Một người trồng cà phê tên Gafeto Gardo ở vùng cao nguyên phía nam Ethiopia lo ngại về việc duy trì ngành công nghiệp đã gắn bó với nhiều hộ gia đình ở đây qua nhiều thế hệ. Trong năm 2018, giá hạt cà phê đã giảm 1/3 xuống còn 8 birr/kg, tương đương 29 cent khiến thu nhập của anh xuống dưới 1 cent cho 1 cốc cà phê capuchino bán ra.
“Chúng tôi đang mất dần hi vọng. Cà phê không thu hoạch được nhiều như kì vọng và tôi lo lắng điều này sẽ tác động rất lớn đến nông dân bởi cà phê là nguồn sống ở đây”, ông Gafeto chia sẻ.
Không giống như những người trong ngành dầu và khí gas tự nhiên, người dân trồng cà phê xưa nay vốn thường xuyên nhận được phần lãi rất nhỏ trong chuỗi bán lẻ cà phê.
Tháng 9 vừa qua đánh dấu mức giá cà phê toàn cầu thấp nhất trong 13 năm qua, khiến người ta tự hỏi có đáng tiếp tục trồng cà phê vở một số khu vực trồng truyền thống thuộc Trung Mỹ, Colombia và Ethiopia.
“Trồng cà phê là công việc khó khăn và tốn kém, hơn nữa giá cả đã giảm xuống. Chúng tôi sợ rằng nông dân có thể từ bỏ vụ mùa”, ông Desalegn Demissie, người đứng đầu Phòng Hợp tác và Phát triển Shebedino cho biết.
Tuy nhiên, ở phía cuối của chuỗi giá trị, thế hệ Millennial ở phương Tây đã gắn bó rất lâu với Starbucks và uống cà phê rất nhiều. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển của các cửa hàng cà phê cũng như những đổi mới trong cách pha cà phê từ cold brew đến nitrogen coffee.
Ngành công nghiệp cà phê cũng đã chứng kiến một làn sóng mua lại công ty khi Nestle, JAB Holding và Coca-Cola chi hàng tỉ USD để tăng thị phần của họ.
Những người trồng cà phê trên khắp thế giới đã cảnh báo các giám đốc điều hành của các công ty cà phê ở phương Tây về một cuộc khủng hoảng xã hội đang phát triển, trừ khi họ có thể giúp nâng cao nguồn thu nhập của nông dân.
Vào năm 2018, trong một bức thư gửi giám đốc điều hành tại các công ty như Starbucks, Jacobs Douwe Egberts (JDE) và Nestle, tổ chức đại diện cho những người trồng cà phê ở hơn 30 quốc gia cho biết nếu các trang trại cà phê bị bỏ hoang sẽ gây ra bất ổn chính trị và di cư bất hợp pháp.
VỤ MÙA BỘI THU TẠI BRAZIL
Một số công ty đã phản hồi. Chẳng hạn như Starbucks cam kết chi 20 triệu USD để hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ hợp tác với họ ở Trung Mỹ cho đến khi giá cà phê tăng cao hơn chi phí sản xuất.
“Đối với chúng tôi, đó là bước khởi đầu. Chúng tôi thực sự cần phải làm điều gì đó hữu ích trong thời gian tới tại các quốc gia đang gặp khó khăn trong sản xuất cà phê”, theo bà Michelle Burns, một trong số những người điều hành tại Starbucks, công ty thu mua khoảng 3% cà phê thế giới.
Thị trường cà phê đang chịu áp lực giảm lớn vì nguồn cung từ vụ thu hoạch mới tại Brazil đạt kỷ lục. Trong khi đó, giới đầu cơ cũng đang tích một lượng rất lớn vị thế bán đối với arabica trên sàn ICE New York.
Vào ngày 18/9/2018, giá cà phê arabica đã giảm xuống chỉ còn 95,10 cent/pound, tương đương 2,09 USD/kg, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 12/2005. Bốn tháng sau, giá vẫn còn dao động ở mức 1 USD/pound.
Đối với ông Gafeto và 4.500 nông dân khác trong Hợp tác xã cà phê được thành lập ở Ethiopia, những biến động trên thị trường tài chính ở New York đã tác động trực tiếp đến giá cà phê tại nước này.
Thị trường nội địa Ethiopia phần lớn được xác định bởi các cuộc đấu giá hàng ngày được điều hành bởi Sàn giao dịch Hàng hóa Ethiopia, nhưng giá cả có mối tương quan chặt chẽ với xu hướng trên thị trường tương lai toàn cầu.
Đối với nông dân Ethiopia, hầu hết cà phê của họ được xuất khẩu với số lượng lớn là cà phê xanh chưa rang, với các quy trình làm tăng giá trị được thực hiện sau đó tại các quốc gia tiêu thụ cà phê.
“Vẫn chưa có thay đổi ý nghĩa nào trong cách thức cà phê được vận chuyển, thu mua hoặc sản xuất trong nhiều thập kỷ qua”, Rob Terenzi, người đồng sáng lập của Vega Coffee tại Mỹ cho biết.
Ethiopia nằm trong đất liền nên các nhà xuất khẩu thường sẽ vận chuyển hàng hóa tới Djibouti trước sau đó được chuyển tiếp bằng container.
Các thị trường cà phê chính của Ethiopia tại châu Âu bao gồm Hamburg và Bremen ở Đức và Antwerp ở Bỉ. Hạt cà phê sau đó sẽ được rang, pha trộn và đóng gói ở châu Âu trước khi được phân phối cho các cửa hàng cà phê và chuỗi đại lý bán lẻ.
Mặc dù Ethiopia sản xuất một số loại cà phê chất lượng cao, chỉ một tỉ lệ nhỏ cà phê được bán dưới dạng cà phê độc quyền hoặc đặc sản từ một địa phương cụ thể.
“Loại cà phê này được sử dụng rất nhiều để pha chế và được bán dưới dạng cà phê có thương hiệu riêng”, một thương nhân ở Đức cho hay.
THAY ĐỔI QUY ĐỊNH
Nhãn mác đúng kiểu các như Fairtrade đã giúp đỡ nông dân bằng cách đảm bảo mức giá tối thiểu nhưng các công ty như Vega Coffee ở Berlin tin rằng cần phải cải thiện tốt hơn chuỗi cung ứng.
“Fairtrade là lựa chọn tốt nhưng nó chỉ là áp dụng trong một hệ thống thị trường không công bằng. Cần phải thay đổi hoàn toàn các quy tắc để tạo sự khác biệt cho nông dân”, ông Xaver Kitzinger, người đồng sáng lập của Kaffee-Kooperative nhận định.
Chi nhánh công ty Vega Coffee tại Đức đã hợp tác với một hợp tác xã ở Rwanda để xuất khẩu cà phê Ethiopia đã được rửa, rang và đóng gói trước khi được chuyển đến châu Âu.
Vega Coffee đã tạo ra các quan hệ đối tác tương tự, chẳng hạn như xây dựng một trung tâm rang xay ở Nicaragua và đào tạo cho nông dân tất cả các kĩ thuật của quy trình sản xuất.
“Nông dân ở đây đã sản xuất cà phê qua nhiều thế hệ, họ thực sự giỏi trong việc tạo ra một sản phẩm cuối cùng thực sự hoàn hảo”.Tuy nhiên, cà phê rang xay đã trở nên đắt hơn trong vòng 10 - 15 năm qua, nguồn thu nhập của nông dân cũng đã giảm dần”, ông Terenzi bày tỏ quan điểm của mình.
Ông cũng cho biết nông dân làm việc với Vega Coffee có thể nhận được mức lương 11 USD/kg cho một sản phẩm hoàn chỉnh đã được rang, sấy khô, lọc và đóng gói.
Tuy nhiên, cà phê thường trộn hạt từ nhiều quốc gia để đảm bảo chất lượng ổn định, do các loại cây trồng khác nhau có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết và các yếu tố khác từ năm này sang năm khác.
“Rất nhiều loại cà phê chất lượng tốt là sự pha trộn từ nhiều nguồn gốc. Chúng tôi có hàng ngàn công thức khác nhau để tạo ra cùng một chất lượng và tính nhất quán cho sản phẩm.”, ông Daniel Martz, người đứng đầu các hoạt động phát triển bền vững tại JDE cho biết.
Một số nguồn tin cũng cho rằng, giá trị của cà phê không chỉ thể hiện sự đóng góp của nó trong thực đơn đồ uống tại các cửa hàng mà còn cả siêu thị, trong đó chi phí cho mỗi cốc nhỏ hơn nhiều so với giá của một ly cà phê Starbucks.
Công ty Nestle Thụy Sĩ cho biết cần phải có một cách tiếp cận tổng thể, quy mô xây dựng trên toàn ngành để cải thiện cuộc sống cho rất nhiều nông dân trồng cà phê trên khắp thế giới. “Xử lý những vấn đề tồn đọng trong khủng khoảng hiện tại đang nằm ngoài khả năng của bất kỳ một công ty riêng rẽ nào”.
Theo Reuters