Cập nhật ngày:
10 | 05 | 2018
Theo phát biểu của Mỹ tại WTO ngày 9/5, Ấn Độ đang trợ cấp cho nông dân trồng lúa gạo và lúa mỳ với mức cao hơn nhiều so với quy định của WTO.
“Rõ ràng Ấn Độ đang trợ cấp trên diện rộng đối với lúa mỳ và lúa gạo theo chương trình trợ cấp giá thị trường (MPS) vượt mức báo cáo lên WTO. MPS của Ấn Độ đối với lúa mỳ lên tới hơn 60% giá trị sản xuất trong mỗi 4 năm qua. Trong khi đó, MPS đối với gạo thậm chí lên tới hơn 70%”. Phía Mỹ cho rằng bất cứ hoạt động trợ cấp nào vượt 10% đều vi phạm các nguyên tắc của WTO.
Ấn Độ đã cải cách các chính sách trợ cấp nông nghiệp vốn là vấn đề đàm phán lớn tại WTO của nước này trong 5 năm qua. Ấn Độ đã vượt qua đợt kiểm tra sơ bộ của WTO về hệ thống dự trữ công đối với nông sản cho các mục đích an ninh lương thực, nhưng Mỹ và các nước khác vẫn lên tiếng quan ngại về các kế hoạch này, cảnh báo rằng các chương trình trợ cấp tại Ấn Độ có thể khuyến khích sản xuất, gây ra tình trạng dư cung và có thể gây hiệu ứng lan truyền trên các thị trường thế giới.
Trong phân tích đưa ra, Mỹ đã xem xét các khoản trợ cấp của Ấn Độ trong 4 năm gần nhất mà nước này thông báo lên WTO, từ năm 2010/11 đến 2013/14. Kết quả phân tích của Mỹ cho thấy Ấn Độ là nước sản xuất nông nghiệp lớn thứ 2 hoặc thứ 3 trên thế giới, xuất khẩu nông sản của nước này đã tăng 22% trong những năm phân tích trên, đưa nước này tăng từ vị thế nước xuất khẩu lớn thứ 10 thế giới lên vị trí thứ 7. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong vài năm qua, chiếm 20% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu. Năm 2013/14, Ấn Độ thông báo MPS cho gạo là 120 tỷ Rupees, tương đương 1,78 tỷ USD, tương đương 5,45% giá trị sản xuất gạo của nước này. Theo tính toán của Mỹ, con số thực chất là 1.780 ngàn tỷ Rupees, tương đương 26,43 tỷ USD, tương đương 76,9% giá trị sản xuất. Mức trợ cấp đối với lúa mỳ trong cùng năm theo báo cáo từ phía Ấn Độ là âm 49 tỷ Rupees, trong khi phân tích của Mỹ lên tới 965 tỷ Rupees, tương đương 65,3% giá trị sản xuất.
Mỹ đang vận động các nước thành viên WTO minh bạch hơn trong các chính sách thương mại của họ, vừa tuân thủ các quy định của WTO, vừa chống lại chủ nghĩa bảo hộ ngầm. Mỹ cho biết nước này muốn thảo luận về các kết quả và mức độ tác động của các chính sách này lên các thị trường thế giới.
Theo Reuters (gappingworld.com)