Dang Kang là xã vùng 3 của huyện Krông Bông, dân số 6.680 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 56,7%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 46%. Từ năm 2000 về trước, nông dân xã Dang Kang chủ yếu canh tác cây lương thực, hoa màu và chăn nuôi đại gia súc, song chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao do năng suất thấp, diện tích đất chăn thả đại gia súc bị thu hẹp, nguồn thu nhập từ chăn nuôi giảm mạnh.
Nhờ sự hỗ trợ tư vấn từ Viện Khoa học Kĩ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và dự án tái canh cây cà phê NESCAFÉ Plan, bà con nông dân xã Dang Kang mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng sắn, ngô lai và hoa màu khác sang trồng cây cà phê và bước đầu cho thấy kết quả khả quan. Nếu như trước đây (năm 2000) chỉ có một số ít hộ trồng cà phê trên diện tích đất đỏ ba zan tại thôn 3 và các buôn Cư Ea Num A, Cư Păm... với khoảng 120 ha thì đến nay tổng diện tích cà phê trong toàn xã là 1.290 ha, năng suất trung bình đạt 3,5 tấn nhân/ha.
Nông dân ở xã Dang Kang, huyện Krông Bông chăm sóc vườn cà phê
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Hữu Nghĩa (thôn 1) đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất vùng triền đồi trước đây chủ yếu trồng đậu, sắn, ngô lai không mang lại hiệu quả kinh tế sang trồng cà phê vào năm 2002. Hiện nay, trung bình mỗi năm vườn cà phê của gia đình anh thu hoạch được 7 tấn cà phê nhân, sau khi trừ chi phí có thu nhập khoảng 200 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng cây hoa màu trước đây. Nguồn thu từ cà phê đã giúp gia đình anh thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang hơn.
Với gần 3 ha đất rẫy được gia đình ông Châu Công Sơn (thôn 3) chủ yếu trồng cây lương thực và hoa màu, nhưng năng suất thấp, giá cả không ổn định nên gia đình ông mãi không thoát được nghèo. Năm 1999, ông quyết định chuyển đổi 2,5 ha đất đỏ bazan sang trồng cà phê. Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng nên cây cà phê sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, trung bình với mỗi năm đạt khoảng 10 tấn nhân, mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Chính cây cà phê đã đưa gia đình ông từ một hộ nghèo trở thành hộ có mức thu nhập khá tại địa phương.
Theo anh Y Kelep Byă, cán bộ nông nghiệp xã Dang Kang, nhiều hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã cũng đã chuyển đổi sang trồng cà phê. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cà phê đạt khá cao; cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể. Nhờ thu nhập từ cây cà phê mà nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện và đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, có thêm nhiều điều kiện để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học.
Đánh giá về mô hình chuyển đổi này, ông Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Dang Kang cho biết, nhờ mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng cây lương thực và hoa màu sang trồng cây cà phê, đời sống của bà con nhân được nâng lên rõ rệt, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.
Theo Daklak.gov.vn