Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh
Xuất khẩu nhân giảm lần đầu tiên sau 13 tháng
Báo cáo của ICO cho biết, trong tháng 11/2024, xuất khẩu cà phê các loại toàn cầu đạt gần 10,9 triệu bao, tăng 2,4% so cùng kỳ năm trước. Luỹ kế trong hai tháng đầu tiên của niên vụ 2024-2025 (tháng 10 đến tháng 11/2024), xuất khẩu đạt hơn 21,8 triệu bao, tăng 7,8% so với cùng kỳ niên vụ 2023-2024.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt tổng cộng 9,7 triệu bao trong tháng 11, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên trong 13 tháng qua.
Xu hướng giảm này chủ yếu được ghi nhận ở cà phê robusta, với xuất khẩu giảm 12,9% xuống còn 3,6 triệu bao.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm hai con số của robusta trong tháng 11 là do xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 47,1%, xuống chỉ còn 1 triệu bao so với mức gần 1,9 triệu bao của cùng kỳ tháng 11/2023.
Brazil cũng góp phần vào sự sụt giảm này, với xuất khẩu giảm 16,6%, xuống còn 0,7 triệu bao. Đây cũng là lần giảm đầu tiên sau 19 tháng của Brazil, sau khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình 355,5% trong 18 tháng trước đó. Tuy nhiên, điều này không cho thấy sự kết thúc của xu hướng tăng trong xuất khẩu robusta của Brazil, mà chỉ là sự giảm sút tạm thời do hiệu ứng cơ sở từ mức nền cao của năm trước.
Mặc dù vậy, sự sụt giảm của Việt Nam đã phần nào được bù đắp nhờ mức tăng lên tới 103,2% và 58,5% của Ấn Độ và Indonesia, với tổng xuất khẩu kết hợp là gần 0,9 triệu bao trong tháng 11.
Ngược lại, xuất khẩu arabica toàn cầu tăng mạnh 12,2% lên hơn 7,2 triệu bao trong tháng 11. Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica Brazil tăng mạnh 15,2%, Colombia tăng 14,4% và arabica khác tăng 3,1%.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong hai tháng đầu niên vụ 2024-2025 (Tháng 10 và tháng 11)
Trong khi đó, tổng xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đã tăng vọt 37,9% trong tháng 11, đạt 1,1 triệu bao. Tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu tất cả các loại cà phê trong niên vụ cà phê 2024-2025 tính đến tháng 11 đã tăng lên 10,4% so với 9% trong cùng kỳ của niên vụ 2023-2024.
Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất toàn cầu trong tháng 11, với gần 0,4 triệu bao được bán ra.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê đã rang lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh 19,3% trong tháng 11, xuống còn 54.243 bao so với 67.174 bao của tháng 11/2023.
Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong hai tháng đầu niên vụ 2024-2025 (tháng 10 đến tháng 11)
Xuất khẩu giảm sút ở châu Á và tăng ở các khu vực còn lại
Cũng theo thống kê của ICO, xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực châu Á và châu Đại Dương đã giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 2,76 triệu bao trong tháng 11/2024.
Sự sụt giảm này đến từ Việt Nam, với lượng xuất khẩu giảm 47,1% xuống còn 1,08 triệu bao. Đây là mức xuất khẩu trong tháng 11 thấp nhất kể từ 1 triệu bao vào năm 2010; hơn nữa, con số này thấp hơn 42,3%, tương đương 0,8 triệu bao, so với mức trung bình của tháng 11 trong 5 năm qua (2019–2023). Lượng xuất khẩu thấp hơn dự kiến có thể là do giá cà phê nhân trong nước giảm, điều này có thể đã làm giảm nguồn cung nội địa vào thời điểm gần như không còn hoặc rất ít tồn kho trong nước.
Vào đầu năm 2024, giá cà phê nhân xanh trên thị trường nội địa Việt Nam được ghi nhận ở mức 70.000 đồng/kg, sau đó tăng đều đặn và đạt đỉnh khoảng 125.500 - 126.100 đồng/kg vào giữa tháng 9. Tuy nhiên, giá sau đó đã giảm xuống mức 108.000 - 109.500 đồng/kg.
Ảnh hưởng của sự sụt giảm xuất khẩu từ Việt Nam đối với khu vực đã được giảm nhẹ nhờ vào Ấn Độ và Indonesia, với xuất khẩu tăng lần lượt 70,5% và 59,3%, đạt 0,7 triệu bao và gần 0,8 triệu bao.
Tại Nam Mỹ, khu vực đứng đầu về xuất khẩu cà phê toàn cầu, tiếp tục chứng kiến xuất khẩu cà phê các loại tăng 6% trong tháng 11, đạt 6,4 triệu bao. Một lần nữa, Brazil là động lực chính thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực, với xuất khẩu tăng 7,8%, lên mức gần 4,7 triệu bao.
Sự tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu của Brazil được duy trì nhờ arabica, với khối lượng tăng 12,2%, đạt khoảng 3,8 triệu bao. Trong khi xuất khẩu robusta giảm 7,1%, đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên trong 20 tháng qua.
Colombia cũng đóng góp đáng kể vào tỷ lệ tăng trưởng tích cực của khu vực, với xuất khẩu tăng 8,6%, đạt 1,21 triệu bao trong tháng 11.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong hai tháng đầu tiên niên vụ 2024-2025 (tháng 10 và tháng 11)
Tuy nhiên, xuất khẩu của Peru giảm 13,4%, xuống còn 0,49 triệu bao. Một nguyên nhân có thể giải thích cho sự sụt giảm này là Peru đã kết thúc niên vụ cà phê 2022-2023 với lượng tồn kho gần cạn kiệt, gây áp lực lên nguồn cung nội địa ngay từ đầu niên vụ cà phê 2023-2024.
Tình hình này trở nên trầm trọng hơn vào cuối năm bởi nhu cầu bổ sung cà phê từ Peru, xuất phát từ các vấn đề nguồn cung tại Ethiopia.
Sự cộng hưởng của hai yếu tố này được cho là yếu tố chính khiến Peru một lần nữa bắt đầu niên vụ cà phê 2024-2025 với mức tồn kho thấp hoặc gần như cạn kiệt, dẫn đến xuất khẩu thấp hơn kỳ vọng từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2024.
Xuất khẩu cà phê các loại cà phê từ châu Phi cũng tăng mạnh 24,5% trong tháng 11, lên gần 1,3 triệu bao. Ethiopia là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của khu vực, với lượng xuất khẩu tăng 86,24%, đạt 0,54 triệu bao.
Đây là tháng thứ 12 liên tiếp Ethiopia ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu, và giống như 11 tháng đầu tiên, sự mở rộng xuất khẩu này phần lớn là kết quả của việc giải quyết các vấn đề về hậu cần/hợp đồng từ niên vụ cà phê 2022-2023, tức là do hiệu ứng cơ sở thấp của niên vụ trước.
Ngoài Ethiopia, Kenya và Tanzania cũng đóng góp mạnh mẽ vào tốc độ tăng trưởng hai con số của khu vực châu Phi trong tháng 11, với xuất khẩu tăng lần lượt 70% và 50,3%.
Với Kenya, tăng trưởng hai con số trong tháng 11 là sự tiếp nối của đợt bùng nổ gần đây, khi xuất khẩu tăng trung bình 62,2% từ tháng 7 đến tháng 10/2024, so với mức tăng trưởng trung bình 0,3% từ tháng 1 đến tháng 6/2024.
Sự khác biệt trong tốc độ tăng trưởng trên dường như liên quan đến tác động của các nỗ lực cải cách ngành cà phê gần đây của Chính phủ Kenya. Ngày 10/6/2023, Chính phủ đã yêu cầu các nhà rang xay nộp đơn xin cấp phép lại, dẫn đến việc cấp phép cho nhiều nhà rang xay tư nhân bị trì hoãn hoặc không được gia hạn.
Khoảng 90% công suất rang xay của Kenya thuộc về khu vực tư nhân, trong khi nhà máy rang xay lớn nhất thuộc sở hữu hợp tác, Liên minh Hợp tác xã Người trồng cà phê Kenya (NKPCU), chỉ xử lý dưới 10% nhu cầu rang xay cà phê của quốc gia.
Điều này dường như đã gây ra sự chậm trễ trong chế biến và làm giảm tương đối khối lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2024. Tăng trưởng xuất khẩu hai con số từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2024 có thể là dấu hiệu cho thấy các vấn đề về công suất rang xay đã được giải quyết.
Còn tại khu vực Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê của khu vực ghi nhận mức tăng 5,2% và đạt 0,4 triệu bao trong tháng 11. Costa Rica và Mexico là hai động lực chính, với xuất khẩu tăng lần lượt 405,2% và 15,5%. Ngược lại, Honduras và Nicaragua giảm lần lượt 57,3% và 26,3%.
Đối với Honduras, đây là sự tiếp nối của một khởi đầu chậm cho niên vụ cà phê mới, với xuất khẩu trong hai tháng đầu tiên giảm 50,1% so với cùng kỳ năm 2023 xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 2009. Nguyên nhân là Honduras vừa kết thúc một năm sản xuất thấp trong chu kỳ sản xuất hai năm một lần, kéo theo tồn kho thấp, và với thông tin về việc thu hoạch niên vụ cà phê 2024-2025 bị trì hoãn, sự sụt giảm có thể là dấu hiệu của cách tiếp cận thận trọng từ ngành công nghiệp địa phương và việc quản lý nguồn cung tương ứng.
Hoàng Hiệp