Theo Vietnambiz
Hiện nay Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xây dựng bảng đánh giá uy tín các nhà thầu.
Nhóm 1 là những nhà thầu thực hiện đầy đủ, đúng các quy định sẽ được chấm điểm uy tín tối đa; nhóm 2 là nhà thầu trúng thầu, khi thương thảo ký hợp đồng nhưng không ký, điểm uy tín sẽ thấp hơn; nhóm 3 là nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng nhưng khi thực hiện hợp đồng lại không thực hiện đúng hoặc chất lượng giao hàng dự trữ không bảo đảm; nhóm 4 là nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng nhưng bỏ hoặc thực hiện dở dang.
Nhóm 3 và 4 sẽ bị điểm uy tín thấp nhất và đưa lên hệ thống đấu thầu Quốc gia. “Những nhà thầu có lịch sử vi phạm sẽ bị hạ điểm và sẽ gặp bất lợi khi tham gia dự thầu trong thời gian tới. Trước mắt, việc chấm điểm này được thực hiện với đấu thầu gạo, tiến tới áp dụng với đấu thầu vật tư, thiết bị”, ông Nguyễn Văn Bình cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, về lâu dài, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có kiến nghị tiếp tục sửa đổi Luật Đấu thầu bổ sung các chế tài khác để ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu không riêng chỉ có mua gạo dự trữ Quốc gia, mà cho nhiều mặt hàng và các lĩnh vực khác.
Liên quan đến việc có đưa mặt hàng khẩu trang vào danh mục hàng dự trữ Quốc gia khi thời gian qua, mặt hàng này trở nên khan hiếm bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: Từ tháng 4/2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phối hợp với Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào danh mục hàng dự trữ Quốc gia. Dự kiến, quý I/2021, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc này.
Việc giao dịch, tham gia cung ứng gạo cho dự trữ Quốc gia hiện đang được thực hiện theo Bộ Luật Dân sự năm 2015, Luật Dự trữ quốc gia năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013.
Trường hợp doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng thì biện pháp chế tài là thu bảo lãnh dự thầu. Nếu đã ký hợp đồng mà không thực hiện hoặc có thực hiện, nhưng không giao đủ số lượng theo hợp đồng đã ký thì bị thu bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc chịu phạt tối đa bằng 8% giá trị không thực hiện và cấm tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm theo Luật Đấu thầu đã qui định.
Trước đó đầu tháng 3/2020, nhiều doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ Quốc gia trong đợt mở thầu nhưng ngay sau đó lại bỏ không ký hợp đồng. Nguyên do, thời điểm tháng 3/2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, giá gạo bị đẩy lên cao dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp trúng thầu rồi nhưng lại bỏ thầu, trong đó có cả doanh nghiệp Nhà nước để xuất khẩu gạo ra nước ngoài với giá cao hơn.