RAU QUẢ

LƯU Ý KỸ THUẬT NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, GIỮ VỮNG UY TÍN SẦU RIÊNG VIỆT NAM

Cập nhật ngày: 13 | 09 | 2023

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong 8 tháng năm 2023 đạt trên 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022, đòi hỏi những thay đổi về chất lượng.

Nguồn: Nongnghiep.vn

Trong những năm gần đây, diện tích sầu riêng cả nước tăng lên rất nhanh chóng, năm 2022 diện tích đạt 110.000ha, tăng khoảng 25.000ha so với năm 2021 (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, 2022). Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong 8 tháng năm 2023 đạt trên 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ sầu riêng chủ yếu là Trung Quốc chiếm đến 95% sản lượng. Quả sầu riêng được nhập khẩu chính thức vào thị trường này từ ngày 11/7/2022 với nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói. Điều này, đòi hỏi nhà vườn phải thay đổi tập quán sản xuất từ việc chỉ quan tâm đến năng suất sang tập trung vào chất lượng của sản phẩm thu hoạch.

Tại Việt Nam có 3 vùng canh tác sầu riêng với diện tích lớn là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Tại ĐBSCL, hầu hết nhà vườn áp dụng biện pháp xử lý hoa nghịch vụ, để tránh trùng vụ thu hoạch với Đông Nam bộ, Tây Nguyên và một số nước trên thế giới. Sầu riêng nghịch vụ thường có giá bán cao, dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, việc xử lý ra hoa nghịch vụ sầu riêng không đơn giản, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, điển hình như tình hình sinh trưởng của cây, mức độ phục hồi của cây sau thu hoạch ở mùa vụ trước, điều kiện thời tiết, nên cây thường ra hoa không đồng loạt trên vườn, thậm chí trên cùng một cây, từ đó quả trên cây không chín cùng thời điểm.

Chính vì vậy, ở thời điểm thu hoạch quả, thương lái đến vườn và thường phân loại từ 2 - 3 lần thu hoạch/vụ (cắt 2 - 3 dao/vụ) phụ thuộc vào độ chín do thương lái kiểm tra và quyết định. Nhà vườn không can thiệp vào quá trình quyết định độ chín của quả và lượng sầu riêng thu hoạch theo từng đợt. Hiện nay, việc thu mua là do thương lái nhỏ của công ty hay doanh nghiệp xuất khẩu đến tại vườn thương lượng giá bán và thu mua sản phẩm mang về bán lại cho doanh nghiệp hoặc công ty chịu trách nhiệm đóng gói và xuất khẩu.

Vào thời điểm giá sầu riêng ở mức cao, một số thương lái muốn thu mua được nhiều sản phẩm mà không quan tâm đến chất lượng, sẵn sàng thu mua luôn những quả còn non chưa đạt độ chín thu hoạch. Mặc khác, một bộ phận không nhỏ nhà vườn mong bán được giá cao và muốn cây có nhiều thời gian để phục hồi cho mùa vụ xử lý tiếp theo, nên đã đồng ý bán khi quả sầu riêng còn non.

Nhà vườn và thương lái không quan tâm kiểm soát dịch hại, đặc biệt các đối tượng kiểm dịch thực vật như rệp sáp, hay không quan tâm đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản phẩm. Chính những lý do trên đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sầu riêng trong thời gian qua và sắp tới, những hệ lụy của vấn đề này rất lớn mà người bị ảnh hưởng trực tiếp chính là nông dân.

Vườn sầu riêng canh tác đúng tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng cho quả.

Để hạn chế các rủi ro đã nêu, nhà vườn cần chú ý một số vấn đề như sau:

Các yêu cầu về kỹ thuật xử lý ra hoa và thu hoạch đúng giai đoạn và đúng độ chín của quả cần được thực hiện đúng và chính xác để đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng.

Điều đầu tiên cần chú ý trong việc canh tác sầu riêng là giúp cho đất vườn cây có độ pH thích hợp là từ 5,5 - 6,5, vì đa số vườn cây lâu năm, đặc biệt ở ĐBSCL đất có pH khá thấp, điều này sẽ hạn chế sự hấp thu dinh dưỡng của cây, rễ cây yếu, vi sinh vật có hại trong đất phát triển mạnh như nấm bệnh, tuyến trùng… dẫn đến cây sinh trưởng yếu, dễ bị sâu bệnh hại tấn công.

Để cải thiện độ pH đất có nhiều giải pháp, ví dụ như sử dụng phân vô cơ hợp lý, hạn chế bón các loại phân có các nguyên tố làm chua đất, tăng cường phân hữu cơ vi sinh; bón vôi cho cây vào thời điểm sau thu hoạch, hay đầu mùa mưa vừa giúp nâng pH đất vừa diệt mầm bệnh trong đất, liều lượng vôi sử dụng tùy theo pH của đất trong vườn, khoảng 2 - 4 kg/cây/năm.

Giữ thảm cỏ cho vườn sầu riêng.

Cần cung cấp dinh dưỡng đúng theo nhu cầu, đúng thời điểm thì cây sẽ khỏe, sinh trưởng, phát triển rất tốt, ít sâu bệnh hại tấn công. Hiện nay công thức phân bón khuyến cáo cho cây sầu riêng từ 6-10 năm tuổi với liều lượng 1.400-1.600g N + 1.200-1.400g P2O5 + 1.700-2.000g K2O/cây/năm.

Giai đoạn trước xử lý ra hoa: Tiến hành bón hoặc phun phân bón lá với hàm lượng lân và kali cao như MKP, KNO3,10-60-10, 0-40-40 hay 0-30-20 giúp cây phân hóa mầm hoa hiệu quả. Sau khoảng 3 - 4 tuần tiến hành xiết nước, sử dụng bạt ni lông để phủ kín xung quanh gốc cây (phủ bạt thật kỹ, hạn chế nước mưa) và tiến hành phun chất ức chế sinh trưởng, phun ướt đều từ bên trong thân và cành giúp cây ra hoa tập trung, đồng loạt.

Giai đoạn cây ra hoa: Khi hoa nhú mắt cua (phát hoa dài 0,5 - 1cm) tiến hành bón phân vô cơ kết hợp với 20% lượng phân hữu cơ, đồng thời phun phân bón lá chứa canxi, Bo, kali theo liều khuyến cáo nhằm tăng tỷ lệ đậu quả. Nếu cây có đọt non trước khi hoa nở 2 tuần thì phun phân bón lá có kali cao để ngăn chặn đọt non phát triển quá mức, giúp hoa thụ phấn, đậu quả tốt. Cây sầu riêng thường ra nhiều đợt hoa, chỉ nên giữ lại đợt hoa nhiều nhất và tỉa thưa hoa của đợt này, tỉa bỏ hoa của các đợt khác.

Giai đoạn nuôi quả: Tiến hành tỉa bớt những quả dày đặc, méo mó, quả bị sâu bệnh ở các lần sau đậu quả 2, 8 và 10 tuần sau khi đậu quả. Phun phân bón lá Ca(NO3)2 0,2% (giai đoạn 8 tuần sau khi hoa nở), 2 tuần sau phun MgSO4 0,2% và phun KNO3 1% ở thời điểm 4 tuần trước khi thu hoạch để tăng chất lượng quả. Nhà vườn nên hạn chế bón thừa phân đạm ở giai đoạn quả gần thu hoạch, nên tăng cường phân kali để thịt quả có màu sáng đẹp và chất lượng ngon.

Hệ thống tưới cung cấp nước cho cây sầu riêng.

Việc cung cấp nước cho cây sầu riêng cũng cần chú ý theo từng giai đoạn có nhu cầu nước khác nhau. Giai đoạn cây ra hoa (vào mùa khô) cần tưới nước cách ngày giúp hoa phát triển tốt, hạt phấn mạnh khỏe, sau đó giảm lượng nước bằng 2/3 vào 1 tuần trước khi hoa nở hoa (chu kỳ tưới cách ngày) để tăng thụ phấn và đậu quả. Sau đậu quả cần tưới nước, giữ ẩm tốt. Ở thời điểm quả gần thu hoạch, cần hạn chế tưới nước vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả và khi ẩm độ cao tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công gây thối quả.

Ở giai đoạn quả phát triển đến gần thu hoạch thường gặp các dịch hại như rệp sáp, sâu đục quả, ốc, bệnh thối quả, trong đó rệp sáp là đối tượng kiểm dịch thực vật nên nhà vườn cần phải quản lý hiệu quả. Ví dụ, trong quản lý rệp sáp cần chú ý diệt kiến vì không có kiến thì rệp sáp rất hạn chế phát tán, lây lan; đối với bệnh thối quả thì cần giảm ẩm độ trong vườn, nên sử dụng nấm Trichoderma kết hợp phân hữu cơ bón vào xung quanh gốc sẽ hạn chế sự phát triển của nấm bệnh,…

Theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trên cây sầu riêng khi muốn xuất khẩu vào thị trường này cần kiểm dịch các đối tượng gồm ruồi đục quả Bactrocera correcta, rệp sáp Dysmicoccus neobrevipes, Planococcus lilacinus, P. minor, Pseudococcus jackbeardsleyi và Exallomochlus hispidus.

Mặc dù, các nhà khoa học và thực tế chứng minh chưa ghi nhận có ruồi đục quả gây hại trên quả sầu riêng, tuy nhiên do là đối tượng kiểm dịch nên cần áp dụng các biện pháp kiểm soát như đặt bẫy dính, bẫy pheromone, khi đặt bẫy có mồi Methyl Eugenol rất dễ thu hút thành trùng ruồi đục quả gây hại trên các cây ăn quả trồng xen hay trồng gần vườn sầu riêng bay vào bẫy. Do đó, nhà vườn cần có giải pháp quản lý ruồi đục quả trên các cây trồng xen.

Khi quản lý dịch hại, nhà vườn sử dụng thuốc BVTV phải theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo thời gian cách ly, không để lại dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm.

Nhà vườn cần kiên quyết chỉ bán quả khi đã đạt độ chín thu hoạch (thu hoạch quả từ 85 - 100 ngày sau nở hoa đối với giống Ri6 và 110 - 130 ngày sau nở hoa đối với giống Dona). Nên thu hoạch lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh thu hoạch sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều, sử dụng dao cắt cả cuống quả cho vào giỏ, tránh để quả tiếp xúc với đất.

Nhà vườn cần tham gia vào nhóm sản xuất, tổ hợp tác hay hợp tác xã để xây dựng và bảo vệ mã số vùng trồng.

Cơ hội cho quả sầu riêng vào thị trường Trung Quốc rất lớn. Nhà vườn cần thay đổi tập quán sản xuất không chỉ chú trọng năng suất mà cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, tuân thủ các yêu cầu, quy định của nhà nhập khẩu. Doanh nghiệp cùng các cơ quan ban ngành có liên quan nên cùng nhau quan tâm mạnh mẽ vào công tác bảo vệ thương hiệu, uy tín cho quả sầu riêng, giúp ngành sản xuất sầu riêng của Việt Nam ngày càng phát triển, có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.

 
 

TIN TỨC KHÁC

Chuyên gia SPS đưa ra '3 bước lưu ý' khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

11-9-2023

Hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.

TRUNG QUỐC ĐẨY MẠNH NHẬP TRÁI CÂY TỪ ASEAN QUA TỈNH QUẢNG TÂY

30-8-2023

Trung Quốc xây dựng trung tâm thương mại trái cây từ ASEAN ở 3 thành phố lớn của tỉnh Quảng Tây, gồm Sùng Tả, Nam Ninh và Khâm Châu.

Xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc tăng kỷ lục

28-8-2023

Sầu riêng là mặt hàng có đóng góp mạnh nhất trong kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 8 tháng qua.

Giá thanh long chính vụ cao gần gấp đôi năm ngoái

22-8-2023

Giá thanh long ruột đỏ được thương lái mua tại vựa với giá từ 6.000-11.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng có giá từ 10.000-12.000 đồng/kg.

Lần đầu tiên Việt Nam có hệ thống truy xuất “dấu chân” trái thanh long

18-8-2023

Từ nay trở đi, người dân ở châu Âu ăn một quả thanh long hay con tôm từ Việt Nam xuất khẩu đến, sẽ biết quá trình sản xuất và vận chuyển sản phẩm đó đã thải ra môi trường lượng khí carbon bao nhiêu và ở những công đoạn nào…

‘MỎ VÀNG’ MỚI NỔI TẠI ĐÔNG NAM Á: LÀ MẶT HÀNG VIỆT NAM XUẤT KHẨU TĂNG 18 LẦN, TRUNG QUỐC CỰC 'NGHIỆN' KHIẾN NHIỀU QUỐC GIA MỜI GỌI ĐẦU TƯ

14-8-2023

Trung Quốc cũng đang ôm mộng nội địa hóa mặt hàng trên nhưng với kết quả ban đầu đầy thất vọng, Malaysia, Thái Lan hay Việt Nam có lẽ không cần quá lo lắng trước đối thủ này.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sang Mỹ 'ngay lập tức'

10-8-2023

Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ thông tin tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) về việc cho phép Việt Nam xuất khẩu dừa sang thị trường này.

Giá sầu riêng đầu vụ tăng cao, nhộn nhịp "cọc, chốt"

7-8-2023

Nông dân tỉnh Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, kéo dài từ cuối tháng 7 đến tháng 10. Năm nay, giá sầu riêng đầu vụ tăng cao, năng suất dự đoán tăng, nông dân Đắk Lắk phấn khởi.

XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG LẬP KỶ LỤC, TIẾN SÁT MỤC TIÊU 1 TỶ USD CHỈ SAU 6 THÁNG

28-7-2023

6 tháng đầu năm, xuất khẩu quả sầu riêng đạt 876 triệu USD, gấp 20 lần cùng kỳ năm trước, hoàn thành 88% mục tiêu 1 tỷ USD trong năm 2023 mà Hiệp hội Rau quả Việt Nam đặt ra ở vào đầu năm.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỪ SẢN PHẨM TỎI ĐEN THEO CÔNG NGHỆ NHẬT BẢN

25-7-2023

Tỏi tía huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là một trong những loại nông sản có giá trị kinh tế, được nhiều du khách biết đến. Bởi, tỏi có mùi thơm, cay, nhiều tinh dầu và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

KHÁNH THÀNH NHÀ MÁY CHẾ BIẾN SẦU RIÊNG CÔNG SUẤT 40 NGHÌN TẤN/NĂM

20-7-2023

Nhà máy được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, chuyên chế biến trái sầu riêng tươi và bóc múi với dây chuyền hiện đại nhất Việt Nam hiện nay để xuất khẩu.

RAU QUẢ CHƯA THOÁT CẢNH ĐƯỢC MÙA RỚT GIÁ

19-7-2023

Tình trạng rộ mùa rớt giá vẫn tiếp diễn dù ngành rau quả liên tục lập kỷ lục về xuất khẩu.