Nguồn Nhipsongkinhdoanh.vn
Cà phê là một trong 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân.
Niên vụ cà phê 2021-2022 có giá trị xuất khẩu cao nhất
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 92,55 nghìn tấn, trị giá trên 226 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 15,1% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 4,9% về trị giá.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê đạt xấp xỉ 1,341 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê tháng 9 đạt 2.443 USD/tấn, tăng 3,3% so với tháng 8/2022 và tăng 16,9% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 2.283 USD/tấn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, xét về niên vụ thì Việt Nam vừa kết thúc niên vụ cà phê 2021-2022, với tổng khối lượng xuất khẩu đạt hơn 1,68 triệu tấn cà phê các loại, trị giá trên 3,9 tỷ USD. Đây là niên vụ cà phê đạt giá trị kim ngạch cao nhất từ trước đến nay.
Các loại cà phê xuất khẩu trong tháng 9, chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với 84 ngàn tấn, trị giá trên 173 triệu USD, cà phê nhân Arabica chỉ đạt 1,3 ngàn tấn, trị giá 4,8 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein đạt 2.000 tấn, với 6,6 triệu USD. Cà phê rang xay và hòa tan đạt 7 ngàn tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), trị giá gần 50 triệu USD (chiếm 7,4% về lượng và chiếm 21,0% kim ngạch/tổng các loại cà phê xuất khẩu trong tháng 9/2022).
Trong niên vụ 2021-2022, doanh nghiệp FDI xuất khẩu cà phê nhân sống chiếm thị phần 33,2%/ tổng khối lượng xuất khẩu cà phê nhân và chiếm 31,7% về giá trị kim ngạch. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài VICOFA chiếm thị phần khoảng 22,1%/ tổng lượng xuất khẩu cà phê nhân và chiếm 22,9% về giá trị kim ngạch.
Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu cà phê Robusta với 1,5 triệu tấn, kim ngạch 2,97 tỷ USD; còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 60 ngàn tấn, kim ngạch 260 triệu USD; cà phê nhân đã khử cafein 26.000 tấn, kim ngạch 76,9 triệu USD.
Xuất khẩu cà phê chế biến sâu tăng, khẳng định vị thế cà phê Việt Nam
Xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan trên 92 ngàn tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), với kim ngạch 598,2 triệu USD, chiếm 5,5% về lượng và chiếm 15,3% kim ngạch/ tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2021-2022.
“Niên vụ 20221-2022, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm rang xay, hòa tan chiếm đến 15,3%/tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành cà phê. Đây là một bước phát triển lớn và kết hợp với tiêu thụ nội địa cho thấy triển vọng ngành cà phê đang rất tốt và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê nhân. Tăng xuất khẩu cà phê chế biến sâu thay vì xuất thô, qua đó định hình triển vọng mới cho ngành cà phê”, Chủ tịch VICOFA nhận định.
Top 10 doanh nghiệp có khối lượng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong niên vụ 2021-2022 là: Outspan Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên (chi nhánh Sài Gòn), Cà phê Ngon, URC Việt Nam, Lựa chọn đỉnh, Nestlé Việt Nam... Trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm thị phần 59,9%/ tổng khối lượng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong niên vụ cà phê 2021-2022 và chiếm khoảng 66% về kim ngạch.
Top 5 thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam niên vụ vừa qua
Theo VICOFA, top 5 thị trường chủ lực xuất khẩu cà phê của niên vụ 2021-2022 gồm: Đức, Ý, Hoa Kỳ, Bỉ và Nhật Bản.
Ngoài số lượng đang ở kho ngoại quan thì trong niên vụ 2021-2022, Đức là thị trường số 1 với 216 ngàn tấn, Ý đứng thứ 2 với gần 139 ngàn tấn, Hoa kỳ thứ 3 với trên 126 ngàn tấn, Bỉ thứ đứng thứ 4 với 120 ngàn tấn, Nhật Bản thứ 5 với 111,3 ngàn tấn.
Hoa Kỳ nhập khẩu cà phê từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các nguồn cung cà phê chủ yếu cho Hoa Kỳ gồm: Brazil, Colombia, Việt Nam, Guatemala, Mexico. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 3 cho Hoa Kỳ.
Tháng 9, xuất khẩu cà phê sang thị trường Hoa Kỳ đạt 7.547 tấn, trị giá 17,861 triệu USD, giảm 39% về lượng và giảm 31,4% về kim ngạch so với tháng 9/2021. Cộng dồn 9 tháng đạt 89.147 tấn, trị giá 214,243 triệu USD, giảm 7,6% về lượng nhưng tăng 13,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Vụ cà phê mới của Việt Nam ước tăng thêm hơn 3 triệu bao
Niên vụ cà phê 2022-2023 đã bước vào mùa thu hoạch, tức là bắt đầu một năm kinh doanh mới giữa những biến động phức tạp trên thị trường toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “zero COVID”, lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu cà phê trọng điểm, logictics chưa thật sự ổn định nên khó khăn vẫn còn lơ lửng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), nguồn cung cà phê niên vụ 2021 – 2022 thiếu hụt khoảng 167,2 triệu bao (bao=60 kg) trong khi nhu cầu tiêu thụ đến 170,83 triệu bao; trong đó, thị phần của Việt Nam chiếm khoảng 27 triệu bao, tương đương 16%.
Trong niên vụ cà phê 2022 - 2023, dự báo cung cầu của thị trường sẽ cần bằng lại, thậm chí cung sẽ cao hơn cầu vì tại Brazil, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới có một vụ mùa bội thu, và vụ cà phê mới của Việt Nam ước đạt trên dưới 30 triệu bao, tăng thêm trên 3 triệu bao so với niên vụ trước đó.
Như vậy, ước tính chỉ hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới Brazil và Việt Nam chiếm khoảng 100 triệu bao, đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ tới.