Tham dự hội nghị có Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, các Sở NN- PTNT, Ban quản lý dự án VnSAT của 5 tỉnh Tây Nguyên, các Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)...
|
Quang cảnh Hội nghị |
Dự án "Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" (VnSAT), với tổng số vốn tương đương 301 triệu USD, bao gồm 237,292 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), 28,788 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ, 35 triệu USD từ vốn tư nhân. Dự án được thực hiện từ năm 2015- 2020 tại 13 tỉnh gồm 5 tỉnh vùng Tây Nguyên và 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Đối với ngành hàng cà phê, dự án tập trung vào các hoạt động chính như tập huấn cho nông dân về canh tác cà phê bền vững; xây dựng mô hình sản xuất, tái canh cà phê bền vững; xây dựng mô hình tưới tiết kiệm trên cây cà phê; xây dựng cơ sở giao thông nội đồng phục vụ sản xuất; hỗ trợ thành lập các HTX và tổ hợp tác; đào tạo năng lực người đứng đầu các HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ nâng cấp vườn ươm cây giống cà phê.
Với mục tiêu đào tạo, tư vấn nông dân giải pháp kỹ thuật trồng cà phê bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán; hình thành các tổ chức nông dân và kết nối, tư vấn nông dân tiếp cận nguồn vốn vay tái canh cà phê; đưa nông dân và doanh nghiệp kết nối và tham gia và chuỗi giá trị ngành hàng cà phê, năm 2016 dự án đã hỗ trợ thiết thực và tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật triển khai được đồng bộ và hiệu quả.
Cụ thể, các tỉnh đã tổ chức được 13 lớp với 355 tiểu giáo viên được đào tạo; đào tạo quy trình sản xuất cà phê bền vững cho tổng số 7.540 nông dân với diện tích 8.632 ha; đào tạo tái canh cà phê cho 3.492 nông dân với diện tích 2.242 ha. Ban quản lý dự án Trung ương thường xuyên tổng hợp danh sách nông dân đã được tập huấn tái canh cà phê gửi tới Ngân hàng BIDV để triển khai hoạt động tín dụng tái canh.
Một số tỉnh xây dựng các điểm trình diễn về tái canh cà phê bền vững như Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Tổng giá trị thực hiện năm 2016 của các đơn vị đạt 30,6 tỷ đồng, trong đó vốn Chính phủ 2,9 tỷ, vốn WB là 27,4 tỷ đồng, tư nhân là 329 triệu đồng. Về giá trị giải ngân năm 2016 tại 5 tỉnh Tây Nguyên là 22,2 tỷ đồng, trong đó vốn WB là 20,1/26,4 tỷ đồng đạt 76% kế hoạch vốn được giao.
|
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp phát biểu tại Hội nghị |
Năm 2017, dự án tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của Trung ương và địa phương xây dựng "Sổ tay hướng dẫn thành lập và hoạt động của tổ hợp tác, HTX phát triển cà phê bền vững" để các địa phương triển khai thống nhất, đồng thời xây dựng Danh sách các Tổ chức nông dân tiềm năng của các địa phương vùng dự án sẽ hỗ trợ thành lập trong thời gian tới.
Tiếp tục nâng cấp thêm 7 vườn sản xuất giống đầu dòng và 7 vườn ươm cho Viện WASI và các đơn vị thuộc Sở NN- PTNT (Trung tâm giống; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…); triển khai các hoạt động đào tạo sản xuất cà phê bền vững và tái canh cà phê gắn với các điểm trình diễn.
Dự kiến cả 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ xây dựng 124 mô hình trong đó 69 mô hình sản xuất cà phê bền vững và 55 mô hình tái canh cà phê bền vững. Song song với việc đào tạo về canh tác cà phê bền vững trên quy mô lớn, các tỉnh cũng sẽ triển khai 53 lớp tập huấn chuyên đề cho đại diện các tổ chức nông dân, vườn nhân giống cà phê tư nhân qua đó nâng cao năng lực cho các tổ chức này.
Ngoài ra, dự án sẽ hướng tới triển khai các hoạt động hỗ trợ hạ tầng trang thiết bị cho 23 tổ chức nông dân đạt được các tiêu chí đề ra. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm: xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng công và mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ sản xuất quy mô nhỏ, hỗ trợ các hệ thống tưới tiết kiệm.
Với gần 1 năm triển khai hoạt động, với mô hình thiết kế đặc thù, dự án hứa hẹn đem đến cho đồng bào khu vực Tây Nguyên một cơ hội tiếp cận mới, góp phần tháo gỡ khó khăn đưa nông dân tham gia vào chuỗi giá trị và kết nối với doanh nghiệp đưa các sản phẩm chất lượng ra thị trường.
Theo Nông nghiệp Việt Nam