chững lại, nhập khẩu tăng vọt

11-4-2025

Giá gạo thế giới lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh tích trữ, kéo kim ngạch nhập khẩu 3 tháng tăng 32,4%, đạt 685 triệu USD.

Phillipines ngày càng thiếu gạo

3-4-2025

Lượng gạo tiêu thụ của Philippines tiếp tục tăng nhanh hơn so với số lượng gạo có thể sản xuất được. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung, lên đến khoảng 6,1 triệu tấn vào năm 2029, theo dự báo từ BMI, đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions.

Gạo Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu Mỹ áp thuế cao với gạo châu Á?

28-3-2025

Mức thuế nhập khẩu cao hơn mà Mỹ áp vào gạo từ châu Á sẽ gây bất lợi cho Thái Lan. Điều này có thể mở ra cơ hội cho gạo Việt Nam hoặc Campuchia vốn có giá bán rẻ hơn.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, giám sát thu mua gạo xuất khẩu

6-3-2025

Thủ tướng vừa yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra việc thu mua lúa gạo, đảm bảo nông dân không bị ép giá, bảo vệ lợi ích xuất khẩu.

Bám sát thị trường để ổn định lại giá xuất khẩu gạo

20-2-2025

Từ cuối năm 2024 đến giữa tháng 2/2025, giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu liên tục giảm sâu. Tuy nhiên với nhận định nhu cầu thực tế của các nước nhập khẩu rất lớn, người sản xuất vẫn bám sát thị trường để khôi phục lại giá gạo xuất khẩu.

Giá gạo xuất khẩu xuống đáy 9 năm

11-2-2025

Sau Tết Nguyên Đán, giá gạo xuất khẩu giảm còn 399 USD một tấn, thấp nhất trong 9 năm.