Theo danviet.vn
Giá cà phê hôm nay 18/6: Cà phê nội tăng cao nhất 1.600 đồng/kg trong tuần qua
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu giảm nhẹ. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao hàng tháng 7/2023 giảm 8 USD, giao dịch tại 2.796 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9 giảm 10 USD, giao dịch tại 2.747 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm. Kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm 2,1 Cent, giao dịch tại 184,90 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2023 giảm 2,2 Cent, còn 180,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tuần qua nhìn chung tăng. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận điều chỉnh tăng trong khoảng 1.500 - 1.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận mức giao dịch là 66.000 đồng/kg - mức thấp nhất ở thời điểm hiện tại, tăng 1.600 đồng/kg. Kế đến là hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai ghi nhận mức giao dịch là 66.200 đồng/kg, tăng 1.600 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk đang thu mua cà phê với giá 66.500 đồng/kg vào cuối tuần sau khi tăng 1.500 đồng/kg. Đắk Nông có giá thu mua là 66.700 đồng/kg, tăng 1.600 đồng/kg.
Giá cà phê thế giới phiên cuối tuần đều điều chỉnh giảm, sau những biến động mạnh trong tuần. Giá cà phê Robusta giao dịch trên sàn London trong tuần qua đã thiết lập mức cao kỹ thuật 15 năm mới.
Các nhà phân tích và chuyên gia thời tiết cho biết, hai quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil có thể bị thiệt hại về năng suất nếu hiện tượng El Nino phát triển mạnh.
Tính đến cuối tháng 5, dự trữ cà phê Robusta được chứng nhận trên sàn London là 1,4 triệu bao (loại 60kg), tăng 5,9% so với tháng trước. Trái lại, dự trữ Arabica trên sàn New York giảm 11,2% xuống còn 0,66 triệu bao.
Thứ hai ngày 19/6 thị trường New York đóng cửa cả ngày không giao dịch do nghỉ Lễ Kỷ niệm Ngày bãi bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ; thị trường London vẫn giao dịch bình thường.
ICO cho rằng giá cà phê Robusta đã được hưởng lợi từ những yếu tố cơ bản của thị trường, đặc biệt là từ phía cầu. Trong 12 tháng qua (tháng 3/2022 đến tháng 4/2023), xuất khẩu cà phê nhân Robusta chỉ giảm 0,3% trong khi Arabica giảm tới 6,8%.
Sự biến động trái chiều này đã phản ánh sự thay đổi trong cách pha, phối trộn cà phê hòa tan từ Arabica sang Robusta do chi phí sinh hoạt tăng cao.
Lạm phát tại hầu hết nền kinh tế thế giới đã tăng mạnh trong thời gian qua. Chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức trung bình 8,8% trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 4/2023 so với mức 4,4% của một năm trước (tháng 3/2021 đến tháng 4/2022), khiến giá hàng hóa trở lên đắt đỏ hơn.
Đi cùng với lạm phát là các đợt điều chỉnh tăng lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất cơ bản lên 5 - 5,25% vào tháng 5/2023 từ mức gần bằng 0 vào tháng 3/2022. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất cơ bản lên 3,75% vào tháng 5/2023 từ mức 0,5% vào tháng 7/2022, làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng cho các khoản vay và thế chấp.
Kể từ giữa tháng 4, giá cà phê Robusta còn được hỗ trợ mạnh từ phía cung, chủ yếu là do lo ngại về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất hàng đầu là Việt Nam, Brazil và Indonesia.
Các chuyên gia dự báo cho rằng đà tăng giá cà phê Robusta sẽ còn tiếp diễn khi nguồn cung của Việt Nam cạn kiệt. Ước tính tồn kho Robusta của Việt Nam còn khoảng 80.000 tấn.
Theo đó, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 khoảng 1,5 triệu tấn, cộng thêm hàng gối từ niên vụ trước 100.000 tấn, tổng cộng nguồn cung là 1,6 triệu tấn.
Việt Nam đã xuất khẩu 1,27 triệu tấn, tiêu thụ trong nước khoảng 250.000 tấn, tổng cộng 1,52 triệu tấn. Như vậy, hàng tồn kho còn lại chỉ còn khoảng 80.000 tấn.
Trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu mỗi tháng trung bình trên 100.000 tấn và Việt Nam còn tới 4 tháng nữa mới kết thúc niên vụ.
Theo khảo sát từ một số doanh nghiệp cho thấy lượng hàng chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp FDI.
Brazil, quốc gia trồng Robusta lớn thứ hai thế giới, bắt đầu thu hoạch từ tháng 5. Việc giá cà phê Robusta liên tục tăng mạnh thời gian qua có thể kích thích người dân Brazil xuất khẩu mạnh loại cà phê này trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần lưu ý việc thiếu hàng xảy ra ở mọi nơi.
Ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam năm nay thấp nhất trong 4 năm qua. Còn với Brazil, sản lượng dự kiến giảm 5%. Đặc biệt, sản lượng cà phê Robusta của Indonesia có thể giảm tới 20% do thời tiết bất lợi.
Ngoài ra, nguồn cung cà phê Robusta của Brazil cũng không thể đáp ứng được nhu cầu. Bởi, không giống như hàng của Việt Nam, hạt Robusta của Brazil chỉ có thể dùng trong chế biến cà phê hoà tan mà không thể rang xay hoặc phối trộn với hạt Arabica.
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) lượng cà phê Robusta xuất khẩu của Brazil trong 7 tháng niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023) cũng giảm mạnh tới 36%.
Với hạt Arabica, xu hướng giảm có thể vẫn tiếp diễn trong thời gian tới do kinh tế khó khăn, làm giảm nhu cầu đối với loại cà phê có giá tiền cao hơn so với hạt Robusta.
Theo danviet.vn