Theo Thời báo Kinh doanh
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) - một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu gạo, đang rất lo lắng về đầu ra của doanh nghiệp trong những tháng tới. Hiện nay, thị trường lúa gạo trên thế giới rất trầm lắng, nhu cầu giảm mạnh so với những tháng đầu năm.
'Ế ẩm' đầu ra
Ông Bình cho hay CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chủ yếu xuất khẩu gạo ở phân khúc cấp cao nên còn có một số đơn hàng. Với những doanh nghiệp xuất khẩu gạo cấp thấp có thể nói là đang rất khó khăn, hầu hết đơn hàng đều bị từ chối.
|
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết đầu ra rất khó khăn trong những tháng tới (Ảnh: TL)
|
Lý do các khách hàng từ chối đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam là họ đã nhập đủ lượng gạo dự trữ. Đồng thời, sau thời gian lo lắng vì dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng tới an ninh lượng thực, đến nay nhiều nước đã nhận ra rằng nguồn cung lương thực trên thế giới vẫn dồi dào. Vì vậy, họ không sốt sắng trong vấn đề nhập lương thực như những tháng đầu năm.
Tuy vậy, Tổng giám đốc Trung An thẳng thắn cho rằng, thị trường gạo trầm lắng một phần do dịch Covid-19, nhưng một phần cũng là vì chính chúng ta tự làm khó mình. Có thể nói vụ việc đột ngột tạm dừng xuất khẩu gạo đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không chỉ mất đi cơ hội mà đang gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
"Trong mua bán, uy tín rất quan trọng. Người ta ký hợp đồng với mình nhưng đột nhiên mình lại trả lời không thể giao hàng cho họ ngay. Điều đó khiến họ nghĩ rằng một cường quốc lúa gạo mà còn lo lắng như vậy nên họ nhanh chóng tìm nguồn cung lương thực từ nước khác thay thế. Đấy là chưa kể đến chuyện họ bức xúc vì bị bội tín", ông Bình nói.
Theo ông, nếu thị trường lúa gạo vẫn tiếp tục ảm đạm như vậy không biết đầu ra của vụ lúa Hè Thu sẽ thế nào. Hiện nay, giá thóc ở vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước là Đồng bằng Sông Cửu Long đang giảm mạnh.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho biết, thị trường xuất khẩu gạo đang chững lại. Lúc cao điểm của đại dịch Covid-19, các nước tăng nhập gạo để dự trữ, không chỉ mua của Việt Nam mà còn từ nhiều nước với số lượng lớn. Thế nên mới có chuyện giá gạo tăng rất tốt trong thời gian qua nhưng nay đang giảm sâu. "Chúng tôi đang lo mấy tháng tới không biết bán gạo cho ai", ông nói.
Được biết, mới đây, Tổng công ty Thương mại quốc tế Philippines (PITC) – đơn vị đại diện cho Chính phủ Philippines đã hủy bỏ toàn bộ kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo theo cơ chế liên Chính phủ (G2G) với các đối tác, bao gồm cả Việt Nam.
Trong thông báo đưa ra ngày 26/6, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines, ông Ramon M. Lopez, cho biết kế hoạch nhập khẩu gạo nói trên ban đầu được đưa ra dựa trên những đánh giá tiêu cực về nguồn cung trên thị trường quốc tế, sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ (từ tháng 3 - 5/2020) khiến một số nước xuất khẩu gạo lớn kiềm chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dòng chảy gạo thế giới đã bình thường trở lại. Nguồn cung gạo trong nước của Philippines ở thời điểm này cũng đã được đảm bảo. Lâu nay, nước này là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, điều đó có nghĩa ngành lúa gạo Việt Nam sắp tới sẽ cực kỳ khó khăn.
Gạo chất lượng mới xuất được sang EU
Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được xem là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, việc tận dụng được thế nào vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ.
Bộ Công Thương cho biết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, các lô hàng gạo thơm thuộc diện hạn ngạch thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường EU, để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được hưởng ưu đãi theo hạn ngạch thuế quan của EVFTA.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đang phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn quy trình đăng ký giấy chứng nhận này để ban hành ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết doanh nghiệp này đã xuất khẩu gạo sang EU từ nhiều năm nay. Vì vậy, EVFTA là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp, giúp gạo Việt Nam cạnh tranh tốt với các "đối thủ" tại thị trường EU.
Song, ông Bình mong muốn, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo, cấp C/O..., đừng để doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu vào EU nhưng lại bị mất vì chậm trễ đáp ứng những thủ tục trên.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố tiên quyết để gạo Việt Nam chinh phục thị trường EU là chất lượng. Để đáp ứng điều này cần sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp với nông dân. Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc CTCP kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, cho rằng Nhà nước cần phải hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam; để gạo Việt Nam không chỉ bán với giá 300-400 USD/tấn, mà lên 1.000 USD/tấn.