Xuất khẩu xoài chỉ chiếm hơn 1,5% nhu cầu thế giới
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Việt Nam là nước sản xuất xoài lớn thứ 13 thế giới với tổng diện tích trồng trong cả nước khoảng hơn 87.000 ha. Đây là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam, chỉ đứng sau chuối.
Năm 2020, tổng sản lượng xoài của Việt Nam đạt 893.200 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Xoài được trồng nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước, năm 2020 đạt 567.732 tấn.
Cũng trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt 180,8 triệu USD, giảm 9% so với năm 2019, nguyên nhân do đại dịch COVID-19 làm ách tắc dòng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu.
Hiện Việt Nam xuất khẩu xoài sang 40 quốc gia trên thế giới. Các nhà nhập khẩu chính là Trung Quốc, các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc đạt 151,8 triệu USD, chiếm 83,95% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giảm gần 4,2% so với năm 2019. Đứng thứ 2 là thị trường Nga, đạt 8,4 triệu USD, chiếm 4,65%, là thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh đạt 76,1% so với năm 2019.
Đáng chú ý, trong năm qua, xoài Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đơn cử như Mỹ, theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam tăng mạnh cả lượng và giá trị xuất khẩu xoài sang thị trường này với khối lượng 2.100 tấn, trị giá 4,61 triệu USD, tăng 66% về lượng và tăng hơn 70% về trị giá so với năm 2019.
Giá xuất khẩu bình quân của xoài Việt Nam sang Mỹ ở mức cao đạt 2,2 USD/kg, tăng 2,5% so với năm 2019.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, thị phần xoài Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn rất khiêm tốn. Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng xoài trên thế giới đạt khoảng 12,3 tỷ USD, nhưng Việt Nam xuất khẩu mới chỉ đạt con số hơn 180 triệu USD, chỉ chiếm hơn 1,5% trong tổng thị phần xuất khẩu của thế giới.
Tại các thị trường khó tính, ví dụ như thị trường Mỹ, xoài Việt Nam cũng chỉ chiếm 0,3% tổng lượng xoài nhập khẩu của Mỹ. Vì vậy, Việt Nam hiện mới chỉ đứng thứ 14 trong những thị trường cung cấp xoài cho Mỹ.
Mục tiêu xuất khẩu 650 triệu USD vào năm 2030 có khả thi?
Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu là đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD, có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến…Như vậy, mục tiêu này gấp gần 3,5 lần kết quả đạt được trong năm 2020.
Đánh giá về con số đề ra, chia sẻ với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho rằng mục tiêu này khá cao.
"Muốn thực hiện mục tiêu này cần nâng cao chất lượng quả xoài, cải tiến về cách trồng và cả quá trình đóng gói", ông Nguyên cho biết và chỉ ra 3 hướng cụ thể cho thời gian tới.
Cụ thể, là tiếp tục tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh thị trường chế biến để có điều kiện tăng kim ngạch. Đồng thời mở rộng các thị trường khó tính.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội rau quả cho rằng các phương hướng đề ra phải đặt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát và đi đến chấm dứt, cùng với việc giảm giá cước vận chuyển thì mới có thể thực thi kế hoạch này.
"Với giá cước hiện nay thì khó thể đẩy mạnh tiêu thụ ở những thị trường xa. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công nghệ chế biến như xoài đông lạnh, xoài sấy, cắt miếng, cấp đông, để tăng giá trị gia tăng", ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.
Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng nhu cầu nhập khẩu xoài lớn tại Mỹ là cơ hội để quả xoài các loại của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này.
"Xoài chế biến và nước ép sẽ có tiềm năng lớn tại Mỹ. Đây là những loại rất được ưa chuộng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những chủng loại này trong thời gian tới", Bộ Công Thương dự báo.
Theo đó, để tăng thị phần tại Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe như vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cấp mã số để quản lý, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch...
Còn theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản để tăng lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn, đòi hỏi các cơ sở sản xuất xoài phải tính đến phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất - thu mua - sơ chế - đóng gói - bảo quản - doanh nghiệp xuất khẩu, bảo đảm đáp ứng quy định của thị trường.
Do đó, Cục sẽ tạo kênh kết nối, trao đổi giữa nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài với các cơ quan thương mại, doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam để tìm hiểu, phát triển thị trường xuất khẩu
Hướng dẫn, phổ biến thực thi tốt các quy định về kiểm dịch thực vật, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, quy định mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ, phát triển chuỗi giá trị xoài, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng quy định từng thị trường, tập trung vào các thị trường trọng điểm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Nguồn: Vietnambiz.vn