Nguồn tuoitre.vn
Tuần trước, Ấn Độ, nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu nhiều loại ngũ cốc khác trong nỗ lực ổn định giá, đáp ứng nhu cầu của hơn 1,3 tỉ dân.
Giá gạo vì thế đã tăng 5% tại châu Á kể từ thông báo của Ấn Độ và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong tuần này.
"Ấn Độ chiếm hơn 40% các lô hàng toàn cầu. Vì vậy, không ai dám chắc giá sẽ tăng bao nhiêu trong những tháng tới", ông Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ, nói với Hãng tin Reuters.
Việc vận chuyển gạo đã tạm dừng tại các cảng của Ấn Độ và gần 1 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt do người mua từ chối trả thêm mức thuế xuất khẩu 20% mới của Chính phủ Ấn Độ.
Lý do của họ là trong hợp đồng không có điều khoản như vậy và việc trả thêm tiền cho một hợp đồng đã thỏa thuận xong là vô lý.
Khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, người mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Giá gạo trắng 5% tấm đã tăng thêm khoảng 20 USD/tấn trong bốn ngày qua.
“Chúng tôi nghĩ giá sẽ tăng hơn nữa trong những tuần tới”, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo có trụ sở tại TP.HCM nói với Hãng tin Reuters về tâm lý chờ đợi giá nhích thêm.
Theo Reuters, giá gạo 5% tấm RI-VNBKN5-P1 của Việt Nam được chào bán ở mức 410 USD/tấn trong ngày 12-9, tăng khoảng 20 USD so với mức giá 390 - 393 USD/tấn vào tuần trước.
Trung Quốc, Philippines, Bangladesh và các nước châu Phi như Senegal, Benin, Nigeria và Ghana nằm trong số các nhà nhập khẩu gạo thường nhiều nhất. Iran, Iraq và Saudi Arabia nhập khẩu gạo basmati cao cấp.
Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỉ người trên khắp thế giới. Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn.