Theo nguoiduatin.vn
Dự báo tháng 8 xuất khẩu rau quả đạt hơn 700 triệu USD
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam trong tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỉ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả 8 tháng đạt 1,53 tỉ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cập nhật đến 7 tháng đầu năm, nguồn cung rau quả nhiều nhất mà Việt Nam nhập khẩu là Trung Quốc, Mỹ, Myanmar, Úc… Đáng chú ý, không chỉ trái cây nhập khẩu nhiều mà nhóm rau củ cũng tăng mạnh.
Theo số liệu trên Người Lao Động tại Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, 7 tháng đầu năm, rau ngoại nhập về chợ chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc với sản lượng 24.663 tấn - tăng 2.765 tấn, tương đương 12,6%.
Xuất khẩu rau quả hướng tới mục tiêu xuất khẩu 7 tỷ USD
Dự báo hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng. Với động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.
Những con số dự báo trên hoàn toàn có căn cứ khi 7 tháng xuất khẩu rau quả đã đạt 3,83 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong Top 10 thị trưởng xuất khẩu rau quả Việt Nam (trừ Hà Lan), mặt hàng này đều có sự tăng trưởng với hai con số. Đặc biệt khi mới đây, Hàn Quốc đã đồng ý nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam và sầu riêng Tây Nguyên đang bước vào vụ khi Thái Lan đã hết mùa.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng có xu hướng tăng. Bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á. Ở khu vực này các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như: EU, Mỹ…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ với TTXVN: Quá trình tổ chức sản xuất từ vùng nguyên liệu, vùng trồng cho đến mã số, cơ sở đóng… Cục Bảo vệ thực vật đang quản lý rất sát và trong bối cảnh hội nhập sâu, đòi hỏi toàn chuỗi sản xuất phải cập nhật, đáp ứng được, thậm chí cả trên nhu cầu của thị trường. Đây là yêu cầu tất yếu để xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
"Sự nhạy bén, tuân thủ nghiêm quy định quốc tế là giải pháp căn cơ cho mọi ngành hàng phát triển bền vững; trong đó có rau quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương siết chặt quản lý về chất lượng, vùng trồng. Nguồn cung lớn, ổn định thì bài toán chất lượng cần giải quyết hiệu quả để xuất khẩu rau quả tăng trưởng cao hơn" , Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Dự kiến hết năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu héc-ta, tăng khoảng 20.000 ha so với năm 2023. Tổng sản lượng quả thu hoạch trong 5 tháng đầu năm 2024 là hơn 4,4 triệu tấn; tổng sản lượng cả năm ước đạt hơn 13,5 triệu tấn, tăng khoảng 3,4% so với năm 2023. Diện tích và sản lượng rau năm 2024 cũng tăng đáng kể khi sản xuất khoảng 1,03 triệu héc-ta, tăng khoảng 30.000 ha so với năm 2023; sản lượng dự kiến đạt 19,7 triệu tấn, cao hơn năm 2023 khoảng 624.000 tấn. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, diện tích rau cả nước sản xuất khoảng 652.800 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng đạt khoảng 12,5 triệu tấn, đây chính là nguồn cung dồi dào phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, tại thời điểm này, nhiều loại trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào chính vụ như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải... sẽ tạo ra lượng hàng hóa lớn cho cả xuất khẩu tươi và chế biến sâu.
Trúc Chi