Theo Vietnambiz
Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (MAFF) cảnh báo nông dân chỉ có thể gieo trồng một vụ lúa trong mùa khô hiện tại. Thông thường, mùa khô này sẽ kéo dài đến tháng 4.
MAFF cho biết do ảnh hưởng của thời tiết mà sản lượng lúa thu hoạch trong mùa khô năm nay sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể gây ảnh hưởng lớn vì ngành lúa gạo vẫn là một trong những sinh kế chính của người dân Campuchia.
Ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 3 triệu trong tổng cộng 15 triệu lao động Campuchia và chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước Đông Nam Á trong năm 2018. Trong nông nghiệp, gieo trồng lúa là lĩnh vực quan trọng nhất.
Theo Asia Times, ngành lúa gạo Campuchia từ lâu đã luôn trong tình trạng thiếu vốn, dính dáng đến thị trường chợ đen và ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Năm ngoái, ngành này lại chịu thêm áp lực mới từ thuế quan mà Liên minh châu Âu (EU) áp lên gạo nhập khẩu từ Campuchia.
Do thuế quan của EU, các lô gạo Campuchia xuất sang châu Âu đã giảm hơn 30% từ gần 300.000 tấn năm 2018 xuống còn khoảng 200.000 tấn vào năm ngoái, theo thống kê của MAFF. Trước đó, EU là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Campuchia.
Song, thiệt hại của ngành lúa gạo Campuchia đã giảm một phần khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 46% trong cùng kỳ.
Vài ngày sau khi thuế quan của EU có hiệu lực vào đầu tháng 1 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo Campuchia từ 300.000 tấn hồi năm 2018 lên 400.000 tấn trong năm 2020.
Tuy nhiên, lời hứa của ông Tập không khả thi và cũng không phải là giải pháp cho ngành lúa gạo Campuchia.
Năm 2018, Trung Quốc mua khoảng 170.000 tấn gạo, chỉ hơn một nửa hạn ngạch mà nền kinh tế tỷ dân cam kết với Campuchia. Năm 2019, khối lượng gạo Campuchia mà Trung Quốc nhập về cũng chỉ cải thiện lên 248.100 tấn, chưa hoàn thành hạn ngạch đề ra.
Câu chuyện chưa kể
Những con số mà Asia Times liệt kê ở trên không nói lên toàn bộ câu chuyện của ngành lúa gạo Campuchia.
Tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Campuchia giảm chưa đến 1% trong năm ngoái, chủ yếu là nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng. Song, dữ liệu chính thức cho thấy tổng giá trị gạo xuất khẩu lại giảm 4,3% xuống còn 501 triệu USD. Nói cách khác, xuất khẩu sang Trung Quốc hầu như không mang lại lợi nhuận nhiều như sang EU.
Tuy nhiên, nông dân mới chính là những người đang trả giá đắt nhất, chứ không phải các công ty xuất khẩu trung gian. Các đại lý thu mua lúa gạo tại Campuchia đang ép giá nông dân để bù đắp chi phí mà thuế quan của EU đội lên.
Một số nông dân cho biết giá lúa hiện tại chỉ bằng một nửa so với giá năm 2018. Asia Times dẫn lời một nông dân cho biết ông đang bán gạo thơm chất lượng cao với giá 700 riel (khoảng 0,17 USD)/kg, chỉ hơn một nửa so với mức 1.300 riel cách đây ba năm.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh chính phủ Campuchia sẽ không can thiệp vào thị trường lúa gạo như đã từng làm vào năm 2017.
Phnom Penh dường như hiểu rằng nếu can thiệp, họ không chỉ phải kiểm soát giá lúa gạo mà còn phải bơm hàng tỷ USD ngân sách để hỗ trợ ngành này, mà đây lại là thời điểm kho bạc nhà nước nên ưu tiên cho các lĩnh vực có lợi nhuận hơn như dệt may.
Lợi nhuận eo hẹp, giá phân bón và thuốc trừ sâu tăng cao, thời tiết biến động khiến nông dân Campuchia càng thêm túng quẫn. Hơn nữa, lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, buộc người nông dân phải chi thêm tiền cho máy bơm nước và hệ thống tưới tiêu. Họ phải cầm chừng sao cho đủ vốn nếu chẳng may mất mùa.
Theo báo cáo của ASEAN Today, 45.000 ha đất trồng lúa tại Campuchia bị hư hại trong đợt hạn hán tháng 12 năm ngoái, song chính phủ chỉ có thể hỗ trợ tài chính cho một nửa số nông dân bị ảnh hưởng.
Bài toán nguồn vốn
Để xoay xở nguồn vốn, nông dân Campuchia có xu hướng đi vay tại các tổ chức tài chính vi mô, mà lĩnh vực tài chính này tại Campuchia vốn đã tăng trưởng rất nóng so với hầu hết quốc gia khác trên thế giới.
Bloomberg năm ngoái thống kê, trong giai đoạn 2004 - 2014, khoản vay trung bình tại một tổ chức tài chính vi mô ở Campuchia đã tăng từ 200 USD lên 1.000 USD, gấp hai lần tốc độ tăng trưởng của thu nhập bình quân đầu người.
Tháng 8/2020, Liên đoàn Thúc đẩy và Bảo vệ Nhân quyền Campuchia (LICADHO) và Sahmakum Teang Tnaut (STT) đã hợp tác thực hiện một báo cáo.
Qua đó, họ phát hiện khoảng 2,4 triệu người dân Campuchia đang gánh khối nợ tài chính vi mô quá hạn trị giá khoảng 8 tỷ USD, tương đương 1/3 GDP của đất nước Đông Nam Á này. Người nông dân Campuchia có khi phải bán đất để trả nợ và một số tệ nạn có thể phát sinh từ đây.
Ngoài ra, các nhà máy xay xát và công ty xuất khẩu gạo cũng khó tiếp cận tín dụng từ những ngân hàng thương mại, vì hệ thống ngân hàng tại Campuchia đang ngày càng cảnh giác với hoạt động cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tháng 12/2020, Liên đoàn Lúa gạo Campuchia đã kêu gọi Ngân hàng Phát triển Nông thôn (RDB) cho vay khẩn cấp 200 triệu USD để các nhà máy xay xát có nguồn vốn nhằm tiếp tục thu mua lúa từ nông dân.
Song, cuối cùng RDB chỉ cấp thêm 50 triệu USD vay mới vào cuối tháng. Doanh nghiệp đành phải xoay xở cách khác để tìm thêm 150 triệu USD. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp ngành lúa gạo Campuchia yêu cầu sự trợ giúp từ RDB.