Nguồn: thesaigontime.vn
Ngân hàng trung ương các nước tiêu thụ lẫn nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đồng nội tệ vì mục tiêu giảm đà lạm phát. Giá cả năng lượng và sinh hoạt tăng, chi phí đầu vào cho sản xuất như giá phân bón, vận tải còn cao… sẽ gây không ít khó khăn cho nhà vườn.
Điểm lại thị trường
Nếu dựa trên dự báo của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), nguồn cung cà phê niên vụ vừa qua có phần thiếu hụt với sản lượng chừng 167,2 triệu bao (bao=60 ki lô gam) trong khi nhu cầu tiêu thụ đến 170,83 triệu bao trong đó ước thị phần của Việt Nam chiếm chừng 27 triệu bao hay 16%.
Tuy nhiên, khi sang niên vụ mới, nếu tính theo thời gian vật lý, các cân cung-cầu của thị trường sẽ cần bằng hẳn, thậm chí nguồn cung có vẻ cao hơn vì vụ mùa bội thu của Brazil vừa thu hái xong với ước chừng từ 60-70 triệu bao. Nếu như được phép ước sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ mới chừng trên dưới 30 triệu bao, thì chỉ hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới Brazil và Việt Nam chiếm chừng 100 triệu bao để đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu.
Sau 52 tuần tính đến ngày giao dịch 23-9-22, giá phái sinh sàn cà phê robusta London cơ sở giao dịch tháng 1-2023, nơi các nhà kinh doanh cà phê thường dùng để tham chiếu, tăng được 177 đô la Mỹ/tấn hay 8,67% với biên độ thấp/cao nhất là 1.915/2344 đô la/tấn; giá arabica New York cộng thêm 17,60 cts/lb hay 388 đô la/tấn với dao động 190/250,35 cts/lb. Nhưng nếu tính từ đầu năm 2022 đến 23-9, giá hai sàn đang có hiệu suất kinh doanh âm với London giảm 55 đô la/tấn (-2,42%) và New York giảm 8,50 cts/lb (-3,82%).
Giá cà phê nội địa tăng dần về cuối mùa quanh mức 48-49 triệu đồng/tấn. Thị trường nguyên liệu trong nước biến động không thua gì giá trên sàn kỳ hạn, từ vùng 30 triệu lên đến 50 triệu đồng/tấn trong vòng một năm nay.
Giá cà phê đang giật lùi?
Nhìn trên hiện tượng, ai cũng cảm được điều đó. Siết chặt chính sách tiền tệ tại các nước tiêu thụ để chống đà lạm phát từ đầu năm 2022 đến nay đã ngắt bớt giá cà phê trên hai sàn phái sinh. Có thể đoán rằng các ngân hàng trung ương tại Mỹ (Fed), EU (ECB) và tại từng nước riêng biệt khác tăng lãi suất điều hành càng mạnh, càng nhanh thì không chỉ riêng gì giá cà phê phái sinh mà các hàng hóa khác đều phải giật lùi không lâu dài thì cũng tạm thời.
Mới đây, Ngân hàng trung ương Anh Quốc, nơi có sàn giao dịch cà phê robusta, tăng lãi suất điều hành thêm 0,50%, Thụy Sỹ là nơi tập trung các tập đoàn kinh doanh cà phê lớn của cả thế giới, đã đưa lãi suất âm vào quá khứ, Mỹ và EU đều nâng thêm 0,75% trong những ngày gần đây. Thị trường còn đồn đoán lãi suất đồng đô la Mỹ đến cuối năm nay phải đạt đến trên 4%.
Nhiều người cho rằng tăng lãi suất quá mạnh sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Đối với ngành hàng cà phê, người tiêu thụ phải đắn đo hơn trước quày hàng hay bước chân vào quán, sức mua vì thế mà giảm. Lãi suất cao còn bắt buộc nhà kinh doanh phải tính kỹ chi phí tài chính, hạn chế mua trữ như trước và nhất là phải giảm tồn kho đến mức tối đa vì không muốn chịu rủi ro trả lãi suất ngân hàng nhiều để chờ giá lên.
Giá trị chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) vừa qua tăng lên mức cao nhất tính từ 23 năm trở lại khi chạm 112,995 điểm (23-9) đã gây sức ép phá giá lên các đồng tiền của các nước sản xuất. Điều này gây hiệu ứng dây chuyền lên lực bán xuất khẩu, lượng bán mạnh gây sức ép giảm giá trên các sàn phái sinh. Đó là chưa nói đến một khi siết chặt chính sách tiền tệ, nguồn tín dụng gay go hơn, người mua chỉ mua lượng hàng họ cần trong khi nhà vườn cần tiền mặt để trang trải chi phí sau một năm chăm sóc vụ mùa và tái đầu tư cho sản xuất.
Chi phí sản xuất cao
Lò lửa Nga-Ukraine chưa hạ nhiệt, giá năng lượng cao làm phí vận tải và giá phân bón vẫn chưa giảm như mong muốn để giúp nhà vườn dễ thở hơn trong thời “gạo châu củi quế”.
Nguồn cung ứng phân bón hết sức chập chờn. Hai nước cung ứng “thức ăn” chính cho cây cà phê vẫn đang bận rộn với chiến tranh. Nhiều nhà máy sản xuất phân bón tại châu Âu phải ngưng hoạt động do thiếu chất đốt, nên không mong được gì từ nguồn có xuất xứ này vì hiện nay, các nhà máy chỉ cung cấp lượng tồn kho hạn hẹp còn lại mà vẫn chưa đủ cho tiêu thụ trong vùng. Sắp tới, chỉ trông mong vào lượng phân bón từ Trung Quốc. Nhưng nước này vẫn theo đuổi chính sách “zero Covid” nên cung ứng rất không bền vững. “Giá phân bón các loại bình quân sử dụng cho cây cà phê trong khoảng 18-20 triệu đồng/tấn và khó có hy vọng xuống,” giám đốc một công ty phân bón lớn tại tỉnh Đắc Nông đoán như vậy.
Trong khi đó, đang có dự báo rằng giá cước vận tải biển sẽ giảm vào cuối năm nay. Tuy vậy, chưa ai dám tin vào dự đoán vì giá cước vận tải biển, kể cả đường bộ, tuy có giảm, nhưng chỉ mới non chục phần trăm so với đỉnh trong kỳ đại dịch. Dù cước đi hàng bằng containers có giảm khá mạnh, chừng 50% nhưng so với trước đại dịch còn cao. “Lãnh đạo và các nhà phân tích cho rằng họ không kỳ vọng mấy vào chuyện giá cước biển sẽ quay về mức trước đại dịch, phần nào do giá nhiên liệu tăng”. Đó là nhận định của tờ WSJ vào đầu tháng 9-2022. Mức cước container bình quân năm 2019 cho hành trình xuyên Thái Bình Dương đến bờ Tây nước Mỹ là 1.500 đô la/thùng thì nay vẫn còn cao hơn gấp đôi giá ấy.
Các tác động trên có vẻ đưa giá cà phê thương phẩm (coffee commodity) ngay từ đầu niên vụ mới vào thế khó khăn. Tuy vậy, đây cũng chính là cơ hội cho nhiều nhà vườn để chọn nguồn thức ăn sạch hơn cho cây cà phê và nhất là lúc tìm cách liên kết với người mua là những chuỗi rang xay trong nước khi mà phong trào uống cà phê sạch, ngon tại nhiều nơi trong nước đã bắt đầu nở rộ.