Cập nhật ngày:
23 | 12 | 2021
Thông tin trên được Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) Phạm Việt Hà cung cấp tại buổi họp báo chuyên đề do Tổng cục Dự trữ Nhà nước tổ chức chiều 23-12.
Theo Hanoimoi
Năm 2021, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) được giao nhiệm vụ mua nhập kho dự trữ quốc gia 190.000 tấn gạo. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các cục dự trữ nhà nước khu vực triển khai quy trình đấu thầu mua gạo, nhập kho công khai, minh bạch theo đúng quy định về đấu thầu.
Toàn bộ 190.000 tấn gạo đã có nhà thầu ký kết hợp đồng.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc đánh giá, chấm điểm uy tín nhà thầu, ông Phạm Việt Hà cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên Tổng cục Dự trữ Nhà nước đánh giá uy tín nhà thầu theo phương pháp chấm điểm. Đây không phải là hình thức đánh giá để loại nhà thầu, mà nhằm bảo đảm công bằng. Nhà thầu nào uy tín cao được đánh giá cao và ngược lại.
“Phương pháp này mang lại tính cạnh tranh, nâng cao trách nhiệm của các nhà thầu trúng thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp gạo”, ông Phạm Việt Hà nói.
Năm 2021, số lượng nhà thầu tham gia dự thầu tăng cao hơn so với các năm trước; giá trúng thầu thấp hơn so với giá gói thầu (tiết kiệm 1,2% so với giá gói thầu); thời gian hoàn thành nhập 190.000 tấn gạo sớm hơn so với dự kiến.
Theo ông Phạm Việt Hà, chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2022 đang được trình Chính phủ. Dự kiến, lượng gạo mua tăng thêm 30.000 tấn so với năm 2021 nhằm đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh dịch bệnh và theo hướng tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia.
Trước đây, việc đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia được thực hiện theo phương thức đấu thầu trực tiếp nhưng từ năm 2022 sẽ đấu thầu qua mạng. Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia tập huấn cho tất cả cán bộ làm công tác đấu thầu.