Cập nhật ngày:
16 | 05 | 2017
Cơ quan thu mua ngũ cốc của chính phủ Bangladesh sẽ nhập khẩu 600.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ và ổn định giá loại ngũ cốc thiết yếu này. Các nhà chức trách Bangladesh cũng đang xem xét khả năng giảm thuế lên gạo nhập khẩu, theo ông Badrul Hasan, giám đốc Tổng cục Lương thực cho biết, do giá gạo nội địa đã chạm mức cao kỷ lục và dự trữ gạo chính phủ chạm mức thấp nhất trong 6 năm.
Cơ quan thu mua chính phủ đã thông báo về cuộc đấu giá nhập khẩu 50.000 tấn gạo đồ vào tuần trước, là phiên đấu thầu đầu tiên trong nhiều năm, sau khi lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cánh đồng lúa đến kỳ thu hoạch, có khả năng đã cuốn trôi 700.000 tấn lúa. “Chúng tôi sẽ nhập khẩu tổng cộng 600.000 tấn gạo, sau khi đã đấu thầu một lần và một phiên đấu thầu khác sẽ sớm được tổ chức”.
Ông cho biết tổng cục cũng lên kế hoạch nhập khẩu gạo thông qua các hợp đồng G2G, với các nhà sản xuất gạo lớn như Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ do nhập khẩu qua đấu giá thường là một quy trình kéo dài.
Đất nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới với sản lượng hơn 30 triệu tấn gạo, nhưng Bangladesh lại tiêu thụ phần lớn gạo sản xuất nội địa. Nước này cũng thường phải nhập khẩu thêm gạo để bù đáp thiếu hụt gây ra bởi các thảm họa tự nhiên như lũ lụt và hạn hán. Bangladesh từng là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 4 thế giới theo dữ liệu của USDA hồi năm 2011, do dự trữ thấp và giá cao buộc chính phủ nước này phải nhập khẩu. Kể từ đó, các cơ quan thu mua ngũ cốc chính phủ đã không còn tham gia nhập khẩu, mặc dù các nhà giao dịch tư nhân vẫn nhập khẩu đều đặn, chủ yếu là từ Ấn Độ.
Năm 2015, chính phủ Bangladesh áp mức thuế 28% lên gạo nhập khẩu để bảo vệ nông dân nội địa sau khi các nhà nhập khẩu tư nhân nhập khẩu tới khoảng 1,5 triệu tấn gạo từ Ấn Độ, dẫn đến giá gạo nội địa giảm mạnh.
Dự trữ gạo chính phủ Bangladesh đã giảm xuống chỉ còn khoảng 350.000 tấn – mức thấp nhất trong 6 năm. Gạo là ngũ cốc thiết yếu cho 160 triệu người Bangladesh, nhưng tiêu dùng lúa mỳ cũng đang tăng lên do thay đổi lối sống. Hàng năm, nước này nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn lúa mỳ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đưa quốc gia này lên trở thành nước nhập khẩu lúa mỳ số 1 của khu vực Nam Á, trong khi sản lượng lúa mỳ hàng năm của nước này chỉ ở mức khoảng 1 triệu tấn.
Theo Reuters
Theo Gappingworld