Theo doanh nghiệp & kinh doanh
Giá cà phê tăng vọt trở lại
Trên sàn London, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4, giá cà phê robusta giao tháng 5/2025 đứng ở mức 5.263 USD/tấn, tăng gần 10% (467 USD/tấn) so với mức đáy 4 tháng 4.796 USD/tấn ghi nhận hôm 8/4.
Tại sàn New York, giá arabica cùng kỳ hạn cũng bật tăng mạnh 5,9% so với đáy của 2 tháng trước đó, đạt 360,4 US cent/pound.
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp
Thị trường nội địa Việt Nam cũng ghi nhận diễn biến tương tự. Giá cà phê nhân xô tại khu vực Tây Nguyên từ ngày 10/4 đến 15/4 tăng hơn 12.000 đồng/kg (tương đương 10%), lên mức 129.300 – 130.200 đồng/kg. Mức giá này đang tiến gần mốc 133.000 – 135.000 đồng/kg từng được thiết lập trước khi căng thẳng thương mại nổ ra.
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp
Theo Bloomberg, nguyên nhân chính dẫn đến đà giảm giá cà phê trước đó là do Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa từ nhiều quốc gia, trong đó có các nước xuất khẩu cà phê lớn như Brazil, Việt Nam và Colombia.
Điều này làm dấy lên lo ngại chi phí thuế sẽ chuyển sang người tiêu dùng Mỹ, vốn đã chịu áp lực giá tăng cao do sản lượng cà phê toàn cầu sụt giảm.
Tuy nhiên, dưới sức ép từ giới doanh nghiệp và nhà đầu tư, Tổng thống Trump ngày 9/4 đã tạm dừng áp thuế mới trong 90 ngày, giữ nguyên mức thuế cơ bản 10%. Động thái này ngay lập tức tạo hiệu ứng tích cực lên thị trường hàng hóa toàn cầu, trong đó có mặt hàng cà phê.
Công ty giao dịch cà phê I & M Smith Ltd. nhận định: “Diễn biến này mang lại một khoảng thời gian tạm lắng trong căng thẳng thương mại đang diễn ra, vốn đã làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.”
Ngoài ra, giá cà phê còn được hỗ trợ bởi đà suy yếu của chỉ số USD/DXY – hiện đang ở mức thấp nhất trong hơn 3 năm, cùng với lượng tồn kho robusta trên sàn London giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê nhân xanh của nước này trong tháng 3 chỉ đạt 2,95 triệu bao loại 60 kg, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, arabica đạt 2,81 triệu bao, giảm gần 11%; còn robusta chỉ đạt khoảng 138.500 bao – giảm tới 84%.
Hãng tư vấn StoneX cũng vừa hạ dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ sắp tới xuống còn 64,5 triệu bao, giảm 1,7% so với ước tính trước đó, do điều kiện thời tiết bất lợi tại các khu vực sản xuất arabica chính.
Mỹ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ hai của Việt Nam
Theo thống kê của Cục Hải quan, trong tháng 3, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 181.115 tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng và 10,3% về trị giá so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm 2024 giảm 3,9% về lượng và tăng mạnh tới 58,1% về trị giá.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành cà phê Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong một tháng.
Với kết quả này, xuất khẩu cà phê trong quý I đạt 495.780 tấn, trị giá hơn 2,8 tỷ USD, giảm 15,3% về lượng nhưng tăng 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu nhờ giá xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê Việt Nam trong quý I đạt 5.670 USD/tấn, tăng mạnh 72,2% so với cùng kỳ. Riêng tháng 3, giá đạt 5.873 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 2 và tăng tới 64,5% so với tháng 3/2024.
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Cục Hải quan Việt Nam
Quý I năm nay, xuất khẩu cà phê sang các thị trường lớn như: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Indonesia… đều ghi nhận sụt giảm về lượng do nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, nhờ giá tăng mạnh nên giá trị xuất khẩu sang các thị trường này vẫn tăng cao.
Trong đó, EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 226.050 tấn, trị giá 1,27 tỷ USD, chiếm 45,6% tổng lượng cà phê xuất khẩu. So với cùng kỳ, lượng xuất giảm 6,5%, nhưng kim ngạch tăng 63,4%.
Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai, chiếm 6,5% về khối lượng và 6,4% về giá trị. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường này đạt 32.395 tấn, thu về 180,3 triệu USD, giảm 13% về lượng nhưng tăng 50,8% về trị giá so với cùng kỳ.
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Cục Hải quan Việt Nam
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng được cho là sẽ thúc đẩy hoạt động nhập khẩu cà phê của Mỹ trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nếu chính quyền Mỹ thực sự áp mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, ngành cà phê sẽ đối mặt với nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh. Bởi các đối thủ như Brazil và Colombia chỉ phải chịu mức thuế 10%, còn Indonesia là 32%.
Theo Reuters, “mức thuế đối với Việt Nam sẽ khiến một nhà mua hàng ở Mỹ phải trả thêm 2.500 USD mỗi tấn," một thương nhân châu Âu cho biết.
Giới chuyên gia cũng cho rằng các nhà rang xay ở Mỹ có thể sẽ phải chuyển từ robusta của Việt Nam sang robusta của Brazil. Dù vậy, Brazil không có nhiều robusta vì nước này chủ yếu trồng arabica.
Họ cũng cho rằng Mỹ sẽ phải cạnh tranh với ngành công nghiệp nội địa của Brazil để có được robusta, trong khi châu Âu và Trung Quốc có thể hưởng lợi hơn nhờ nguồn cung robusta lớn hơn từ Việt Nam với mức giá thấp hơn.
Bà Judith Ganes — một chuyên gia phân tích uy tín trong lĩnh vực hàng hóa mềm và là Chủ tịch công ty tư vấn J Ganes Consulting, cho rằng cả ngành công nghiệp cà phê và các nhà sản xuất kẹo sẽ vận động hành lang mạnh mẽ để chính phủ Mỹ loại bỏ thuế đối với cà phê và ca cao.
Còn theo Hiệp hội cà phê quốc gia Mỹ (NCA), ngành công nghiệp cà phê đang đóng góp khoảng 343 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ, với khoảng 75% người dân Mỹ uống cà phê thường xuyên. Trong nhiều thập kỷ qua, cà phê đã vào Mỹ mà không phải chịu thuế do ngành công nghiệp nước này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu, không thể tự sản xuất trong nước.
Số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, Mỹ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới với khoảng 1,4 – 1,6 triệu tấn mỗi năm.
Việt Nam hiện là thị trường cung cấp cà phê lớn thứ ba vào nước này, nhưng khối lượng xuất khẩu đã giảm 32,2% vào năm ngoái và tiếp tục giảm 45,2% trong 2 tháng đầu năm 2025, xuống còn 13.1257 tấn. Thị phần cà phê của Việt Nam tại Mỹ cũng giảm xuống còn 5,4% từ mức 6,6% của năm 2024.
Ngược lại, nhập khẩu cà phê của Mỹ từ Brazil và Colombia tăng lần lượt 31,8% và 5,8% trong 2 tháng đầu năm, chiếm thị phần 30,7% và 18,3% nguồn cung.