Theo nongnghiep.vn
Với nhà nông, câu phương ngôn “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” được coi là những điều kiện thiết yếu để đảm bảo vụ lúa thắng lợi.
Riêng tại ĐBSCL, nhìn mực nước lũ mang nặng phù sa tràn về trên đồng ruộng là bà con có thể đoán biết vụ đông xuân (ĐX) tới sẽ thu được bao nhiêu dạ lúa trên phần đất của mình, đồng thời cũng dự kiến tình hình sâu bệnh sẽ để có biện pháp đối phó.
Nhưng năm nay, theo dự báo, mực nước lũ về chậm hơn và đỉnh lũ cũng thấp hơn nhiều năm. Mực nước trên đồng vào những ngày giữa tháng 10/2021 chỉ tầm mức của năm 2020. Như vậy, bà con sẽ phải chuẩn bị kỹ các hợp phần còn lại về phân bón, giống và chăm sóc phải tốt hơn, kỹ hơn.
Để đạt được mục tiêu, xin giới thiệu kết quả thực hiện gói kỹ thuật thu được từ chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thực hiện tại 8 tỉnh trong vụ ĐX 2020 - 2021 để bà con tham khảo (8 tỉnh tham gia gồm Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long).
Tại mỗi tỉnh, có 4 mô hình được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng với trung tâm khuyến nông các tỉnh và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp tổ chức.
Có thể có bà con hỏi: Có nhiều vụ thực nghiệm chương trình canh tác thông minh trên cây lúa, tại sao lần này chỉ giới thiệu kinh nghiệm với vụ ĐX?. Đơn giản là về điều kiện khí hậu, thủy văn thì 2 vụ này cũng có tình hình tương tự nhau, phần "nhất nước" đã không thuận lợi thì phải cải thiện các phần còn lại mới đạt kết quả tốt.
Mục tiêu chính của chương trình là so sánh các biện pháp kỹ thuật áp dụng trong mô hình với phương pháp canh tác mà bà con đang sử dụng xem hiệu quả kinh tế mang lại hơn, kém ra sao so với yêu cầu của một nền sản xuất bền vững, bao gồm: Sử dụng vật tư hợp lý, tiết kiệm, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế cao; ổn định môi trường bảo đảm trong sạch; sản phẩm nông nghiệp tạo ra phải phù hợp với tiêu chuẩn của khách hàng khác nhau trên thế giới và cả trong nước.
Dưới đây là tóm tắt các kết quả thu được:
- Tính chung cho cả 8 tỉnh có 32 hộ tham gia thành 32 mô hình. Vật tư nông nghiệp và các thiết bị đo độ mặn, độ phèn hay cảm biến theo dõi mực nước trong ruộng cũng như kỹ thuật quản lý nước, sâu bệnh và chăm sóc tổng hợp đều do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền chu cấp và hướng dẫn.
- Kết quả cho thấy: Về lượng giống gieo sạ, bình quân 32 mô hình là 78 kg/ha, đối chứng làm theo kỹ thuật của bà con sạ là 115 kg/ha, cao hơn trong mô hình 36 kg (chiếm 48,5%).
Về phân bón: mô hình sử dụng loại phân Đầu Trâu Mặn Phèn và 2 chủng loại NPK chuyên dùng cho lúa là Đầu Trâu TEA1 và Đầu Trâu TEA2, so sánh với nền phân bà con tự chọn thì tổng lượng NPK làm theo kỹ thuật của bà con bình quân 32 địa điểm cao hơn lượng NPK trong mô hình là 48 kg (hay 25%).
Đặc biệt, liều lượng N ruộng đối chứng cao hơn ruộng trong mô hình là 18,1 kg (chiếm 21%) hay 39 kg Ure/ha. Nhưng bình quân năng suất lúa của cả 32 hộ làm trong mô hình vẫn cao hơn đối chứng là 370 kg thóc/ha (4,7%), tiền lời mang lại cao hơn đối chứng là 3,395 triệu đồng/ha.
Các tỉnh có tiền lời mang lại cao là Cà Mau 5,666 triệu đồng, Cần Thơ 7,515 triệu đồng, Kiên Giang 5,320 triệu đồng và Trà vinh là 6,655 triệu đồng/ha. Tỉnh có tiền lời thấp nhất là Long An chỉ có 315.000 đồng/ha và năng suất là cũng khá cao, đến 8.35 tấn/ha.
- Về mô hình, khi phân tích chi tiết cho thấy, các ruộng cho năng suất cao, lời nhiều là do áp dụng đúng kỹ thuật của chương trình, bao gồm giảm lượng giống sạ. Các hộ sạ 50 kg/ha như ở Hậu Giang hay sạ 60 - 70 kg/ha như Cần Thơ, Kiên Giang. Đặc biệt ở Vĩnh Long, cả 4 hộ đều sạ lượng giống thấp, và bón tiết kiệm phân Đầu Trâu đều cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Ví dụ, ở Vĩnh Long có hộ ông Nguyễn Văn Chiến trong mô hình cấy tay tốn 40 kg/ha, đối chứng 50 kg/ha mà năng suất và hiệu quả lại cao hơn so với ruộng sạ 160 kg/ha của hộ ông Trần Văn Út cũng trong điều kiện đất và nước khá giống nhau.
- Phân tích các yếu tố tạo năng suất và hiệu quả cao là sạ lượng giống theo quy trình, sử dụng lượng phân Đầu Trâu hợp lý, làm cho cây lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh nên phun xịt thuốc giảm đến 3 lần và tiết kiệm tiền thuốc được 910.000 đ/ha, cây lúa sử dụng năng lượng mặt trời có hiệu quả cao, dẫn đến năng suất cao, tiền lời cao, mang lại hiệu quả cao, đặc biệt môi trường đất nước được cải thiện, độ chua giảm, pH được nâng cao.
Tâm lý của bà con là sạ dày để có nhiều bông để có năng suất cao? Nhưng đấy là quan niệm sai lầm. Ví dụ, cũng ở Vĩnh Long, bình quân trong mô hình sạ 70 kg/ha, ngoài mô hình sạ 115 kg/ha (có hộ sạ 160 kg/ha), thử so sánh hơn kém giữa mô hình và đối chứng theo các số liệu trong bảng dưới:
Về nước, để tiết kiệm nước có hiệu quả, các vùng giáp Campuchia nước rút đến đâu bà con sạ tập trung đến đấy. Ở vùng thấp hơn, có bờ bao lửng hay bờ bao kín, bà con cũng cố gắng giữ nước và tranh thủ sạ lúa tập trung khi nước vừa rút.
Về các kỹ thuật khác, bà con mạnh dạn giảm giống, sử dụng bộ phân NPK Đầu Trâu, áp dụng các kỹ thuật kèm theo đúng với phương pháp canh tác thông minh sẽ giảm được chi phí sản xuất, năng suất cao, chất lượng tốt, bán được giá, tăng được lợi nhuận.