CÀ PHÊ

Ồ ạt nhổ cà phê làm đô thị, dân bơ vơ

Cập nhật ngày: 04 | 05 | 2021

(Tienphong.com)_Chính quyền địa phương ồ ạt nhổ cà phê, cao su làm dự án bất động sản, khu đô thị… tăng thêm nguồn thu. Trong khi đó, nông dân đang sử dụng đất với hợp đồng giao khoán, liên kết trắng tay, mất việc làm, phải vật lộn mưu sinh, thưa kiện kéo dài chưa có hồi hết.

 

Từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột di chuyển trên Tỉnh lộ 8, hướng về huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có khoảng 10 dự án bất động sản, khu đô thị đã và đang hình thành trên hàng trăm héc-ta.

Năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi hơn 500ha đất của Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột (Công ty cà phê Buôn Ma Thuột), do Công ty này bị giải thể, trong đó hơn 400ha giao UBND thành phố Buôn Ma Thuột, còn lại giao Trung tâm phát triển quỹ đất Đắk Lắk quản lý, sử dụng. Hai năm sau, UBND thành phố Buôn Ma Thuột ra quyết định thu hồi gần 30ha để bán đấu giá, và giao doanh nghiệp làm khu đô thị.

Có gần 70 hộ dân có đất trong diện tích 30ha này bị ảnh hưởng, được Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Buôn Ma Thuột lên phương án đền bù.

Thế nhưng, theo người dân, họ chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất, bị cắt bỏ nhiều quyền lợi chính đáng khác. Đáng chú ý, phần đất các hộ dân đang sử dụng này thuộc loại hình giao khoán, liên kết.

Theo Quyết định 07 ngày 4/1/2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk, và Thông tư 129/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, Công ty cà phê Buôn Ma Thuột có trách nhiệm xác định giá trị tài sản trên đất thu hồi (bao gồm cả tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty và tài sản do người sử dụng đất dưới hình thức liên kết hoặc giao khoán tạo lập trong quá trình sử dụng đất) để chi trả, thanh lý hợp đồng, thu hồi lại đất và bàn giao đất "sạch" cho Trung tâm phát triển quỹ đất Đắk Lắk và UBND thành phố Buôn Ma Thuột quản lý. Tuy nhiên, Công ty cà phê Buôn Ma Thuột không có kinh phí nên chỉ tiến hành đối chiếu công nợ đến thời điểm giải thể, chưa thực hiện các nội dung khác theo quy định.

“Chúng tôi mất đất sản xuất, không nguồn thu do không có việc làm dẫn đến trắng tay. Dân làm đơn khiếu nại, chính quyền các cấp cứ đùn đẩy nơi nọ sang chỗ kia”, ông Nguyễn Đình Khoa (công nhân của Công ty cà phê Buôn Ma Thuột, trú tại phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Buôn Ma Thuột Trương Văn Chính cho biết, đơn vị đã làm đúng chức năng nhiệm vụ và theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi đã xin ý kiến về phương án đền bù, nhưng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk trả lời, những hộ dân liên kết nhận khoán (như trên) không thuộc diện được áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định sản xuất”, ông Chính nói.

Một hộ dân thắng kiện, le lói hy vọng.

Không chấp nhận phương án đền bù trên, bà Trần Thị Song (trú tại phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột) là người đầu tiên làm đơn khởi kiện UBND thành phố Buôn Ma Thuột ra TAND tỉnh Đắk Lắk, để đòi quyền lợi.

Tại bản án số 19 ngày 21/8/2020 của TAND tỉnh Đắk Lắk chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của bà Song, yêu cầu UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và bổ sung nội dung hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm và hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất cho gia đình bà Song.

“Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013; Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, khi nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm”, lược trích bản án số 19 của TAND tỉnh Đắk Lắk.

Nói về hướng xử lý tiếp theo, ông Trương Văn Chính cho biết thêm, sau khi bà Song thắng kiện, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã nghiêm túc thực hiện theo bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk. Bà này sẽ được hỗ trợ thêm hơn 322 triệu đồng. PV Tiền Phong đặt câu hỏi, vì sao chính quyền không giải quyết dứt điểm cho những hộ dân (65 hộ) còn lại như trường hợp của bà Song, để dân không tụ tập đông người, khiếu kiện kéo dài? Ông Chính nói: “Chúng tôi chỉ thực hiện theo bản án của Tòa”.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho biết, do Hội đồng giải thể Công ty cà phê Buôn Ma Thuột xử lý không dứt điểm, khiến nhiều hộ dân vẫn tiếp tục canh tác, sản xuất trên phần đất đã được thu hồi. Sau này khi chính quyền tiếp tục thực hiện thu hồi đất làm dự án gặp rất nhiều khó khăn, buộc phải vận dụng các quyết định số 27 và 39 của UBND tỉnh Đắk Lắk, Luật Đất đai... để đền bù, hỗ trợ cho người dân. "Trong luật còn nhiều chồng chéo, chưa rõ ràng", vị này nói.