Kỳ 1: Nhìn từ hoạt động sản xuất cà phê
Với Đắk Lắk, cây cà phê luôn chiếm ngôi vị “số 1” trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là trong ngành nông nghiệp nhờ những giá trị mà nó mang lại hằng năm trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu.
Ngôi vị “số 1”
Theo đánh giá của Sở NN - PTNT, đến nay diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh đã chạm con số gần 205.000 ha, chiếm khoảng 42% diện tích cà phê của khu vực Tây Nguyên và hơn 32% diện tích cà phê của cả nước với sản lượng hằng năm đạt từ 450.000 – 490.00 tấn (nhân). Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm đến 86% kim ngạch xuất khẩu từ các sản phẩm nông sản nói chung, đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách hằng năm của tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất cà phê ở đây còn giải quyết việc làm cho hơn 350.000 lao động trực tiếp và hơn 120.000 lao động gián tiếp. Đời sống của hàng vạn nông hộ trồng cà phê trong tỉnh ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực và bền vững hơn.
|
Thu hoạch cà phê đặc sản tại buôn Ko Tam, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). |
Do có vị thế như vậy nên mọi người, mọi nhà nỗ lực đầu tư cho loại cây trồng này trên mọi phương diện: quy mô sản xuất, năng suất, sản lượng lẫn chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy hơn 20 năm qua, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đã phát triển không ngừng, từ trên dưới 120.000 ha của những năm 1995 -1996, đến nay đã tăng gần gấp đôi, chiếm hơn 70% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày và gần 33% tổng diện tích gieo trồng của tỉnh. Theo đánh giá của Phòng Trồng trọt, chăn nuôi (Sở NN – PTNT), để bảo đảm cho sự phát triển bền vững và hiệu quả từ loại cây trồng này mang lại là một loạt vấn đề đặt ra và cần quan tâm – từ quy hoạch, sản xuất, công nghệ, chế biến… cho đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công – nông nghiệp đính kèm đều phải được tính toán một cách đầy đủ, khoa học và phù hợp.
Từ nhìn nhận và đánh giá trên, thời gian qua các cấp, ngành liên quan đã tích cực vào cuộc và đưa ra nhiều giải pháp nhằm khẳng định ngôi vị “số 1” cho cây cà phê Đắk Lắk. Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch đến năm 2020, diện tích cà phê ổn định từ khoảng 180.000 ha, sản lượng 430.000 – 450.000 tấn/năm; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi để bảo đảm nguồn nước tưới cho khoảng 40 - 45% diện tích cà phê được quy hoạch; tăng cường mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để thúc đẩy, phát triển cây cà phê ở đây theo hướng gia tăng chuỗi giá trị như một ngành hàng quan trọng, chiến lược.
Còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, khi nhìn vào đời sống sản xuất cà phê ở đây vẫn còn bộc lộ những bất cập. Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, trước hết là việc quy hoạch loại cây trồng này hiện đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát, kéo theo nhiều hệ lụy nảy sinh, trong đó nguồn nước tưới là câu chuyện nóng bỏng và thường xuyên nhất.
Đến nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn Đắk Lắk phục vụ nguồn nước tưới cho cây cà phê chỉ đáp ứng cho khoảng 50.000 ha, chiếm 25% diện tích, còn lại phải sử dụng nước tưới từ giếng đào, giếng khoan và bơm trực tiếp từ sông, suối. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguồn nước này hiện cũng đang sụt giảm nhanh chóng do những tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó có nắng nóng và hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt khiến nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất cà phê, nhất là diện tích cà phê ngoài quy hoạch trở nên nghiêm trọng. Hàng chục nghìn héc-ta cà phê bị khô héo, mất trắng hoặc ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, chất lượng sản phẩm vì thiếu nước tưới trong mùa khô hằng năm là tình cảnh mà người làm cà phê phải thường xuyên đối mặt và hứng chịu trong 10 năm trở lại đây đã cho thấy sự bất cập trong việc quản lý, quy hoạch và phát triển cây cà phê theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như đã và đang xảy ra.
|
Người dân Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê. |
Một bất cập nữa là cơ cấu diện tích cà phê ở Đắk Lắk còn quá manh mún và tự phát. Đến nay chỉ có hơn 10% diện tích cà phê do các doanh nghiệp quản lý, gần 90% diện tích còn lại do các hộ cá thể làm chủ với quy mô trung bình 0,8 - 1 ha/hộ. Vì vậy, để triển khai đồng bộ những tiến bộ khoa học – kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê từ khâu sản xuất, thu hoạch đến chế biến, xuất khẩu còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có gần 80% diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh được người dân trồng bằng giống cây thực sinh, chứ không qua chọn lọc và sự kiểm nghiệm khoa học nào của cơ quan chuyên môn. Vì vậy, năng suất cà phê không cao, kích thước hạt nhỏ, không đồng đều và dễ bị nhiễm bệnh. Đặc biệt là vấn nạn người sản xuất đã quá lạm dụng bón phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng... với hàm lượng lớn nhằm đạt năng suất tối đa, đã không những làm cho cây cà phê nhanh chóng bị kiệt sức, mà còn làm cho môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, khó phục hồi để cân bằng sinh thái và phát triển bền vững trong tương lai.
Để bảo đảm nước tưới cho cây cà phê, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án Phát triển thủy lợi trong vùng cà phê bền vững giai đoạn 2015 -2020, định hướng đến năm 2025 với tổng nguồn vốn 15.310 tỷ đồng. Với đề án này, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2020, diện tích cà phê được tưới chủ động từ các công trình thủy lợi tăng thêm 40%, tương ứng với diện tích gần 74.000 ha. (Báo cáo của Sở NN - PTNT) |
(Còn nữa)
Nguồn: baodaklak.vn