Nguồn congthuong.vn
Xuất khẩu rau quả tăng tháng thứ 2 liên tiếp
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong quý II/2022 đạt 830,2 triệu USD, giảm 2,2% so với quý trước, giảm 21,7% so với quý II/2021. Trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,68 tỷ USD, giảm 17,1% so với năm 2021.
Tháng 7/2022 xuất khẩu rau quả tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp, ước đạt 260 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 6/2022, nhưng giảm 1,8% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu rau quả đạt ước 1,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động thông quan mặt hàng rau quả qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc thuận lợi hơn.
Cục Xuất Nhập khẩu nhận định, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng sang thị trường này, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, bởi nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng mạnh.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, các tín hiệu tích cực khi một số mặt hàng rau quả của Việt Nam gần đây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong thời gian tới.
Từ 01/7/2022, phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc; ngày 11/7/2022 Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kí Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Hiện khu vực châu Á là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang khu vực này đang có xu hướng giảm.
Đáng chú ý, hàng rau quả xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ tăng tỷ trọng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022, đạt 162,1 triệu USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 144,4 triệu USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là các khu vực có tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng rau quả, vì vậy xuất khẩu rau quả được vào các thị trường này, ngành hàng rau quả của Việt Nam có kỳ vọng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác và làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Là doanh nghiệp tiên phong vào những thị trường khó tính, bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu – cho hay, điều quan trọng để phát triển, giữ được các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc chính là tiêu chuẩn chất lượng phải tuân thủ.
Như đối với quả sầu riêng, cho biết ngoài thị trường Trung Quốc cần phải nhắm đến các thị trường như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc)… Bởi đây là những thị trường hỗ trợ và bổ trợ cho sản phẩm sầu riêng của Việt Nam trong hơn 2 năm nay khi mà chúng ta mất thời gian đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch.
Ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại EU – nhận định, EU là một thị trường quan trọng, tiềm năng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Và để có thể tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU, trong tất cả nhóm hàng, rau củ quả là nhóm hàng có dư địa lớn nhất. “Mỗi năm, thị trường EU nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Thế nhưng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỉ trọng rất nhỏ so với thị phần EU đang nhập khẩu”, ông Trần Văn Công thông tin.
Theo đó, trong cơ cấu rau củ quả Việt Nam xuất khẩu sang EU thời gian qua, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chiếm 30% (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỉ trọng lớn). Người dân EU đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.
Ông Trần Văn Công cho hay, mặc dù điều kiện để có thể tiếp cận dễ dàng nhưng thị trường EU là một thị trường có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn quan trọng của nông sản xuất khẩu sang EU là phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường EU, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm. “Đối với sản phẩm chế biến, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường châu Âu bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đóng lon…”, ông Trần Văn Công lưu ý.
Các chuyên gia dự báo xuất khẩu rau quả sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của ngành hàng này vẫn chưa thể bứt phá trong năm 2022, nếu Trung Quốc chưa gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” và xung đột giữa Nga và Ukraina vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và tình hình lạm phát cao tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là rào cản đối với hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Để giữ được những thị trường xuất khẩu tiềm năng ngoài thị trường chủ lực là Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, “chìa khóa” cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả trong lúc này là cần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường khó tính, kết hợp đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống sẽ thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.