RAU QUẢ

Mùa vải lịch sử và kỳ tích từ tâm dịch Bắc Giang

Cập nhật ngày: 08 | 07 | 2021

Bắc Giang vừa trải qua mùa vải thiều có thể nói là khó khăn nhất trong lịch sử khi dịch bệnh bùng phát, nhưng lại lập được những kỷ lục mới về sản lượng, chất lượng và tiêu thụ.

Nguồn: Bộ Công thương

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương tỉnh Bắc Giang tiêu thụ được hơn 200.000 tấn vải thiều trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp như một ví dụ cho thấy “cái khó ló cái khôn”. Nhìn rộng hơn, Thủ tướng đánh giá cao Bắc Giang và một số địa phương khác tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn đạt kết quả cao về tăng trưởng, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công…

Những kết quả về sản xuất và tiêu thụ vải thiều đã góp phần để Bắc Giang đạt kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm, đồng thời góp phần vào mức tăng trưởng tới 3,82% của ngành nông nghiệp cả nước - cao nhất trong 10 năm qua.

Khi Trung ương đồng hành với địa phương

Năm 2020, Bắc Giang là tỉnh có GDP tăng trưởng cao nhất cả nước với tốc độ 13,02%. Quý I năm nay, tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử với mức 17,96%. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này gặp khó khăn lớn khi dịch bệnh bùng phát trong tháng 5.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái nhận định, dịch bệnh bùng phát đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới mọi mặt phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng “tập trung, căng mình, dồn lực chống dịch”, tới nay dịch bệnh đã cơ bản được khống chế.

Trong điều kiện chống dịch, tỉnh vẫn quyết liệt, kiên trì thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 5/7, có 262 doanh nghiệp với khoảng 74.500 lao động trong các khu và cụm công nghiệp đã hoạt động trở lại. Dự kiến đến 30/7, toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các khu công nghiệp sẽ cơ bản trở lại hoạt động bình thường như trước khi có dịch, trên cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Đặc biệt, đợt bùng phát dịch vừa qua trùng chính thời điểm vụ vải thiều, mặt hàng đặc sản có giá trị cao của tỉnh, với diện tích hơn 28.000 ha và sản lượng lớn nhất cả nước. Ông Dương Văn Thái cho biết, vượt qua những khó khăn, vải thiều Bắc Giang đạt “3 cái nhất” trong năm nay.

Đó là sản lượng đạt lớn nhất từ trước tới nay với 215.000 tấn – cao hơn dự kiến ban đầu là 180.000 tấn; chất lượng tốt nhất với 55% sản lượng và diện tích trồng theo VietGAP và GlobalGAP, xuất khẩu chính ngạch được vào những thị trường khó tính như Nhật, Pháp, Đức…; với nhiều thị trường xuất khẩu mới. Ngay cả thị trường trong nước cũng được mở rộng hơn, trước đây sản lượng tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 45 đến 50% tổng sản lượng thì năm nay đạt khoảng 65%.

“Có thể nói vải thiều Bắc Giang vừa được mùa, vừa được giá, tiêu thụ tốt với doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng. Cách tiếp cận mới của tỉnh là không nói “giải cứu” vải thiều ngay từ đầu vụ, bởi như vậy giá sẽ sập xuống, không xuất khẩu, không bán được. Thay vào đó, cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải - đây là bài học với vải thiều nói riêng và nông sản nói chung”, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ.

Ông Dương Văn Thái cho biết, để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính hằng ngày đều gọi điện động viên, chỉ đạo, lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất là khi Bắc Giang chủ động kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương “mở luồng xanh” cho phép xe chở vải thiều được lưu thông nhanh chóng qua các chốt kiểm soát dịch COVID-19 khi có giấy xác nhận an toàn COVID-19.

“Tỉnh Bắc Giang đề nghị cho nên Thủ tướng, Phó Thủ tướng có văn bản chỉ đạo ngay các bộ, ngành, địa phương. Chưa năm nào các bộ quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều Bắc Giang mạnh mẽ và kịp thời như năm nay, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thộng vận tải, Bộ Công an. Các khó khăn vướng mắc đều được các bộ giải quyết rất sớm, rất nhanh. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các địa phương, nhất là Lạng Sơn, Lào Cai, TPHCM, Hà Nội và sự ủng hộ của nhân dân cả nước”, ông Dương Văn Thái bày tỏ.

Vải thiều Bắc Giang vừa được mùa, vừa được giá, tiêu thụ tốt với doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng. - Ảnh: VGP

Cơ hội từ thương mại điện tử

Bối cảnh dịch bệnh hiện nay cũng là một thời cơ để đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số - đây vừa là gợi mở, vừa là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các bộ, ngành, địa phương. Trên thực tế, thương mại điện tử chính là một trong những yếu tố giúp quả vải Bắc Giang vượt qua được những khó khăn do dịch bệnh.

Ngoài sự hỗ trợ mạnh mẽ của các Bộ ngành như Công Thương, Thông tin và Truyền thông để đưa quả vải lên các sàn giao dịch trực tuyến lớn, người dân Bắc Giang cũng chủ động hơn nhiều để tận dụng các hình thức giao dịch qua mạng khác như Facebook…

“Em cần một tấn vải vào TPHCM đi xe lạnh, nhà vườn nào còn không ạ”, “nhận giao từ 1 đến 2 tấn trở lên ở các tỉnh phía Bắc”, “nhận đơn khách dọc quốc lộ 1A”…  Nhiều đơn hàng đã được chốt từ những status như vậy của các nông dân và thương lái thời đại 4.0 trên các fanpage, quy mô mỗi giao dịch có thể chưa lớn nhưng đã “góp gió thành bão” để tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn quả đặc sản này.

Đặc biệt, lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu theo hình thức sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Cuối tháng 6, những tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP đã được xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (CHLB Đức), đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ chiến lược quảng bá và xây dựng thương hiệu bài bản, trái vải thiều được bán ở nhiều thị trường với giá lên đến 500 nghìn đồng/kg nhưng vẫn “cháy hàng”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Bắc Giang) cho biết, vải Bắc Giang chính thức xuất khẩu sang Nhật từ năm 2020. Nhưng khi đó, cả 5 công ty xuất nhập khẩu mới đưa được 48 tấn vải sang thị trường này.

Sang năm nay, khi Nhật Bản tạm ủy quyền cho phía Việt Nam giám sát quá trình xông hơi, khử trùng, ngay trong tuần đầu tiên, 5 doanh nghiệp đã cùng liên kết và xuất được 50 tấn vải (gồm cả của Bắc Giang và Hải Dương) sang thị trường này. Tính chung cả vụ, các doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công gần 300 tấn vải ở hai tỉnh sang thị trường Nhật Bản.

“Lượng vải đưa sang Nhật chưa được nhiều so với tiềm năng và còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Nhưng sản lượng xuất khẩu đã tăng đột biến so với năm ngoái, đây chính là dấu hiệu tích cực, làm động lực cho doanh nghiệp phấn đấu mở rộng thị trường trong thời gian tới”- ông Hưng cho biết.

Hiện, Công ty Toàn Cầu đang tập trung vào mặt hàng cùi vải đông lạnh, vải đông lạnh nguyên quả… để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Âu, Australia và Hàn Quốc. Hiện nhà máy đang tích trữ hơn 500 tấn nguyên liệu và tổng sản lượng chế biến khoảng 1.200 tấn.

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, quả vải xuất sang Nhật là kết quả của mô hình liên kết 4 nhà hiệu quả: Nhà nước - nhà khoa học- nhà kinh doanh- nhà nông. Khi dịch bệnh phức tạp, bà con nông dân, chính quyền, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đã phối hợp mật thiết để có được quy trình thông thoáng, phù hợp, từ quản lý nhà nước đến sản xuất, thu mua và xuất khẩu. Tỉnh chủ động cử các cán bộ làm việc ngay tại cửa khẩu để thông quan nhanh nhất. Các doanh nghiệp cũng tham gia hỗ trợ rất nhiều từ công tác vận tải, giao dịch điện tử…

Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong các vùng dịch như tại huyện Lục Nam, Công ty Toàn Cầu đã cho xe vào hỗ trợ thu mua sản phẩm nông sản của bà con về nhà máy chế biến; kết nối với các doanh nghiệp ngành than ở Quảng Ninh để thu mua vải cho bà con với số lượng khoảng hơn 100 tấn…

Theo ông Hưng, thực tế, vẫn còn hiện tượng một số thương lái ép giá nhưng con số này không nhiều, nhìn chung người dân vẫn có được giá bán chấp nhận được. Mức giá tiêu thụ nội địa trung bình khoảng 17 đến 18 nghìn đồng/kg; còn giá xuất khẩu, các doanh nghiệp luôn luôn đảm bảo cho bà con nông dân ở mức không thấp hơn 20 nghìn/kg.

Nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật

Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, sự nỗ lực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, phải kể tới sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn chia sẻ, tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch sản xuất vải an toàn “không COVID-19”, xây dựng vùng trồng vải an toàn; tập trung chỉ đạo khâu sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng mã vùng trồng cụ thể và hướng đến sản phẩm có chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Tỉnh cũng sớm xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều ngay từ đầu vụ với 3 kịch bản, phương án tiêu thụ cụ thể, điều hành hết sức linh hoạt các kịch bản đó. Lần đầu tiên, tỉnh thành lập các tổ hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại Lào Cai, Lạng Sơn; lập đường dây nóng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thông thương nhanh chóng… Có thể nói, Bắc Giang đã có sự chủ động rất cao đối với vụ vải năm nay, không kêu khó mà đưa ra ngay giải pháp tháo gỡ trong từng tình huống để có được những kết quả vượt kỳ vọng, mục tiêu đặt ra.

Những nỗ lực nói trên đã góp phần vào thành tựu quan trọng của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, với tốc độ tăng GRDP ước đạt 10,2%, cao gấp 1,6 lần cùng kỳ năm 2020 và đứng thứ 8/63 cả nước. Thu ngân sách cũng tăng 63%, thu hút FDI đứng thứ 8 cả nước, giải ngân vốn đạt xấp xỉ 35%, nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng cao. Các chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đều tăng 12 đến 13 bậc so với trước đó.

Nhìn rộng ra cả nước, Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn của nửa đầu năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành hết sức quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả hơn.

Ông nhắc tới các quan điểm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh như “3 không” khi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm) và “5 thật” (nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật).

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đánh giá rất cao các bài học kinh nghiệm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rút ra trong điều hành, nhất là bài học về việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, tăng cường kiểm tra giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Tập trung tháo gỡ các các vướng mắc về thể chế, tổ chức triển khai thực hiện rất thiết thực và sát thực tế.

“Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả nước tăng cao so với cùng kỳ, an sinh xã hội được bảo đảm, đặc biệt niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được nâng lên, khối đại đoàn kết được tăng cường. Điều này nhận thấy rất rõ ở các địa phương, như ở Bắc Giang, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân được thể hiện rõ qua hai đợt chống dịch và cuộc bầu cử vừa qua”, Bí thư Bắc Giang khẳng định và bày tỏ tin tưởng thời gian tới, các nguồn lực xã hội sẽ tiếp tục được khơi thông, tạo bước phát triển mạnh mẽ trong cả nhiệm kỳ.

TIN TỨC KHÁC