Các vựa thanh long ở các huyện Chợ Gạo, đang thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg và loại 3 là từ 23.000 - 25.000 đồng. Với giá mua như trên, nhà vườn trồng thanh long phấn khởi, yên tâm đầu tư vào cây thanh long sau thời gian giảm giá mạnh.
Là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, huyện Chợ Gạo có 6.913 ha thanh long; trong đó diện tích thanh long đang cho trái là 5.700 ha. Hiện nay, nông dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã và đang tích cực chăm sóc đợt trái bán vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và xông đèn để xử lý thanh long ra hoa trái vụ chuẩn bị hàng hóa cho thị trường rằm tháng giêng 2023.
Bà Nguyễn Thị Bé, ở ấp Quang Thọ, xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo, vừa bán được 5 tấn thanh long với giá 25.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí tiền điện xông đèn (kích thích ra hoa) và phân, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 30 triệu đồng, bà lãi gần 100 triệu đồng.
Bà Bé phấn khởi cho biết, sau thời gian giá thanh long sụt giảm mạnh, với giá thanh long như hiện nay, nhà vườn trồng thanh long yên tâm tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn thanh long.
Vào thời điểm tháng 8 năm 2022, là cao điểm thanh long vào vụ thu hoạch rộ nên giá thanh long giảm mạnh, thương lái thu mua thanh long ruột đỏ giá chỉ từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Vì vậy, một số người dân đốn bỏ những vườn thanh long già cỗi, lâu năm để chuyển sang các loại cây trồng khác, chủ yếu là cây dừa.
Theo thống kê của huyện Chợ Gạo đến tháng 11 năm 2022, số diện tích vườn thanh long bị nông dân phá bỏ là khoảng 567 ha do giá cả trái thành long ở một số thời điểm xuống thấp.
Để giữ vững diện tích thanh long, UBND huyện Chợ Gạo chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng chính quyền xã trên địa bàn huyện tập trung tuyên truyền vận động người dân duy trì diện tích thanh long hiện có trên địa bàn, cũng như hạn chế việc chuyển đổi ồ ạt sang một loại cây trồng khác khi đầu ra sản phẩm chưa ổn định.
Đồng thời, ngành chuyên môn kết hợp chính quyền các địa phương tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Huyện Chợ Gạo đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu lớn nhất tỉnh Tiền Giang và thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tại vùng chuyên canh, địa phương hình thành các hợp tác xã và tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, tăng cường quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa...
Năm 2022, để phát huy hiệu quả vùng chuyên canh, huyện tiếp tục triển khai Đề án Phát triển cây thanh long đến năm 2025 cũng như định hướng nông dân sản xuất và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho cây thanh long Chợ Gạo trong nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của cây trồng đặc sản trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng, để có giải pháp lâu dài và bền vững cho sự phát triển của cây thanh long trong tương lai, UBND huyện Chợ Gạo định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, các doanh nghiệp phối hợp với nhà vườn trồng thanh long tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại nhằm hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch.
Để làm được điều đó, huyện Chợ Gạo tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như làm tốt hơn nữa về tuyên truyền kể cả người sản xuất, doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất trái thanh long. Đồng thời, tạo điều kiện để các hợp tác xã phát triển mạnh để làm đầu mối trong liên kết sản xuất chuỗi; đầu tư cơ sở hạ tầng, rà soát điều chỉnh vùng chuyên canh cây thanh long để làm thế nào ứng dụng công nghệ tiên tiến vào khâu sản xuất.
Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, hiện toàn tỉnh có khoảng 9.700 ha thanh long; trong đó có 2.306 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (110 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP).
Hiện toàn tỉnh có 11 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long. Đến nay, mã số vùng trồng cấp xuất sang thị trường Trung Quốc là 33 mã số với 5.493 ha; mã số vùng trồng xuất sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia là 92 với 1.271 ha. Tỉnh Tiền Giang hiện có 80 kho lạnh với công suất 16.000 tấn.
Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng thanh long và giúp cây trồng này phát triển bền vững, giải pháp hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Song song đó là chuyển giao các giải pháp kỹ thuật để giảm giá thành trong thời điểm giá vật tư tăng cao.
Đồng thời, xử lý trái vụ và vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã để thực hiện tốt liên kết tiêu thụ. Tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư nhà máy chế biến sâu, đầu tư kho lạnh trong thời điểm xuất khẩu gặp khó khăn.