Nguồn haiquanonline.com.vn
Tần suất kiểm tra phụ thuộc mức độ nguy cơ dịch hại
Xung quanh vấn đề kiểm dịch thực vật (KDTV) đối với trái cây xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, thời gian vừa qua xuất hiện thông tin cho rằng có sự khác biệt khá lớn về tỷ lệ hàng hóa phải kiểm dịch giữa Việt Nam và các nước xuất phát từ việc chậm trễ trong khâu đàm phán kiểm dịch giữa cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc.
Điển hình như, trong khi 100% sản phẩm trái cây tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải kiểm dịch thì tỷ lệ này với Thái Lan chỉ chiếm khoảng 30%.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đây là thông tin không có căn cứ về mặt pháp lý, không phải là thông tin do cơ quan có thẩm quyền của phía Trung Quốc thông báo cho phía cơ quan có thẩm quyền về KDTV (Cục Bảo vệ thực vật) của Việt Nam.
Theo thông lệ quốc tế, đối với hoạt động KDTV, không có quy định nào về việc hàng hóa giữa các nước được miễn, giảm hay kiểm tra các lô hàng theo xác suất. Tất cả các lô hàng khi xuất khẩu đều phải thực hiện các quy định về thủ tục KDTV đối với tất cả các đối tượng sinh vật gây hại thuộc diện phải kiểm dịch.
“Tất cả các lô hàng thuộc diện phải KDTV, dù to, dù nhỏ khi xuất khẩu đi các nước, trong đó có Trung Quốc, đều phải thực hiện thủ tục kiểm dịch, không hề có chuyện được miễn hay giảm tỷ lệ lấy mẫu của các lô hàng. Có chăng trong KDTV chỉ là quy định về tỷ lệ lấy mẫu là bao nhiêu % trong một lô hàng (ví dụ thường là 2%/lô hàng)”, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khẳng định.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) với Cục Kiểm dịch thực vật và động vật (Tổng cục Hải Quan Trung Quốc) về vấn đề phê duyệt, kiểm dịch đối với trái cây sang thị trường Trung Quốc diễn ra mới đây, ông Vương Ích Ngu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm dịch thực vật và động vật cũng cho biết: tỷ lệ kiểm tra các lô hàng sẽ tuỳ thuộc theo tình hình nhiễm bệnh của hoa quả và có thể được điều chỉnh tuỳ tình hình nhiễm dịch tại từng thời điểm.
“Phải dựa theo từng loại hoa quả cụ thể và nguy cơ mang theo dịch hại. Ví dụ với quả măng cụt, sau khi Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu KDTV với Việt Nam, Cục Kiểm dịch thực vật và động vật phải kiểm tra xem doanh nghiệp có làm tốt hay không, sản phẩm có đáp ứng yêu cầu hay không. Nếu doanh nghiệp làm tốt thì sẽ giảm tần suất kiểm tra xuống 30%, còn không làm tốt thì vẫn sẽ kiểm tra với tần suất 80%, thậm chí 100%”, ông Vương Ích Ngu nói.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Lương Ngọc Quang, chuyên viên phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) một lần nữa khẳng định, tần suất kiểm tra phụ thuộc vào mức độ nguy cơ dịch hại trên mặt hàng. Phía Trung Quốc sẽ dựa vào đánh giá thực tế, mức nguy cơ dịch hại đi theo hàng hoá bao nhiêu.
3/11 loại trái cây đã ký Nghị định thư với Trung Quốc
Hiện nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó 3 loại trái cây đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật gồm măng cụt, chanh leo, sầu riêng.
8 loại trái cây truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm) chưa ký Nghị định thư.
“Cục Kiểm dịch thực vật và động vật rất hy vọng hai bên có thể ký Nghị định thư về 8 loại trái cây này để Cục Bảo vệ thực vật có biện pháp quản lý các cơ sở sản xuất, đóng gói, chế biến, xuất khẩu, chuẩn hoá sản phẩm ngay từ đầu. Như vậy, Cục Kiểm dịch thực vật và động vật sẽ có ý kiến đề xuất với Tổng cục Hải Quan để giảm tần suất kiểm tra xuống”, ông Vương Ích Ngu nói.
Về phía Cục Bảo vệ thực vật, ông Lương Ngọc Quang thông tin: “Cục Bảo vệ thực vật đang khẩn trương phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đàm phán trao đổi kỹ thuật, tiến hành xây dựng các Nghị định thư đối với 8 loạt quả xuất khẩu truyền thống".
Theo ông Lương Ngọc Quang, việc ký kết Nghị định thư về dài lâu đem lại nhiều kết quả rất tích cực vì toàn bộ việc buôn bán sẽ thông qua hợp đồng. Điều đó sẽ giúp ổn định đầu ra, tránh bị thương lái ép giá. Đương nhiên, nếu hàng hoá không đảm bảo chất lượng như đã ký kết trong hợp đồng cũng có thể xảy ra tình trạng đối tác từ chối nhận hàng.
“Để có thể thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây sang thị trường Trung Quốc, phải xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Các vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật đều khuyến cáo, đã và đang đẩy mạnh tập huấn cho các địa phương”, ông Quang nhấn mạnh.