Nongnghiep.vn
Điển hình Di Linh
Trong chuyến thăm và khảo sát thực tế hiện trạng về sản xuất cà phê và công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cách đây hơn 1 tháng, bà Florika Fink-Hooijer, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Môi trường châu Âu đánh giá cao những nỗ lực của địa phương.
Bà nói Di Linh đã triển khai nhiều hoạt động “tích cực” và đạt được những kết quả “khả quan”, tiến tới đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trong Quy định không phá rừng (EUDR) mà châu Âu vừa ban hành.
Di Linh hiện là huyện có diện tích sản xuất cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, với khoảng 45.000ha. Cùng với khoảng 83.000ha rừng, màu xanh gần như phủ kín diện tích toàn bộ huyện.
Phòng NN-PTNT huyện Di Linh khá tự tin trước EUDR bởi xuyên suốt thời gian qua, địa phương đã có nhiều biện pháp khuyến khích người sản xuất cà phê theo mô hình bền vững, đáp ứng đầy đủ theo các tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước.
Nguyên nhân của điều này xuất phát từ việc Di Linh đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ năm 2019, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) đã phối hợp chặt chẽ với huyện (và huyện Lạc Dương) xây dựng các vùng cà phê bền vững.
Một trong những cách tiếp cận được IDH đưa ra tại Di Linh là xây dựng những mô hình cà phê tích hợp đa giá trị. Điều đó thể hiện rõ nét tại xã Tân Nghĩa, nơi gia đình ông Lê Ngọc Toàn hiến đất, xây hồ chứa thủy lợi cộng đồng trên diện tích 3.000m2, dung tích hơn 10.000m3 nước.
Vấn đề nước tưới từng là nỗi trăn trở của rất nhiều hộ trồng cà phê tại xã Tân Nghĩa bởi tình trạng khô hạn khiến nguồn nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ hồ chứa cộng đồng của nhà ông Toàn, hơn 20ha cây cà phê xung quanh đã “sống khỏe”. Cây phát triển hoa, đậu trái cao hơn và đảm bảo được năng suất.
Những công trình hồ thủy lợi cộng đồng được xây dựng theo kết cấu đơn giản, không cần bê tông hóa taluy bờ hồ hoặc bê tông đáy. Về mùa mưa, nước đổ về sẽ được tích trữ. Nguồn này sau đó thẩm thấu vào lòng đất và cũng từ đó góp phần tạo duy trì được tầng nước ngầm. Tuy nhiên, trong nhiều năm khi giá cà phê dao động, bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây một hồ cỡ lớn là quyết định không dễ với cộng đồng, kể cả việc họ hùn vốn đầu tư.
Nâng cao sinh kế cho người dân là một trong những mục tiêu được EUDR hướng đến, thông qua việc tăng nhu cầu và mua bán các mặt hàng, sản phẩm hợp pháp và không gây mất rừng. Nếu không thể đảm bảo cuộc sống, thu nhập cho người dân, những quy định, thủ tục pháp lý đều khó triển khai một cách đồng bộ tại địa phương.
Đây cũng là lý do đưa IDH đến quyết định hỗ trợ hàng nghìn cây giống lâm nghiệp như giổi, mắc ca… cho nông dân áp dụng trồng xen tại các diện tích đất nông nghiệp tiếp giáp rừng. Trên những phần đất lâm nghiệp được người dân canh tác cà phê ổn định hàng thập kỷ, cây rừng được trồng xen với mật độ theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Báo cáo của UBND huyện Di Linh năm 2022 cho thấy, toàn huyện có 14 vụ vi phạm lâm nghiệp, giảm 8 vụ so với năm 2021; lâm sản thiệt hại giảm 26,3%; diện tích rừng bị phá giảm 64%. Đây là những minh chứng cho việc canh tác cà phê bền vững tại địa phương.
Không lơ là với những án phạt
Tìm hiểu và thích ứng với những quy định của EUDR không phải nhiệm vụ của riêng Việt Nam. Các quốc gia lân cận đều tăng tốc để đảm bảo không bị gián đoạn giao thương sau năm 2024. Chẳng hạn, Malaysia và Indonesia đã cử nhiều chuyên gia sang châu Âu để trao đổi, hiểu rõ, nắm chắc vấn đề cho ngành dầu cọ.
Về cơ bản, EUDR cấm bán các hàng hóa và sản phẩm trong hoặc ngoài thị trường EU trừ phi các công ty hoặc nhà cung cấp có thể xác minh 3 điều kiện: Các sản phẩm không đến từ vùng đất bị phá rừng sau ngày 31/12/2020; Các sản phẩm được sản xuất theo luật pháp của quốc gia nơi chúng được sản xuất; Các sản phẩm được chứng nhận bởi một tuyên bố thẩm định.
Yêu cầu thẩm định là một phần quan trọng của EUDR. Theo đó, các công ty phải tuân chặt chẽ quy trình thẩm định gồm 3 bước trước khi bán các sản phẩm liên quan trên thị trường EU hoặc xuất khẩu chúng.
Một là, thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu để chứng minh rằng các sản phẩm liên quan tuân thủ ba điều kiện nêu trên. Hai là, tiến hành đánh giá rủi ro dựa trên tài liệu đã thu thập để xác định xem có nguy cơ không tuân thủ hay không. Ba là, áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro như thu thập thông tin bổ sung, tiến hành khảo sát và kiểm toán độc lập hoặc hỗ trợ nhà cung cấp thông qua xây dựng năng lực hoặc đầu tư.
Nếu quá trình thẩm định không phát hiện hoặc rủi ro không tuân thủ ở mức không đáng kể, các công ty gửi báo cáo thẩm định cho cơ quan có thẩm quyền thông qua hệ thống thông tin do Ủy ban Châu Âu thiết lập. Chỉ khi đạt được bước này, các sản phẩm mới có thể được bán hoặc xuất khẩu từ thị trường EU.
Quy định mới cũng giới thiệu một hệ thống đánh giá rủi ro 3 cấp sẽ được Ủy ban Châu Âu triển khai 18 tháng sau khi EUDR có hiệu lực. Hệ thống này sẽ đánh giá và phân loại các quốc gia có rủi ro cao, tiêu chuẩn hoặc thấp trong việc sản xuất các sản phẩm liên quan đến phá rừng. Việc phân loại sẽ xem xét các tiêu chí như tốc độ suy thoái rừng tại quốc gia đó và xu hướng sản xuất các mặt hàng liên quan.
Các công ty hoạt động hoặc xuất khẩu từ các quốc gia được phân loại là có rủi ro cao sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn; đồng thời được yêu cầu tiến hành thẩm định chặt chẽ hơn khi tìm nguồn cung ứng từ các địa điểm này. Mặt khác, các công ty hoạt động ở các quốc gia được phân loại là có rủi ro thấp sẽ có ít yêu cầu tuân thủ hơn.
Sau khi tiếp cận quy định EUDR, huyện Di Linh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các quy định của châu Âu về chuỗi cung ứng không gây mất rừng rộng rãi trong người dân. Đồng thời, làm việc với các tổ chức phi chính phủ, các công ty thu mua, tập đoàn rang xay cà phê để triển khai các giải pháp đáp ứng quy định EUDR.
Thông qua các phiên làm việc, huyện cũng ý thức được mức phạt dành cho các vi phạm EUDR sẽ rất nặng. Cụ thể: Phạt tiền lên tới ít nhất 4% tổng doanh thu hàng năm của toàn công ty trong năm trước đó; Tịch thu sản phẩm liên quan hoặc số tiền thu được do vi phạm; Cấm tham gia các quy trình mua sắm công và tiếp cận nguồn tài trợ công trong tối đa 12 tháng đối với các vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần; Cấm tạm thời việc bán hoặc xuất khẩu các sản phẩm liên quan từ thị trường EU.
Trước mắt, huyện Di Linh tập trung xác định truy xuất nguồn gốc cà phê theo vùng, đồng thời tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp liên kết xây dựng, hoàn thiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số và quản lý mã số vùng trồng.
Huyện ước tính trên địa bàn đang có khoảng 80.000 mảnh vườn cà phê và dữ liệu thông tin về những diện tích sản xuất, nông hộ chưa được cập nhật. Do đó, Di Linh sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin về ranh giới liên quan đến vị trí, diện tích rừng tại thời điểm 31/12/2020 làm căn cứ, phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản ngay khi có yêu cầu của EU.
Vào ngày 7/9 tới, Hiệp hội Cà phê Vương quốc Anh tổ chức hội thảo trực tuyến nhằm giới thiệu, trao đổi và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan tới EUDR. Một trong những nội dung chính, là việc tìm hiểu Dịch vụ truy xuất nguồn gốc hàng hóa ICE được thiết kế để hỗ trợ khách hàng trong ngành ca cao và cà phê, giúp đối tác chứng minh sự tuân thủ của họ với EUDR.
Theo Nongnghiep.vn