RAU QUẢ

Xuất khẩu rau quả: Dư địa thị trường lớn, nhưng yêu cầu cao

Cập nhật ngày: 02 | 03 | 2023

Trong những năm gần đây, rau quả ngày càng đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Nguồn: Bnews.vn

Dư địa thị trường xuất khẩu dành cho sản phẩm rau quả của Việt Nam còn rất lớn, trải rộng từ châu Á sang châu Âu, Trung Đông đến Bắc Phi và cả Mỹ. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn của hầu hết thị trường ngày càng cao.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại Diễn đàn xuất khẩu rau, quả do Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì chiều 1/3, tại Tp. Hồ Chí Minh

Dư địa thị trường lớn

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, trong những năm gần đây, rau quả ngày càng đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Mặc dù trong giai đoạn COVID-19, kim ngạch xuất khẩu rau quả bị giảm sút do cách chính sách kiểm soát dịch của một số thị trường, nhưng vẫn nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm. Sau khi dịch được kiểm soát và các thị trường mở cửa trở lại, rau quả được kỳ vọng sẽ phục hồi và gia tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu.

Theo Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,37 tỷ USD. Trong đó, nhóm trái cây tươi, thanh long chiếm tỷ trọng lớn nhất và tiếp đến là sầu riêng, chuối, mít…Với nhóm rau, ớt chiếm tỷ trọng lớn nhất, kế đến là đậu các loại, bắp non, khoai tây.

 

Năm 2022, nhiều loại trái cây cũng được thị trường đón nhận như: chanh leo, sầu riêng, chuối xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc; bưởi vào thị trường Mỹ; chanh xanh và bưởi vào New Zealand; nhãn tươi vào Nhật Bản.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 592 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm đến 57,5% và tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đang gặp một số thuận lợi khi nhu cầu rau quả thế giới gia tăng và Việt Nam có thể sản xuất quanh năm. Ngoài ra, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do cũng giúp hầu hết các dòng thuế xuất khẩu rau quả và dư địa để tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả và sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Ông Jos Leeters, Giám đốc Bureau Leeters cho rằng, cơ hội cho trái cây và rau Việt Nam tại EU là rất lớn vì quy mô thị trường lên đến 62 tỷ Euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng của EU trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài.

“Việt Nam có lợi thế rất lớn khi có thể sản xuất được rau, quả quanh năm với các loại rau quả rất đa dạng. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giúp Việt Nam được xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10 - 20%), tạo lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan và Trung Quốc”, ông Jos Leeters chia sẻ.

Bà Nguyễn Minh Phương, Cục Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Trung Đông và các nước Bắc Phi cũng là thị trường rất tiềm năng đối với các loại nông sản, rau quả Việt Nam. Theo đó, đây là hai khu vực có ngành nông nghiệp ít phát triển, sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 1% nhu cầu tiêu dùng, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Đặc biệt Trung Đông là khu vực có thu nhập đầu người cao, sẵn sàng chi trả cho các loại nông sản như rau, quả, hạt chất lượng cao.

Tiêu chuẩn cao

Dư địa thị trường lớn, năng lực sản xuất cũng lớn, nhưng thách thức của rau quả Việt Nam khi xuất khẩu chính là việc đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường. Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật thông tin, mỗi quốc gia, khu vực thị trường khác nhau có những yêu cầu về chứng nhận, tiêu chuẩn khác nhau đối với nông sản, rau quả nhập khẩu.

Đơn cử như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đều yêu cầu các loại nông sản nhập khẩu phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; từ năm 2018 đến nay Trung Quốc cũng yêu cầu tương tự.

Một số quốc gia yêu cầu đàm phán để mở cửa thị trường, điển hình như để đưa trái xoài vào thị trường Mỹ, các cơ quan của Việt Nam phải đàm phát suốt 10 năm (2009 - 2019). Ngược lại, khu vực EU cho phép nhập khẩu tất cả các loại nông sản của Việt Nam, nhưng khi hàng cập cảng họ sẽ kiểm tra hầu hết các sản phẩm và chỉ cần một lô hàng không đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu sẽ bị tiêu huỷ, đình chỉ nhập khẩu mặt hàng đó.

Ông Jos Leeters cho biết, mặc dù nhu cầu cao nhưng người dân EU chỉ tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao và đồng nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiện lợi và có giá trị gia tăng về hương vị. Không chỉ vậy, các sản phẩm phải được sản xuất theo quy trình bền vững, ít phát thải và có trách nhiệm xã hội.

Ông Phạm Minh Thắng, Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam là thiếu thông tin nhu cầu thị trường và tiếp cận kênh phân phối của các nước nhập khẩu.

Đáng nói là nhiều loại quả tiềm năng, nhưng chưa được các thị trường cấp phép nhập khẩu hoặc không đáp ứng được quy định khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Với các thị trường khác, việc xuất khẩu rau quả tươi gặp trở ngại vì thời gian vận chuyển lâu, khó bảo quản, trong khi đó các sản phẩm qua chế biến còn chiếm tỷ lệ thấp.

Để thúc đẩy xuất khẩu rau quả, ông Phạm Minh Thắng cho rằng, người sản xuất và xuất khẩu phải tích cực đổi mới phương thức canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Song song đó, đẩy mạnh chế biến rau quả, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản. Tận dụng hiệu quả các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng rau quả.

Về phía các cơ quan nhà nước, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho các loại trái cây mà Việt Nam có lợi thế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; đa dạng các hình thức thương mại trên nền tảng số; ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối tiêu thụ nông sản./.

TIN TỨC KHÁC

Xuất khẩu tỉ USD, trái cây Việt vẫn không có thương hiệu

15-2-2023

Mỗi năm, xuất khẩu trái cây của VN đem về hàng tỉ USD. Tuy nhiên, trên thị trường quốc tế, trái cây Việt gần như không có thương hiệu nào nổi tiếng đáng tự hào như nhiều sản phẩm của Thái Lan, Nhật Bản…

DÙ LỢI NHUẬN TĂNG CAO NHƯNG NHÀ VƯỜN SẦU RIÊNG VẪN CÒN LẮM NỖI TÂM TƯ

8-2-2023

Giá bán sầu riêng liên tục tăng cao, khiến nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp phấn khởi, vui mừng. Dù vậy, người dân vẫn còn nhiều tâm tư.

Thanh long trái vụ có giá cao gấp 3 lần

2-2-2023

Giá thanh long Tiền Giang hiện được thương lái mua ở mức cao gấp 3 lần so với thời điểm cách đây một tháng, giúp người trồng phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao.

Sau Tết, giá mít Thái siêu sớm tăng mạnh trở lại

1-2-2023

Những ngày sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá mít Thái siêu sớm đang tăng mạnh trở lại, nông dân trồng mít tại Tiền Giang rất phấn khởi.

THANH LONG TRÁI VỤ CÓ GIÁ CAO GẤP 3 LẦN

13-1-2023

Giá thanh long Tiền Giang hiện được thương lái mua ở mức cao gấp 3 lần so với thời điểm cách đây một tháng, giúp người trồng phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao.

XUẤT KHẨU RAU QUẢ "BÙNG NỔ" TRONG NĂM 2023?

9-1-2023

Với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, cả năm 2022 xuất khẩu (XK) rau quả sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD. Đáng chú ý, dự báo năm 2023 XK rau quả còn có thể bùng nổ hơn nữa với đích khoảng 4 tỷ USD.

Xuất khẩu chính ngạch lô nhãn đầu tiên sang Nhật Bản

5-1-2023

Sau 6 năm đàm phán, quả nhãn tươi của Việt Nam đã được phía Nhật Bản nhập khẩu vào thị trường này.

DƯA LƯỚI KHẮC CHỮ TÀI – LỘC HÚT KHÁCH DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO 2023

3-1-2023

Phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán Quý Mão, nông dân Đồng Tháp mạnh dạn phát triển sản phẩm dưa lưới khắc chữ Tài – Lộc được khách hàng khắp nơi đặt mua.

XUẤT KHẨU RAU QUẢ VIỆT CHỜ CƠ HỘI BÙNG NỔ NĂM 2023

26-12-2022

Các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả khi thị trường Trung Quốc nới lỏng Zero COVID, nhu cầu tăng cao, nhiều loại trái cây được cấp "visa" xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...

Xuất siêu ngành rau quả giảm mạnh

19-12-2022

Trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm 4,9%, nhưng nhập khẩu lại tăng chóng mặt, tới 38,9% so với cùng kỳ năm trước.

CUỐI NĂM, GIÁ TRÁI THANH LONG Ở TIỀN GIANG ĐẠT MỨC KỈ LỤC, NHÀ VƯỜN PHẤN KHỞI

19-12-2022

Sau một thời gian rớt giá thê thảm, hiện nay, trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang hút hàng, tăng giá kỉ lục khiến nhà vườn phấn khởi, tích cực chăm sóc vườn cây.

Trung Quốc khó tính ngang Mỹ, 1 củ khoai lang dính đất bị trả cả lô hàng

13-12-2022

Trung Quốc chi tới 13,5 tỷ USD nhập khẩu trái cây một năm, nhưng thị trường này giờ được cho là khó tính ngang với Mỹ, châu Âu. Chỉ một củ khoai lang phát hiện dính đất, cả lô hàng sẽ bị tiêu huỷ hoặc trả về.