Nguồn: Tintucnongnghiep.vn
Tình hình Covid-19 căng thẳng khiến 4.800 tấn nhãn ở Châu Thành đến kỳ thu hoạch nhưng khó bán, trái bắt đầu bị hỏng khiến nhiều chủ vườn thấp thỏm.
Giữa trưa tháng 7, bà Nguyễn Thị Khỏi đi quanh vườn nhãn 5.000 m², tại ấp An Hoà, xã An Nhơn, huyện Châu Thành với vẻ mặt đầy lo lắng. Bởi trong vườn còn hơn 2 tấn nhãn chưa bán được, trái chín rụng đầy gốc, số còn trên cây không bị nứt cũng sẫm màu. Hơn 10 ngày qua, bà đã gọi rất nhiều thương lái nhưng hầu hết đều lắc đầu không mua với lý do dịch bệnh, khó vận chuyển, khó tiêu thụ.
"Một năm có một mùa nhãn, bán 5.000 - 6.000 đồng một ký mà không ai mua. Nguy cơ tôi bị mất trắng với số nhãn này và sắp tới không biết lấy gì mà sống", bà Khỏi buồn bã nói.
Quá lứa thu hoạch, nhiều trái nhãn trên cành đã bị hư, nứt trái. Ảnh: Văn Dung.
Với loại nhãn tơ, theo tính toán của bà Khỏi, nông dân mất 6-7 tháng với hàng chục công đoạn xử lý ra đọt, ra hoa, nuôi trái. Với nhãn già trên 10 năm tuổi, chu kỳ lấy trái kéo dài 13-14 tháng. Giá thành mỗi ký nhãn đã 8.000 đồng, nếu giờ may mắn được thương lái mua giá 5.000 - 6.000 đồng, bà vẫn lỗ hơn 10 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc 6-7 tháng.
Bà Khỏi cho biết từng tính đến phương án tự thu hoạch chở sang các vựa ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bán, nhưng do ấp An Hòa nằm trong vùng phong tỏa phòng dịch, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nên bà đành bó tay.
Cù lao nhãn An Hoà là nơi tập trung 60 ha nhãn, trong tổng số gần 800 ha của toàn huyện Châu Thành. Thời hoàng kim, cù lao còn được biết đến với tên gọi "cù lao nhãn triệu USD". Nhãn (giống nhãn Thái) mang lại thu nhập "khủng" cho người trồng vì chất lượng vượt trội, được thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu. Trong tình hình Covid-19 diễn biến khó lường, nhãn cũng như nhiều nông sản khác đang có giá cả bấp bênh.
Anh Phạm Văn Nguyên cho biết giá bán dưới 8.000 một ký, trong khi chi phí sản xuất tăng, vụ này gia đình anh lỗ nặng. Ảnh: Ngọc Tài.
Chung tình cảnh, ông Phan Tấn Lực, trồng một ha nhãn tại ấp An Hòa, sản lượng hơn 4 tấn đã đến ngày thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra. Ông liên tục gọi cho các thương lái nhưng tất cả đều trả lời không mua, có người còn không nghe máy.
"Tôi trồng nhãn Thái nay 10 năm rồi mà chưa khi nào giá thấp như vậy. Năm rồi dịch bệnh giá cũng 15.000 đồng một kg, còn bình thường cũng 25.000 - 30.000 đồng. Giá thì rẻ mà phân thuốc cái gì cũng tăng", ông chia sẻ.
Vườn nhãn ngoài khu vực phong tỏa, anh Phạm Văn Nguyên, xã Hoà Tân, huyện Châu Thành may mắn hơn khi tìm được thương lái bán khoảng 500 kg. Anh đưa lên 2 ngón tay rồi nói giá: "16.000 đồng nhưng 2 ký. Giá này lỗ tới xương luôn. Tôi đổ vốn hơn 20 triệu đồng mà thu được có nhiêu đây. Chưa trừ tiền công nhà, tiền trả nhân công hái nhãn nữa". Đưa nhãn lên xe rất nhanh, cả nhóm của ông Nguyên liền "giải tán" ai về nhà nấy vì sợ dịch bệnh.
Theo UBND huyện Châu Thành, từ giữa tháng 7 đến cuối năm, sản lượng nhãn thu hoạch khoảng 13.000 tấn, trong đó nhãn Châu Thành chiếm 11.500 tấn. Trước mắt, trong tháng 7-8, cần phải tìm đầu ra gấp cho 4.800 tấn nhãn. Diện tích nhãn được cấp mã số vùng trồng là 168 ha, 126 ha đạt chứng nhận VietGAP, 19,5 ha đạt GlobalGAP.
Chiều 16/7, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương đã làm việc với huyện Châu Thành nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nhãn.
Theo ông Phong, trong tình huống dịch bệnh, cần có cách ứng xử phù hợp, phải tổ chức được lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch nhãn, vận chuyển ra khỏi vùng dịch, đảm bảo đầy đủ yêu cầu phòng dịch. Thậm chí có thể ưu tiên tiêm vaccine phòng chống Covid-19 cho đội ngũ này để họ yên tâm.
"Cả nước đã có luồng xanh để vận chuyển hàng hoá. Không có lý do gì để Châu Thành không làm được. Tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa để hàng hóa, nông sản của bà con được lưu thông dễ dàng. Hai Sở Nông nghiệp và Công thương hỗ trợ tối đa tìm đầu ra cho nông dân", ông Phong chỉ đạo.
Những nhà vườn trồng nhãn may mắn tìm được đầu ra trong thời điểm này nhưng giá cũng rất thấp, chỉ 8.000 đồng một kg.
Ảnh: Ngọc Tài.
Bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, cho biết đã liên hệ nhiều kênh phân phối, tiêu thụ, các sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, các công ty xuất khẩu đang rất cần nguồn hàng đạt tiêu chuẩn, bán sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sản lượng các công ty cần hơn 1.000 tấn một tháng, với điều kiện nhãn đạt yêu cầu xuất khẩu.
Theo bà Thủy, Sở Công thương TP HCM cũng đang thiết lập điểm bán hàng lưu động. Tỉnh sẽ gửi danh sách đến Sở này để kết hợp đưa nhãn về bán tại các điểm lưu động nêu trên. Ngoài ra, hội doanh nhân, hội phụ nữ, tỉnh đoàn sẽ phối hợp làm chuyến xe nông sản đưa đến các tỉnh, trong đó có TP HCM để tìm đầu ra cho nhãn của người dân.