Theo Kinh tế và Tiêu dùng
Giá gạo Việt Nam cao nhất trong khoảng một thập kỉ
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 11/2020, ước đạt 370.000 tấn gạo, với 198 triệu USD, so với tháng 11/2019 tăng 1,21% về lượng và tăng 17,5% về giá trị.
Tính chung 11 tháng, sản lượng xuất khẩu ước đạt hơn 5,7 triệu tấn gạo, trị giá hơn 2,8 tỉ USD, so với cùng kì năm 2019 giảm 2,52% về lượng nhưng tăng hơn 10% về giá trị xuất khẩu.
Trao đổi với người viết, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng sản lượng gạo xuất khẩu tuy giảm nhưng kim ngạch thu về vẫn tăng so với năm trước và năm 2020 là năm thành công của ngành gạo Việt Nam.
"Năm nay mặc dù chúng ta bị mất mùa trong vụ Đông Xuân và Hè Thu nhưng lại là năm được giá với mức giá cao nhất trong khoảng 10 năm nay. Đây có thể nói là thành công và cơ hội cho năm tới mở rộng đầu tư, sản xuất thuận lợi hơn", ông Nam nhận định.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giá xuất khẩu gạo trong tháng 11/2020 đạt bình quân 534 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 10/2020 và tăng 16% so với cùng kì năm 2019.
Trong 11 tháng năm 2020, gạo cũng là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, tăng 13% so với cùng kì năm 2019, đạt bình quân 496 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam tính đến ngày 25/11 dao động ở mức 495 – 500 USD/tấn, cao hơn so với các nhà cung cấp khác trong khu vực như Thái Lan 475 – 485 USD/tấn hay Ấn Độ 366 – 370 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng có ba nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam tăng cao như hiện nay.
Thứ nhất, người nông dân Việt Nam đã thay đổi qui trình sản xuất từ lượng sang chất, dẫn đến chất lượng gạo Việt Nam đã tăng cao rõ rệt và người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới đã tin dùng hơn. Điều này được chứng minh ở cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam.
"Cơ cấu gạo thơm chất lượng cao hàng năm tăng đều đều với tỉ lệ tăng nhiều, còn gạo cấp thấp ngày càng giảm", ông Bình nhấn mạnh.
Thứ hai là Việt Nam đã kí nhiều hiệp định thương mại mang tầm chiến lược lớn như CPTPP, EVFTA đã tạo điều kiện cho gạo Việt Nam bứt phá, trong đó việc thuế suất giảm bằng 0 đã tạo sức cạnh tranh tốt cho Việt Nam.
Và thứ ba, năm 2020 với tình hình dịch COVID-19 làm suy giảm nhiều ngành nhưng nhu cầu với ngành lương thực thực phẩm vẫn tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân các khách hàng vẫn cần gạo Việt Nam.
Đồng quan điểm, theo ông Đỗ Hà Nam, về cơ chế thị trường, khi giá tăng cao như vậy người nông dân sẽ mở rộng sản xuất. Đáng chú ý, năm nay một số loại gạo thơm đã được đầu tư tốt hơn, dẫn đến xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao và thị trường tiêu thụ cũng tốt hơn.
Đánh giá về diễn biến giá gạo của Việt Nam trong năm 2020, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giá gạo Việt Nam có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao khi nguồn cung sụt giảm trong ngắn hạn do đã kết thúc vụ thu hoạch lúa hè thu nhưng vì ngập lụt ở ĐBSCL đã làm chậm tiến độ thu hoạch vụ Thu Đông.
Một nguyên nhân khác là thương hiệu gạo Việt đang dần được nâng tầm, nhờ nỗ lực giảm lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và gạo ST25 được công nhận “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”.
Giá gạo Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp đà tăng?
Đại diện VFA cho hay giá gạo hiện nay đang tăng đột biến do Philippines mở cửa nhập khẩu trở lại, trong khi Việt Nam đang ở cuối vụ, lượng gạo đã gần hết nên nguồn hàng thời gian tới sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu và giá gạo sẽ tiếp tục tăng.
Đây cũng là dự báo của ông Phạm Thái Bình khi cho rằng giá gạo sẽ còn tiếp tục cao trong năm 2021 vì tình hình COVID-19 vẫn rất phức tạp.
"Với ngành hàng lương thực thực phẩm, đây vẫn là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, vì thế gạo Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới", ông Bình nhận định.
Bên cạnh đó, đại diện Công ty Trung An cho rằng người nông và doanh nghiệp sản xuất đã tập trung sâu cho vấn đề chất lượng chứ không còn chạy theo số lượng.
"Ngay tại Trung An, vụ đông xuân 2020/2021 đang được xuống giống sẽ không dùng thuốc bảo vệ thực vật trên diện rộng, tức là loại hẳn thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất ra khỏi đồng ruộng. Và nhiều đơn vị khác cũng thực hiện, người nông dân cũng đồng tình tham gia.
Rõ ràng Việt Nam càng ngày càng tập trung vào chất lượng, gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong năm tới và sẽ tăng về đúng giá trị thật", ông Bình dự báo.
Phân tích rõ hơn về giá trị của hạt gạo Việt Nam, đại diện doanh nghiệp này cho rằng không phải quốc gia nào cũng có cánh đồng phì nhiêu và con người nhiều kinh nghiệm trồng lúa như Việt Nam. Đặc biệt người nông dân ngày càng chú trọng hơn về chất lượng thì giá trị hạt gạo sẽ phải cao hơn.
"Các nước khác như Nhật, Hàn Quốc họ nhập khẩu gạo về bán được giá 2.000 - 3.000 USD thì tại sao gạo Việt Nam có chất lượng tốt không bán được như thế", ông chia sẻ và nhận định rằng mức tăng cao của giá gạo hiện nay chỉ là tăng so với chính Việt Nam còn so với các nước thì mức 500 USD/tấn vẫn là hàng giá thấp.
Trong khi đó, theo nhận định của VDSC nhiều khả năng sản lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ sẽ tăng trưởng trong năm 2021, do đó giá gạo Việt có thể sẽ giảm nhẹ.
Lí giải cho nhận định này, VDSC cho hay hạn hán đã kết thúc và lượng mưa lớn hiện đang giúp nền nông nghiệp Thái Lan phục hồi, cùng với việc ngành lúa gạo Ân Độ đang có một năm “bội thu” nên sản lượng xuất khẩu của cả hai nước dự kiến sẽ tăng thêm 1 triệu tấn trong năm 2021.
Năm 2020, giá gạo Việt Nam tăng một phần đến từ việc nhu cầu gạo Việt tăng trong bối cảnh nguồn cung Thái Lan sụt giảm và gián đoạn xuất khẩu gạo Ấn Độ do thiếu hụt nguồn nhân lực. Vậy nên, khi hoạt động xuất khẩu của hai nước trên ổn định trở lại sẽ phần nào sẽ làm giá gạo Việt Nam sụt giảm.
Đáng chú ý, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đã nhận thông báo về việc Bộ Nông nghiệp Philippines công bố dự thảo Thông tư về “Các biện pháp quản lí an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo”.
Thông tư này nhằm siết chặt chất lượng gạo nhập khẩu, trong khi hoạt động sản xuất gạo của nước ta chưa thực sự “chuyên nghiệp”, nên các công ty nhỏ khó kịp thích nghi.
Dự kiến, sản lượng xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ sụt giảm khi Chính phủ nước này thông qua Thông tư trên. Sản lượng thiếu hụt nhiều khả năng sẽ được Chính phủ Philippines bù đắp thông qua các nguồn cung gạo khác như Thái Lan, Cambodia và Myanmar.
Ngoài ra, đại diện Công ty Trung An còn lưu ý một vấn đề tồn tại của ngành hàng lúa gạo Việt Nam và là yếu điểm cần được quan tâm khắc phục để hạt gạo Việt Nam có thể tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Đó là có một số doanh nghiệp vẫn chạy theo số lượng, thường xuyên hạ giá thành để giành khách hàng với nhau, các doanh nghiệp này không tập trung vào chất lượng, sản xuất không bền vững", ông Bình chia sẻ.