Theo Bloomberg, trong tháng 11, khối lượng cà phê hòa tan xuất khẩu của Brazil sang Đông Nam Á cao hơn 4,4% so với cùng kì năm 2018.
Vụ mùa cà phê robusta tại Brazil bội thu cùng với đồng real mất giá đã tạo lợi thế về chi phí xuất khẩu trong năm 2019.
Cụ thể, đầu năm ngoái, chi phí nguyên liệu thô sản xuất cà phê hòa tan của Brazil thấp hơn 5% so với Việt Nam. Sau đó, mức chênh lệch này được nâng lên khoảng 15%.
“Brazil sẽ không ngừng hạ giá thành sản xuất. Đồng thời, nhu cầu cà phê hòa tan tại thị trường Đông Nam Á cũng đang tăng”, ông Guimaraes, giám đốc thương mại tại công ty sản xuất cà phê hòa tan Cia Cacique de Cafe Soluve nhận định.
Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, đang phải chứng kiến kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm khoảng 3% trong năm 2019.
Trong khi đó, Brazil, quốc gia được ví là “ông vua” cà phê arabica, đang được đánh giá nhiều khả năng sẽ vượt Việt Nam về cả mặt hàng cà phê robusta, chuyên gia phân tích Carlos Mera nhận định.
Cà phê robusta là nguyên liệu chính để sản xuất cà phê hòa tan do chi phí rẻ hơn so với dùng cà phê arabica.
Các nhà sản xuất của Brazil đang nhanh chóng áp dụng công nghệ mới giúp thúc đẩy sản xuất, ông Carlos Mera cho biết.
Tại bang Rondonia, diện tích trồng cà phê robusta đang tăng mạnh với năng suất khoảng 200 - 300 bao/ha (mỗi bao 60 kg), ông Mera cho hay.
Nguồn tưới tiêu dồi dào cũng góp phần thúc đẩy sản lượng. Trong khi đó, số lượng cây cà phê lâu năm chỉ đạt được năng suất 50 bao/ha.
Thị trường Đông Nam Á chiếm khoảng 20% lượng cà phê xuất khẩu của Brazil. Trong đó, Indonesia và Myanmar nhập khẩu cà phê hòa tan từ Brazil nhiều nhất.
Kể từ năm 2017, khối lượng cà phê hòa tan xuất khẩu sang hai thị trường này tăng lần lượt 30% và 180%.
Tính chung tất cả thị trường, dự kiến lượng cà phê hòa tan xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ đạt khoảng 4 triệu bao, vượt ngưỡng kỉ lục 3,9 triệu bao hồi năm 2016.
Theo Vnbiz