LÚA GẠO

Chiến lược phát triển sản xuất gạo hữu cơ Thái Lan: Tìm thị trường đúng trước tiên

Cập nhật ngày: 07 | 11 | 2017

Theo chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Leothamatas, chính phủ Thái Lan phải tìm đúng thị trường cho gạo hữu cơ trước khi khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng lúa gạo hữu cơ từ 48.000 ha năm 2017 lên 160.000ha năm 2019.

Ông Charoen cho biết thêm nông dân trồng lúa gạo hữu cơ cho xuất khẩu cần chứng nhận để chứng minh quy trình sản xuất và sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, và thực tế là rất khó cũng như đắt đỏ để có chứng nhận này. Nếu chính phủ muốn thúc đẩy hình ảnh Thái Lan trở thành một nhà sản xuất gạo hữu cơ, chính phủ cần giúp nông dân nộp hồ sơ xin chứng nhận gạo hữu cơ toàn cầu, hỗ trợ phát triển giống lúa và tìm thị trường có nhu cầu đối với gạo hữu cơ. Hiện xuất khẩu gạo hữu cơ của Thái Lan chỉ chiếm 5.000 tấn trong khoảng 11 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm.

Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường tiềm năng cho nông dân trồng lúa nếu họ có thể kiểm soát chất lượng mùa vụ và phát triển giống lúa đáp ứng nhu cầu thị trường ngách này.

Theo ông Montri Gosalawat, tổng thư ký Hiệp hội Nông dân Tiến bộ, vốn đã trồng lúa gạo hữu cơ từ năm 1995, cho rằng mặc dù thị trường gạo hữu cơ là thi trường ngách, nhu cầu mỗi năm đang tăng trưởng hai con số từ năm 2009 đến nay. Gạo hữu cơ đặc biệt được ưa chuộng tại các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu.

Nhu cầu gạo hữu cơ toàn cầu trung bình hàng năm là khoảng 10.000 tấn, trong đó Thái Lan đang chiếm một nửa thị phần xuất khẩu toàn cầu. Với thị trường tăng trưởng trung bình 20%/năm, Thái Lan có tiềm năng lớn trong phát triển và xuất khẩu gạo hữu cơ nếu chính phủ hỗ trợ bí quyết sản xuất, quy trình nộp hồ sơ chứng nhận, phát triển giống lúa và thị trường.

Chi phí sản xuất gạo hữu cơ thường thấp hơn so với sản xuất gạo sử dụng đầu vào vô cơ. Tuy nhiên, giá gạo hữu cơ cao hơn do thời gian sinh trưởng lúa dài hạn – nghĩa là chỉ 1 vụ/năm – và nhu cầu đang tăng trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu có 3 triệu nông dân sản xuất lúa gạo hữu cơ trên diện tích 1,6 triệu ha đến năm 2021, qua đó tăng nguồn cung gạo hữu cơ trên thị trường lên hơn 200%, nhưng điều này cũng có nghĩa là giá gạo hữu cơ sẽ giảm và Thái Lan cần tìm các thị trường mới.

Theo Man Samsri hiện đang dẫn đầu một trang trại sản xuất lúa gạo hữu cơ tại tỉnh Yasothorn province, giá gạo hữu cơ toàn cầu không phải là vấn đề lớn khi ông thay đổi hoạt động sản xuất sang sản xuất hữu cơ 10 năm trước. “Chúng tôi đã thay đổi sang trồng lúa gạo hữu cơ bởi cần cải thiện chất lượng cuộc sống, vốn chịu nhiều tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng hóa chất, và cũng sản xuất gạo chất lượng cao cho chính gia đình mình tiêu dùng”.

Nhóm sản xuất của ông có tổng cộng 2.131 nông dân, có diện tích đất trồng lúa gạo hữu cơ 6.831ha. Gạo của nhóm nông dân này đang thu được mức giá ngày càng cao trên thị trường. Hiện nhóm sản xuất thu hoạch khoảng 300 tấn gạo hữu cơ hàng năm, có chứng nhận gạo “Hom Mali” trên toàn cầu và 90% sản lượng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, 10% còn lại được bán trên thị trường nội địa với mức giá trung bình 80 Baht/kg – cao hơn nhiều so với mức giá gạo Hom Mali thường ở mức khoảng 45 Baht/kg.

“Giá cao là lý do cuối cùng để chúng tôi lựa chọn sản xuất gạo hữu cơ chất lượng cao. Lợi ích tối hậu của sản xuất gạo hữu cơ đối với chúng tôi là sức khỏe tốt hơn nhờ sản xuất – tiêu dùng loại gạo này”, ông Man cho biết. “Đây là cách làm cho những nông dân sản xuất bền vững trong dài hạn. Nếu chúng tôi có sản phẩm chất lượng cao, chúng tôi sẽ tìm thị trường có đủ sức mua cho các sản phẩm này”.

Theo National Multimedia (gappingworld.com)

TIN TỨC KHÁC