Theo Kinh tế Sài Gòn Online
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA)… để lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Đề xuất có quy định sức chứa của kho và công suất của cơ sở xay xát
Đối với điều kiện về kho chứa và cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo, tại văn bản này, Bộ Công Thương cho rằng, cần sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng quy định về sức chứa tối thiểu của kho chuyên dùng để chứa lúa, gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo (Nghị định 107 đang có hiệu lực không quy định về việc này- PV).
“Có thể cân nhắc việc quy định như Nghị định 109/2010/NĐ-CP (Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, đã hết hiệu lực- PV) để tận dụng nguồn lực xã hội, cơ sở vật chất đã được xây dựng khi thực thi nghị định số 109/2010/NĐ-CP, tránh phát sinh thêm chi phí cho các thương nhân, gây lãng phí nguồn lực xã hội”, văn bản này cho biết.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, Nghị định 109 đã từng quy định: thương nhân muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất một cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Tuy nhiên, quy định này lúc bấy giờ đã từng bị doanh nghiệp phản đối và đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc Chính phủ ban hành Nghị định 107 để thay thế Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương cho biết, việc lấy ý kiến về đề xuất bổ sung hai tiêu chí “kho chứa và công suất nhà máy xay xát, chế biến”, là nhằm mục tiêu chuẩn hoá việc đầu tư cơ sở hạ tầng đầu vào để đảm bảo đồng bộ hoá về năng lực chế biến của cả ngành; tạo tiền đề thực hiện và đảm bảo duy trì tốt thương hiệu gạo quốc gia một cách thực tiễn; tạo cơ sở cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẵn sàng đáp ứng các quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc các thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng “cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có kho chứa của thương nhân được cấp giấy chứng nhận (cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo- PV) tăng cường kiểm tra việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân sau khi được cấp giấy chứng nhận” và kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Công Thương trong trường hợp cần xác minh, làm rõ thông tin tại hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận.
Cần sửa đổi quy định về thời hạn của giấy chứng nhận để phù hợp với thời hạn của hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo của thương nhân tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận.
Đề nghị bổ sung quản lý nhập khẩu gạo
Tại văn bản này, Bộ Công Thương cũng muốn bổ sung các quy định về quản lý nhập khẩu gạo.
Theo đó, cho phép áp dụng biện pháp quản lý hành chính bổ sung để góp phần điều tiết thị trường, đảm bảo điều hành xuất khẩu, quản lý nhập khẩu gạo linh hoạt, giúp ổn định thị trường và sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương cho biết, việc bổ sung quy định quản lý nhập khẩu do thực tế đã xuất hiện trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu gạo.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, trong năm 2021 này, có một số doanh nghiệp đã nhập khẩu gạo 100% tấm và 5% tấm từ thị trường Ấn Độ với giá thấp để phục vụ cho chế biến bánh bún, thức ăn gia súc. Tuy nhiên, cũng có đơn vị đã đấu trộn với gạo trong nước để xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh chất lượng gạo Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị bổ sung quy định chế tài tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với các lô gạo xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân thuộc trường hợp thực hiện không đúng, không đầy đủ chế độ báo cáo.
Bộ Công Thương cho rằng, chế tài của Nghị định 107 là khá nhẹ, mà cụ thể, thương nhân vi phạm nghĩa vụ báo cáo chỉ không được hưởng các chính sách như tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu trong và ngoài nước; không được phân bổ chỉ tiêu thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung hay chương trình mua lúa gạo tạm trữ của nhà nước.
Bộ Công thương cũng đề nghị bổ sung quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu theo hướng “chỉ thương nhân được cấp giấy chứng nhận và thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại nghị định mới được nhận uỷ thác xuất khẩu”.
Liên quan việc này, theo Bộ Công Thương, quy định về uỷ thác xuất, nhập khẩu tại Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại, thì có thể có trường hợp thương nhân có giấy chứng nhận uỷ thác cho thương nhân không có giấy chứng nhận thực hiện kinh doanh xuất khẩu gạo, làm thủ tục xuất khẩu tại hải quan.
Theo Bộ Công Thương, dù chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra trong thực tế, nhưng đây là kẻ hở của pháp luật, cho nên, đơn vị này kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
36 thương nhân gần 2 năm không xuất khẩu gạoTính đến ngày 25-11, cả nước có 205 thương nhân đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107.Tuy nhiên, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, có 39 thương nhân có trụ sở tại 16 tỉnh, thành không xuất khẩu gạo kể từ tháng 12-2019 đến ngày 25-11-2021. Đây là những trường hợp xem xét thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 8 của nghị định 107 (tức thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 18 tháng liên tục, trừ trường hợp thương nhân đã thông báo tạm ngừng kinh doanh theo quy định của pháp luật, sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận).Như vậy, có thể nhận thấy trong thực tế, nhiều thương nhân được cấp giấy chứng nhận, nhưng không có thị trường, không có khả năng và năng lực xuất khẩu trong gần hai năm, theo Bộ Công Thương.