LÚA GẠO

Thị trường trầm lắng, giá gạo giảm nhiệt

Cập nhật ngày: 27 | 09 | 2023

Những ngày cuối tháng 9, giá gạo VN và thế giới về quanh mốc 600 USD/tấn. Nếu so với đỉnh điểm cách đây một tháng, giá gạo đã giảm khoảng 40 USD/tấn. Điều gì làm giá gạo giảm nhanh và liệu sẽ còn kéo dài?

Nguồn: thanhnien.vn

Thị trường không có giao dịch

Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo 5% tấm của VN hiện chỉ còn 608 USD/tấn, giảm khoảng 40 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 8. Tương tự, gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan về mốc 600 USD/tấn và Pakistan là 598 USD/tấn.

Một số thương nhân ở vựa lúa ĐBSCL giải thích, thị trường gạo hạ nhiệt vì từ đầu tháng đến nay rất ít hợp đồng được ký kết mà đang "án binh" chờ chính sách ở một số nước như Ấn Độ và Philippines thay đổi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu cũng đợi vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm, nguồn cung lớn sẽ bắt đầu từ tháng 10 cũng khiến giá gạo hạ nhiệt.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho rằng nếu những ngày tới giá gạo có giảm về mức 580 - 590 USD/tấn cũng không phải là điều bất ngờ vì hiện tại thị trường gần như không có giao dịch. Chính phủ Philippines đang áp dụng chính sách kiểm soát giá trần và giám sát các kho dự trữ gạo để chống đầu cơ tăng giá. Đây là hành động nhằm kiềm chế giá gạo nội địa trước đó đã tăng quá cao. Với sức ép về nhu cầu tiêu dùng và dự trữ gạo đang tăng nhanh, nhiều khả năng chính phủ Philippines sẽ phải giảm thuế suất nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 10%, thậm chí là 0% để tăng lượng gạo nhập nhằm giảm giá gạo nội địa và tăng dự trữ. Đây cũng là cách tốt nhất để nước này đối phó với tình trạng khô hạn do El Nino gây ra, đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia.

"Đây thật sự là điều mà các doanh nghiệp Philippines chờ đợi, nên thời gian qua họ tạm ngưng nhập khẩu gạo. Khi chính sách này điều chỉnh, họ sẽ nhập khẩu trở lại và thị trường sẽ sôi động từ cuối tháng 10. Về trung và dài hạn, nhu cầu tiêu thụ gạo tăng cao ở khắp nơi trên thế giới nên giá cũng sẽ ở mức cao", ông Đôn dự báo.

Bên cạnh việc không có đơn hàng xuất khẩu thì hiện tại lượng lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL cũng khan hiếm do chỉ có một ít diện tích lúa thu đông sớm đang thu hoạch. Chính vì thế, giá lúa hàng hóa giảm bình quân khoảng 400 - 500 đồng/kg so với tháng trước.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), thông tin lúa nguyên liệu loại làm ra gạo 5% tấm giá trước đây là 8.100 - 8.200 đồng/kg thì nay còn khoảng 7.700 đồng/kg. Do nguồn cung nội địa khan hiếm, một số đơn vị phải nhập khẩu lúa từ Campuchia với giá mua tại các địa phương phía bạn là 7.500 đồng/kg. Chi phí vận chuyển về tới kho ở VN cũng khoảng 200 đồng/kg. Như vậy, với giá lúa gạo nguyên liệu hiện tại, giá thành sản xuất gạo 5% vẫn ở mức 640 - 660 USD/tấn. "Đây là mặt bằng giá mà tôi cho rằng người mua phải chấp nhận, vì nếu không, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không có lời", ông Bình nói.

Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo

Ngày 15.10 được xem là dấu mốc quan trọng cho thị trường gạo thế giới trong những tháng còn lại của năm 2023 khi chính sách giá sàn 1.200 USD/tấn với gạo Basmati xuất khẩu và áp thuế 20% với gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ hết hiệu lực. Tuy nhiên, theo thông tin từ Reuters và SS Rice News (chuyên trang thị trường lúa gạo thế giới), Ấn Độ sẽ điều chỉnh mức giá sàn gạo Basmati xuất khẩu từ 1.200 USD/tấn xuống chỉ còn 850 USD/tấn trong vài ngày tới. 

Đây là động thái được xem là làm giảm áp lực từ các nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo Basmati. Bởi mức giá 1.200 USD/tấn được cho là quá cao khiến thời gian qua các doanh nghiệp không thể xuất khẩu được. Ấn Độ và Pakistan là hai nước độc quyền trồng lúa Basmati. 

Mỗi năm, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 4 - 4,5 triệu tấn gạo Basmati tới các nước như Iran, Iraq, Yemen, Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Mỹ. Gạo Basmati xuất khẩu trong những năm gần đây có giá trung bình 975 USD/tấn. Việc áp giá sàn 850 USD/tấn có thể ngăn việc phối trộn gạo trắng thường vào gạo Basmati mà vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu mặt hàng này nhằm mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Bên cạnh đó, SS Rice News cho biết ngày 25.9, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã cấp phép xuất khẩu 75.000 tấn gạo trắng sang thị trường UAE. Như vậy, UAE là nước thứ 4 được cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo sau Singapore, Bhutan và Mauritius. Thương mại gạo qua kênh ngoại giao cũng là điều mà Ấn Độ muốn hướng đến.

Theo một số nhà phân tích, vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm sắp tới nên Ấn Độ sẽ dần nới lỏng các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo để tạo thu nhập cho người nông dân trồng lúa. Còn đối với gạo trắng, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì chính sách hạn chế. Nguyên nhân là nước này muốn duy trì an ninh lương thực, kiềm chế lạm phát, chuẩn bị cho hoạt động bầu cử cũng như hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục kéo dài đến năm sau. Chính vì vậy, thị trường gạo thế giới vẫn tiếp tục ở trạng thái khan hiếm nguồn cung và giá cao.

Ngoài yếu tố nguồn cung từ Ấn Độ ảnh hưởng lớn đến giá cả thì chính sách nhập khẩu của các nước như Trung Quốc và Philippines cũng rất quan trọng. Đáng chú ý là Trung Quốc, nước có dân số đông và kho dự trữ lớn nhưng trong những năm gần đây lượng gạo nhập khẩu của nước này không nhiều. Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất lương thực. Nhiều khả năng trong những tháng cuối năm nay, Trung Quốc sẽ quay trở lại thị trường một cách tích cực hơn.

Vì vậy, giá gạo chưa thể giảm nhiệt.

 

TIN TỨC KHÁC