WTO quy định để có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp thì nước nhập khẩu cần chứng minh sự tồn tại đồng thời của cả ba điều kiện là:
(i) Hàng nhập khẩu được bán phá giá/trợ cấp với biên độ trên mức tối thiểu;
(ii) Có thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại đáng kể với ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu và
(iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá/trợ cấp của hàng nhập khẩu với thiệt hại của ngành sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, theo cam kết EVFTA, kể cả khi chứng minh đủ ba điều kiện nói trên, Việt Nam và EU vẫn sẽ không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp nếu các thông tin sẵn có từ điều tra cho kết luận rõ ràng rằng việc áp dụng các biện pháp này không phù hợp với "lợi ích công cộng".
Như vậy, các điều kiện để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp sẽ không chỉ bao gồm ba yếu tố như trong WTO mà còn có thêm yếu tố "lợi ích công cộng".
Theo ghi nhận của Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, việc xem xét yếu tố "lợi ích công cộng" đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền trước khi áp dụng các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp phải xem xét, cân nhắc các thông tin sẵn có về tất cả các yếu tố liên quan như hiện trạng và quan điểm của ngành sản xuất nội địa, các nhà nhập khẩu, các hiệp hội đại diện cho họ, các tổ chức đại diện người tiêu dùng và đại diện đơn vị hạ nguồn (sử dụng sản phẩm là đối tượng điều tra làm nguyên liệu đầu vào)...
Chỉ khi xác định rằng việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp là phù hợp với các lợi ích công cộng tổng thể thì cơ quan này mới có thể áp dụng các biện pháp này.
Trên thực tế, trước năm 2018, Việt Nam áp dụng quy định "lợi ích công cộng" này trong pháp luật và thực tiễn điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp của mình (một cách tự nguyện).
Tuy nhiên, theo Luật Quản lý Ngoại thương mới của Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) thì điều kiện "lợi ích công cộng" đã được loại bỏ, cơ quan điều tra sẽ không còn phải xác định điều kiện này khi quyết định các biện pháp liên quan.
Như vậy, khi EVFTA có hiệu lực, riêng đối với các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, Việt Nam sẽ vẫn phải bảo đảm tính tới cả yếu tố "lợi ích công cộng" trước khi áp dụng các biện pháp liên quan; còn với các vụ điều tra đối với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường khác thì Việt Nam không cần phải xem xét tới yếu tố "lợi ích công cộng" này.
Về phía EU, pháp luật khối này hiện đã đang quy định "lợi ích công cộng" là một yếu tố phải xem xét khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Nguồn: Vietnambiz.vn