Nguồn:Nongnghiep.vn
Từ những hiệu quả mà VnSAT mang lại cho người trồng cà phê, ngành nông nghiệp ở Đăk Nông, Lâm Đồng mong dự án tiếp tục triển khai, mở rộng đối tượng tham gia.
VnSAT giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất và lợi nhuận
Sau 5 năm triển khai, dự án VnSAT Đắk Nông đã đạt những kết quả rõ rệt, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành hàng cà phê ở địa phương.
Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Nông cho hay, toàn tỉnh Đăk Nông có khoảng 130 nghìn ha cà phê, trong đó, dự án triển khai trên diện tích 106 nghìn ha (chiếm đến 80% diện tích toàn tỉnh).
Dự án thực hiện ở 6 huyện và thành phố Gia Nghĩa đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi phương thức sản xuất cũ, tăng cao năng lực sơ chế, chế biến.
Hiện nay, dự án đã hỗ trợ, thành lập được khoảng 57 tổ chức nông dân gồm các Hợp tác xã và Tổ hợp tác. Đồng thời mở các lớp đào tạo, tập huấn cho trên 11.000 người, tương đương với diện tích trên 15.000ha cà phê sản xuất bền vững.
VnSAT tại đây cũng hỗ trợ về các hoạt động cho 11 tổ chức nông dân như đào tạo, tập huấn, xây dựng cơ sở hạ tầng nhà kho, sân phơi, đường điện, máy móc thiết bị giúp các tổ chức này hoạt động hiệu quả, góp phần tăng giá trị trên diện tích sản xuất đối với cà phê.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Nông, sau quá trình triển khai, dự án đã có những tác động tích cực, giúp nông dân sản xuất hiệu quả và tăng lợi nhuận.
Các đánh giá của dự án cho thấy, lợi nhuận của những mô hình được sự hỗ trợ tăng 13-14% so với mô hình ngoài dự án. Quan trọng hơn, qua công tác tập huấn, đào tạo kỹ thuật, người dân nhận thức rõ hơn về phương thức canh tác khoa học và phổ biến kiến thức này ra cộng đồng.
Tại Lâm Đồng, dự án được triển khai trên phạm vi 8 huyện, thành phố. Địa phương này hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích cà phê với trên 174.000ha (sau Đăk Lăk) và là địa phương đứng đầu cả nước về năng suất, sản lượng.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT Lâm Đồng năng suất cà phê ở địa phương đạt khoảng 31,3 tạ/ha, sản lượng đạt trên 515.000 tấn. Ở địa phương này, cà phê vối (Robusta) chiếm 92,15%, cà phê chè (Arabica) chiếm 7,85%.
Ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) các mô hình tưới phun sương tại gốc giúp nông dân trồng cà phê tiết kiệm nước, giảm chi phí sản xuất. Ảnh: M.H.
Ông Nguyễn Phùng Hạnh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Lâm Đồng cho hay: Lâm Đồng tham gia dự án và triển khai thực hiện hợp phần C – Phát triển cà phê bền vững với mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân và giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua các biện pháp canh tác bền vững.
Quy mô dự án triển khai là 16.500ha cà phê và 15.000 hộ nông dân tham gia với tổng vốn trên 9 triệu USD (tương đương 197,3 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay ngân hàng thế giới khoảng 124,2 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương 35,8 tỷ đồng và vốn tư nhân là 37,4 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2015-2020, dự án triển khai trên địa bàn 8 huyện/thành phố.
Cũng trong giai đoạn này, có khoảng 41 tổ chức nông dân tham gia dự án, trong đó có 7 hợp tác xã và 34 tổ hợp tác với tổng diện tích trên 5.800ha cà phê. Theo đại diện dự án VnSAT Lâm Đồng, phần lớn các tổ hợp tác đều do dự án thành lập mới, còn lại 6/7 hợp tác xã đã hoạt động trước khi có dự án thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Lâm Đồng chia sẻ, thông qua dự án, người nông dân đã thay đổi cơ bản về nhận thức. Trước đây, người dân làm theo thói quen, mang tính chất tự phát.
“Thấy hộ bên cạnh làm có kết quả thì cũng làm theo. Hiện nay, do được trải qua nhiều lớp tập huấn nên bà con ý thức được vườn cây canh tác như thế nào, áp dụng giống nào và tưới bón ra làm sao để đảm bảo được môi sinh, môi trường mà tăng hiệu quả kinh tế”, ông Minh thổ lộ.
Hiệu quả cao, lan tỏa lớn, cần được mở rộng
Đánh giá về dự án, bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Nông cho rằng, VnSAT triển khai ở địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt và rất được người dân ủng hộ.
Cơ sở hạ tầng, nhà kho, sân phơi được đầu tư, hỗ trợ nên người trồng cà phê ở Tây Nguyên có cơ hội phát triển chế biến. Ảnh: M.H.
“Chúng tôi mong muốn dự án được kéo dài vì đã góp phần làm thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp của người dân. Tỷ lệ người được đào tạo, có nhận thức ngày càng cao và đang dần được lan tỏa.
Hợp phần hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhà kho, máy sơ chế, đường nội đồng cho các hợp tác xã được triển khai đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, giúp người dân di chuyển thuận lợi”, bà Tình chia sẻ.
Các sản phẩm cà phê của bà con nông dân làm ra được sơ chế, bảo quản đúng định góp phần nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm.
“VnSAT cũng quan tâm đến việc xây dựng tương lai, góp phần nâng cao giá trị ngành hàng cà phê như xây dựng các điểm du lịch cảnh quan gắn với sản xuất cà phê để tạo sức hút với các du khách, khách hàng.
VnSAT mang lại hiệu quả cao nên chúng tôi mong muốn dự án được kéo dài. Ngoài chương trình sản xuất cà phê bền vững, chúng tôi mong muốn dự án mở rộng ra các hoạt động khác đối với cây hồ tiêu, điều, các loại cây ăn trái khác ở địa hương.
Mong dự án tiếp tục hỗ trợ cho các tổ chức nông dân về cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng để việc giao thông, sản xuất thuận lợi hơn”, bà Nguyễn Thị Tình nêu kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, ở địa phương, dự án VnSAT được phê duyệt từ năm 2015 và bắt đầu triển khai từ năm 2016. Trong những năm gần đây, dự án đã có nhiều hỗ trợ cho ngành hàng cà phê của địa phương.
Ông thổ lộ: “Đây là dự án có quy mô, vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển ngành hàng cà phê tỉnh Lâm Đồng, nâng cao sản xuất cà phê bền vững. Hiện nay, diện tích cà phê của tỉnh khoảng 174.000 ha và diện tích thuộc phạm vi dự án là 16.000ha. Đây là diện tích được xây dựng những mô hình điểm và trên cơ sở đó làm lan tỏa ra ngoài phạm vi vùng dự án”.
Từ hiệu quả mô hình VnSAT mang lại, chính quyền nhiều địa phương kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện dự án. Ảnh: M.H.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Châu, dự án đã mang lại hiệu quả rất lớn và người dân được hưởng lợi nhiều. Diện tích áp dụng quy trình canh tác mới, tưới tiết kiệm được mở rộng. Các hạng mục như đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông vào các vùng sản xuất cà phê giúp bà con thu hái, vận chuyển cà phê thuận tiện.
Đối với hợp phần hỗ trợ kỹ thuật, hợp phần này đã giúp bà con nông dân canh tác một cách bền vững, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận khi sản xuất. Góp phần thay đổi tập quán sản xuất của bà con, hướng tới sản xuất bền vững.
“Hiện dự án đã được Chính phủ gia hạn đến tháng 6/2022 và đây là tin vui đối với bà con nông dân Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Mong rằng Bộ NN-PTNT sớm triển khai các thủ tục để hướng dẫn các địa phương thực hiện các thủ tục điều chỉnh kế hoạch tổng thể dự án và triển khai một cách sớm nhất”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu nêu kiến nghị.
Ông Lê Văn Điệp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Mil (Đăk Nông):
Dự án VnSAT đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành hàng cà phê ở địa phương. Giúp người dân thay đổi tư duy, nâng cao kỹ thuật canh tác, sơ chế, chế biến. Do vậy, khi kết thúc thời gian theo hiệp định, huyện mong các cấp xem xét để dự án tiếp tục được triển khai, hỗ trợ hơn nữa cho người trồng cà phê, đặc biệt hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực chế biến, bảo quản.