Nguồn: Haiquanonline.com.vn
Ông Đặng Phúc Nguyên
Ông đánh giá thế nào về kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả 2 tháng đầu năm và dự kiến kết quả quý 1?
Trong bối cảnh chung, rau quả là số ít mặt hàng có sự tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm, trong đó, xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc tăng trưởng tốt, khoảng 23% so với năm ngoái là yếu tố chính thúc đẩy ngành hàng rau tăng trưởng khả quan. Việc Trung Quốc bỏ chính sách “Zero-Covid” đã giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này lấy lại đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó, năm 2022 chúng ta đã ký được một số nghị định quan trọng, nhất là tháng 7/2022 ký được nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng; tháng 11, ký nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu chuối, sau đó là khoai lang, tổ yến trúng vào dịp tết Nguyên đán thị trường Trung Quốc tiêu thụ rau quả tăng mạnh; tháng 10, Mỹ cho phép xuất bưởi sang nước này, tháng 11, New Zealand ký kết mở cửa thị trường xuất khẩu bưởi, chanh của Việt Nam sang nước này.
Trong các nghị định thư, thỏa thuận ký kết, đáng kể nhất là thị trường Trung Quốc, chiếm 56-60% kim ngạch xuất khẩu. Nên khi có nghị định thư xuất chuối, sầu riêng là những mặt hàng chủ chốt thì kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng rất cao. Hơn nữa từ ngày 8/1, Trung Quốc mở cửa khẩu biên giới, bỏ chính sách kiểm soát phòng chống dịch hàng hóa có thể đi thẳng qua biên giới giao hàng mà không phải chờ thay xe, thay tải. Sầu riêng từ Đắk Lắk đi lên biên giới qua chợ Trung Quốc chỉ mất 1,5 ngày, thay vì trước đó mất 2-3 tuần mới đến chợ. Như vậy doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí logistics.
Với những lợi thế đó, dự kiến cả quý 1 ngành rau quả sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 900 triệu đến 1 tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm mặt hàng trọng điểm là sầu riêng chưa vào chính vụ, tháng 3-5 sầu riêng, chuối vào chính vụ, dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng hơn nữa.
Quý 2 và đến cuối năm yếu tố nào tác động đến sự tăng trưởng của ngành hàng rau quả, thưa ông?
Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả trong năm 2023, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định của từng quốc gia; mở rộng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nhiều mặt hàng... Vấn đề quan trọng hiện nay đối với ngành hàng là nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng thị trường.
Chẳng hạn đối với mặt hàng sầu riêng, vấn đề hiện nay là số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp đã hết quota xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải chờ đến năm sau để được cấp mới. Đó là tình trạng thắt cổ chai sầu riêng, nghĩa là tiềm năng lớn nhưng mã số ít, nguồn ra hạn chế.
Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này là gì?
Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu thị trường Trung Quốc. Ví dụ khi doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với khách hàng Trung Quốc thì điều đầu tiêu doanh nghiệp bạn sẽ hỏi có mã số chưa? Hiện nay mới có 246 mã số vùng trồng/12.000 ha diện tích trồng sầu riêng, gần 100 mã số cơ sở đóng gói, trong diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam là 110.000 ha. Trong khi đó Thái Lan được cấp 20.000 mã số vùng trồng và gần 2.000 mã cơ sở đóng gói.
Nghĩa là khi Hải quan Trung Quốc kiểm tra để cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nhiều doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn, hồ sơ thì nhiều nhưng tỷ lệ đạt không cao, có những lý do như: để bao thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, những bẫy dẫn dụ côn trùng không đủ, thu hái không đạt vệ sinh...
Do đó, để khắc phục vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn cho bà con nông dân, cơ sở đóng gói nắm bắt, hiểu rõ những tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp mã. Nếu để người nông dân tự đối phó sẽ rất khó khăn. Về phía doanh nghiệp, người dẫn cần chuyển đổi mô hình phát triển đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy hoạch vùng trồng đạt tiêu chuẩn về diện tích để xin được mã số vùng trồng.
Bên cạnh giữ vững thị trường truyền Trung Quốc đã mở cửa thì để mở rộng thị trường mới tiềm năng cần giải pháp gì, thưa ông?
Cửa đi vào Trung Quốc còn rất hẹp, trong khi nhu cầu thị trường lớn. Mỗi năm thị trường này tiêu thụ khoảng 300 triệu tấn rau quả mà họ mới nhập 7-8 triệu tấn. Tiêu dùng hàng năm 200kg/người. Dư địa còn rất lớn trong khi nguồn cung của Việt Nam rất tiềm năng.
Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.
Hiện nay Thái Lan ngành rau quả, trái cây rất nổi tiếng, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, nhưng có tới 70-80% lượng hàng xuất sang thị trường Trung Quốc. Nghĩa là Trung Quốc vẫn là thị trường chiến lược. Trong khi rau quả Việt Nam xuất sang nước này mới chỉ hơn 50%. Nếu nói phụ thuộc vào Trung Quốc cũng đúng phần nào nhưng đây là thị trường rất quan trọng, lấy thị trường Trung Quốc sẽ mở rộng được thị trường khác.
Rau quả là ngành hàng, nếu phát huy được lợi thế hiện có cũng như khắc phục hạn chế thì tương lai chắc chắn ngành rau quả sẽ phát triển mạnh hơn nữa. Riêng năm 2023 mốc mới xuất khẩu 4 tỷ USD rất khả quan.
Xin cảm ơn ông!