Nguồn: Nongnghiep.vn
Tháng 8 vừa qua, việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này, là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.
Để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, các địa phương và doanh nghiệp sản xuất cần nắm rõ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, đặc biệt là các tiêu chí về an toàn thực phẩm (ATTP) theo Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).
Quy định này yêu cầu các cơ sở phải đăng ký và được cấp phép trước khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc, thông qua Hệ thống Thương mại Một cửa (CIFER).
Điều kiện đăng ký
- Doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý ATTP được GACC đánh giá và công nhận là tương đương với tiêu chuẩn của Trung Quốc.
- Doanh nghiệp phải thiết lập một hệ thống quản lý ATTP hiệu quả, đảm bảo rằng thực phẩm xuất khẩu đáp ứng các quy định về ATTP của Trung Quốc và được giám sát bởi cơ quan thẩm quyền quốc gia.
- Doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu của GACC và cơ quan thẩm quyền trong nước về kiểm tra và kiểm dịch.
Đăng ký được thực hiện thông qua hệ thống CIFER tại địa chỉ: https://app.singlewindow.cn/.
Các nhà xuất khẩu đăng ký sản xuất sầu riêng đông lạnh theo lệnh 7 bước theo infographic dưới đây:
Sau đó, GACC sẽ thẩm tra, xử lý hồ sơ và thông báo kết quả trên hệ thống CIFER. Doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sẽ nhận được số đăng ký tại Trung Quốc. Giấy phép đăng ký có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày cấp. Mã đăng ký sản xuất thực phẩm xuất khẩu đến Trung Quốc và số đăng ký kiểm dịch phải được in trên bao bì sản phẩm.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh, Trung Quốc có quy định rất rõ ràng và chặt chẽ nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu an toàn cho người tiêu dùng trong nước. Do đó, doanh nghiệp cần nộp đầy đủ hồ sơ, đáp ứng đủ các tiêu chí để xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc thuận lợi hơn.
Theo đó, doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) được GACC đánh giá theo 13 tiêu chí và công nhận là tương đương với tiêu chuẩn của Trung Quốc. Phía Việt Nam cũng sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện ATTP đến thị trường 1,4 tỷ dân.
Các tiêu chí đánh giá của GACC (checklist)
1. Tổng quan về doanh nghiệp: Thông tin chung về doanh nghiệp, hệ thống quản lý sản xuất, hệ thống tổ chức nhân sự
2. Địa điểm sản xuất và cách bố trí nhà xưởng
3. Cơ sở vật chất: Nhà máy, cơ sở chế biến, kho chứa thường, kho chứa lạnh, thiết bị sản xuất… phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, được GACC xét duyệt hồ sơ và cấp mã đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc.
4. Nước, nước đá, và hơi nước: Báo cáo quy trình sử dụng và biện pháp kiểm soát chất lượng nước, nước đá, hơi nước trong quá trình sản xuất (nếu có)
5. Nguyên liệu đầu vào, phụ gia, vật liệu đóng gói: Hồ sơ nguồn nhập nguyên liệu (phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc), phụ gia thực phẩm (nếu có) và vật liệu đóng gói.
6. Kiểm soát quá trình sản xuất, chế biến, sơ chế: Kiểm soát các mối nguy về an toàn thực phẩm (như độc tố nấm mốc, kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật…). Cùng với đó, nhà xuất khẩu cần đào tạo nhân viên chất lượng cao, đủ kinh nghiệm vận hành hệ thống HACCP theo điều II của Nghị định thư.
7. Biện pháp làm sạch và tiệt trùng
8. Kiểm soát hóa chất, chất thải, sinh vật gây hại
9. Truy xuất nguồn gốc: Doanh nghiệp và địa phương tham khảo Bộ NN-PTNT đã ban hành công văn 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về cấp và quản lý mã số vùng trồng. Sở NN-PTNT địa phương có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký mã số vùng. Trong trường hợp doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu mà thu mua sầu riêng từ các vườn trồng của nông dân, HTX, thì doanh nghiệp cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với từng lô hàng.
10. Quản lý và đào tạo nhân sự: Doanh nghiệp cần đảm bảo khám sức khỏe định kỳ và lưu hồ sơ cho nhân sự, đào tạo các nhân viên kỹ thuật cao
11. Tự kiểm tra và tự kiểm soát: Doanh nghiệp có thể tự thực hiện kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả xét nghiệm đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc; hoặc ủy thác cho cơ sở đủ năng lực thực hiện việc kiểm tra và thử nghiệm.
12. Kiểm soát dịch hại: Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sản phẩm nhiễm sinh vật gây hại, phòng trừ dịch hại thường xuyên hoặc khi cần thiết, xử lý khử trùng (nếu cần)
13. Quy định về trách nhiệm pháp lý, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu