CÀ PHÊ

Phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao

Cập nhật ngày: 31 | 12 | 2020

Nguồn: Baotintuc.vn
Việc thực hiện Đề án phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao đã chọn tạo được các giống mới, áp dụng kỹ thuật trong canh tác, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu.

Ngày 29/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng đồng chủ trì hội nghị.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới và là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê nhân Robusta.

Trong thời gian vừa qua, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu 2019 đạt 2,85 tỷ USD, chiếm 7,8% về kim ngạch xuất khẩu cà phê của thế giới.

Về sản xuất, Việt Nam đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất cà phê hàng hóa lớn, tạo việc làm và thu nhập chính cho trên 600 nghìn hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng cà phê khác.

Về chế biến, ngành chế biến cà phê Việt Nam cũng đã hình thành và đang phát triển theo hướng tăng chế biến sâu.
Để phát triển các sản phẩm cà phê hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khuyến khích việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất và chế biến cà phê để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao với giá thành cạnh tranh dựa trên việc khai thác các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước.

Các chính sách của Chính phủ cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, trang trại đã giúp giá trị xuất khẩu cà phê thường chiếm khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản và tỷ trọng cà phê luôn vượt trên 10% GDP nông nghiệp trong những năm gần đây.

Để hỗ trợ ngành hàng cà phê gia tăng giá trị, duy trì vị trí thứ 2 thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê trong bối cảnh cạnh tranh ngàng càng gay gắt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 787/QĐ – TTg ngày 5/6/2017 đưa cà phê vào danh mục sản phẩm thuộc chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đã xây dựng và thực Đề án phát triển sản phẩm quốc gia "Cà phê Việt Nam chất lượng cao", giai đoạn (2018 – 2020). 

Mục tiêu của Đề án là phát triển ngành cà phê sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao trên cơ sở áp dụng đồng bộ giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến gắn với cơ giới hóa.

Tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh cà phê, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
Sau hơn 2 năm thực hiện (2018 – 2020), Đề án "Phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao",  tổng kinh phí thực hiện khoảng thực hiện đề án khoảng 216 tỷ đồng (trong đó: nhà nước đã hỗ trợ khoảng 74 tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp và hộ nông dân) để phục vụ nghiên cứu, hoàn thiện và làm chủ công nghệ, thu hút đầu tư...

Đề án đã triển khai các nghiên cứu chọn tạo được các giống cà phê mới (chè và vối) có chất lượng cao, chọn được nhiều dòng, giống cà phê có đặc điểm nông học tốt về kích cỡ hạt.

Xây dựng và sản xuất vùng cà phê chất lượng cao có chứng nhận làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến; xây dựng bộ tiêu chí thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao; nghiên cứu cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản và thương mại sản phẩm cà phê chất lượng cao quy mô hàng hóa.

Hoàn thiện công nghệ và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu từ cà phê. Xây dựng và triển khai hệ thống truy nguyên nguồn gốc; hoàn thiện thiết kế và chế tạo máy sấy phun trong dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan chất lượng cao, năng suất 250kg/giờ...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đề án còn nhiều tồn tại hạn chế như: chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia, chưa tạo được sự đa dạng cho sản phẩm và sự cạnh tranh cao cho thương hiệu cà phê Việt Nam; sự kết nối giữa các hợp phần còn rời rạc, chưa thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt của đề án từ khâu nghiên cứu – sản xuất – liên kết chuỗi – thương hiệu sản phẩm...
Tại hội nghị, các nhà quản lý, doanh nghiệp cà phê đã cũng nhau phân tích, đánh giá kết quả đạt được trong việc thực hiện Đề án phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao và đề xuất những giải pháp để thực hiện có hiệu quả đề án này.
Tiến sỹ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, Viện đã chọn ra được được 4 giống cà phê vối trong sản xuất (Xanh Lùn, Hữu Thiên, Dây Tròn, Ea Tar), 5 dòng cà phê vối triển vọng; thu thập được 5 vật liệu giống cà phê chè...

Cùng với đó, Viện cũng đã hoàn thiện các các gói kỹ thuật sản xuất cà phê chất lượng cao như: quy trình canh tác theo hướng cơ giới hóa; quy trình xử lý cận thu hoạch và sau thu hoạch...

Hiện nay, diện tích cà phê chất lượng cao của dự án khoa học công nghệ khoảng 9.050ha.

Qua nghiên cứu, năng suất và chất lượng cao hơn so với diện tích đối chứng khoảng 10%, chủ yếu do giống năng suất cao hơn.

 Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo cần phát triển vùng sản xuất cà phê chất lượng; tiếp tục lai tạo, chọn lọc các giống mới chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu giống cà phê chất lượng cao giai đoạn tiếp theo; áp dụng các kỹ thuật canh tác mới nâng cao chất lượng cà phê...
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, hiện nay, tỉnh có khoảng 208 nghìn ha cà phê sản lượng hơn 476 nghìn tấn. Do nhiều vườn cà phê đã già cỗi, năng suất thấp nên trong giai đoạn (2014 – 2020) tỉnh Đắk Lắk đã tái canh được hơn 35 nghìn ha.

Diện tích cà phê tái canh chủ yếu được trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy được tiềm năng về năng suất và chất lượng cà phê nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Vì vậy, để phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao thì thời gian tới cần tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch tái canh các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, chấp lượng kém.

Trong tái canh có thể tái canh từng phần không nhất thiết phải tái canh đồng loạt; tiếp tục thực hiện chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2021 – 2025, bình quân mỗi năm tái canh khoảng 4.000ha, đảm bảo 100% diện tích tái canh được sử dụng giống tốt và áp dụng đúng quy trình tái canh.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định thông qua liên kết với nông dân; khắc phục tình trạng thiếu thông tin, thiếu tính liên kết và không đồng thuận giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm giảm tình trạng tranh mua, tranh bán gây bất lợi cho xuất khẩu...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đưa cà phê vào danh mục sản phẩm thuộc chương trình sản phẩm quốc gia là sự quan tâm rất là lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành hàng này.

 Việc thực hiện Đề án phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao đã được nhiều kết quả tích cực trong công tác chọn tạo giống mới, áp dụng kỹ thuật trong canh tác, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm chế biến đến khâu tổ chức sản xuất.

Năng suất cà phê đã tăng nhanh, đến nay, bình quân là gần 2,8 tấn/ha; tỷ lệ cà phê chế biến sâu đạt 12% (năm 2020) tăng 5% so với 5 năm trước. Sản phẩm cà phê qua chế biến cũng đa dạng hơn, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu kể cả vào những thị trường khó tính trên thế giới.

Chương trình đã giúp cho doanh nghiệp, người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cà phê, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất cà phê; đồng thời giúp hình thành nên các chuỗi ngành hàng, tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân; xây dựng được các thương hiệu cà phê...
Để tiếp tục phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh yêu cầu các đơn vị có liên quan cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý cho thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2030.

Đẩy mạnh tuyên tuyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển cà phê chất lượng cao, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, rà soát, đa dạng hóa các sản phẩm cà phê Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường đối với từng loại sản phẩm (sản phẩm cà phê nhân qua sơ chế, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm phụ) nhằm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nêu cao vị trí cốt lõi của doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm cà phê chất lượng cao.

Đặc biệt phải quan tâm đến công tác nghiên cứu các giống cà phê chất lượng cao, quản lý nguồn giống tốt; chuẩn hóa các quy trình canh tác, ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung vào khâu chế biến sâu../.