Theo Kinh tế và Tiêu dùng
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 3,52 triệu tấn gạo, tương đương 1,72 tỉ USD, giá trung bình 487,6 USD/tấn, tăng cả về lượng, giá và kim ngạch so với cùng kì năm 2019, với mức tăng tương ứng 5%, 13% và 18,6%.
Trong khi đó, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, trong nửa đầu năm nước này chỉ xuất khẩu được 3,14 triệu tấn gạo, giảm 1/3 về lượng so với cùng kì năm trước và giảm 12% về giá trị, chỉ còn 2,2 tỉ USD.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm xét về khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đang vượt Thái Lan, nhưng kim ngạch thu về lại ít hơn.
Giải thích cho đà tăng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu Thái Lan trong tháng 6/2020 đã tăng nhẹ so với tháng 5/2020 do tỉ giá đồng Baht tăng và có sự thiếu hụt nguồn cung do hạn hán.
Tình trạng giá tăng cao đã khiến gạo Thái Lan trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia xuất khẩu chính khác như Ấn Độ và Việt Nam. Giá bán 1 tấn gạo Thái Lan cũng đang cao hơn từ 30 - 80 USD so với gạo của Việt Nam.
Trong khi đó, gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm nhẹ do tỉ giá đồng Rupee giảm và nhu cầu đặt hàng từ các đối tác nước ngoài đang chững lại. Bên cạnh đó, diễn biến dịch COVID-19 khó lường khiến chính phủ Ấn Độ khó có thể gỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn, nên kéo dài tình trạng thiếu hụt lao động logistics.
Hiện Philippines vẫn đang là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam chiếm 39% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 36,9% trong tổng kim ngạch, đạt 1,38 triệu tấn, tương đương 634,26 triệu USD, giá 460,9 USD/tấn, tăng 12,9% về lượng, tăng 30% về kim ngạch và tăng 15,2% về giá so với cùng kì năm 2019.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm gần 13% trong tổng lượng và chiếm gần 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 457.538 tấn, tương đương 274,37 triệu USD, giá trung bình 599,5 USD/tấn, tăng mạnh 58,5% về lượng, tăng 88,9% về kim ngạch và tăng 19,2% về giá so với cùng kì.
Xuất khẩu sang Malaysia giảm 5,2% về lượng nhưng tăng 11,7% về giá và tăng 5,9% kim ngạch so với cùng kỳ, với 342.417 tấn, tương đương 146,76 triệu USD, giá 428,6 USD/tấn chiếm gần 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam đang được mở ra khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được Quốc hội thông qua.
Trong đó, cam kết cụ thể EU dành cho Việt Nam là hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hoá hoàn với gạo tấm. Sau 3 - 5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.