CÀ PHÊ

Thị trường cà phê thế giới giảm sâu

Cập nhật ngày: 20 | 08 | 2021

(moit.gov.vn)_Đầu tháng 8/2021, giá cà phê thế giới giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Ngành công nghiệp rang xay chậm lại khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê nguyên liệu giảm, trong khi nguồn cung từ Bra-xin tăng do đồng Real suy yếu khiến người trồng cà phê Bra-xin đẩy mạnh bán ra.

 

Nguồn vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Hoa Kỳ tăng mạnh cũng khiến giá cà phê giảm. Những ngày đầu tháng 8/2021, giá cà phê trong nước giảm theo giá thế giới. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giao thương mặt hàng.

Xuất khẩu cà phê Arabica của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm nay, đạt 4,1 nghìn tấn, trị giá 11,82 triệu USD, giảm 55,8% về lượng và giảm 41,2% về trị giá so với tháng 6/2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Niu-Di-Lân 6 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020.

 

Những ngày đầu tháng 8/2021, giá cà phê thế giới giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Ngành công nghiệp rang xay chậm lại khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê nguyên liệu giảm. Đồng Real suy yếu khiến người trồng cà phê Bra-xin đẩy mạnh bán ra.

Thời tiết của Bra-xin được dự báo sẽ thuận lợi trong tuần tới, góp phần hỗ trợ cây cà phê hồi phục sau thu hoạch để có sức ra hoa vụ mới. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Hoa Kỳ tăng mạnh khiến giá cà phê giảm. Theo số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu cà phê của Hon-đu-rát trong tháng 7/2021 tăng mạnh 122,8% so với tháng 7/2020.

Lũy kế 10 tháng niên vụ 2020/2021, xuất khẩu cà phê của Hon-đu-rát đạt 5,28 triệu bao, tăng 2% so với niên vụ 2019/2020. Theo báo cáo của Cơ quan Thương mại In-đô-nê-xi-a, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 7/2021 đạt 111.489 bao, giảm hơn 66,41% so với tháng 7/2020.

Lũy kế 10 tháng đầu của niên vụ cà phê 2020/2021, xuất khẩu cà phê của nước này đạt 1.753.571 bao, giảm 927.325 bao (giảm 34,6%) so với cùng kỳ niên vụ cà phê 2019/2020. Tình trạng thiếu container rỗng là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cà phê của In-đô-nê-xi-a giảm. + Trên sàn giao dịch London, ngày 9/8/2021, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 9/2021 và tháng 11/2021 giảm lần lượt 7,5% và 7,7% so với ngày 30/7/2021, xuống còn 1.743 USD/tấn và 1.754 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 1/2022 và tháng 3/2022 giảm lần lượt 6,9% và 6,5% so với ngày 30/7/2021, xuống còn 1.755 USD/tấn và 1.756 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 9/8/2021, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2021 và tháng 11/2021 giảm lần lượt 10,4% và 10,2% so với ngày 30/7/2021, xuống còn 176 Uscent/lb và 179,05 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 3/2022 và tháng 5/2022 giảm lần lượt 9,8% và 9,5% so với ngày 30/7/2021, xuống còn 181,7 Uscent/lb và 182,9 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Bra-xin, ngày 9/8/2021, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 9/2021 và tháng 12/2021 giảm lần lượt 12% và 12,7% so với ngày 30/7/2021, xuống còn 210,65 Uscent/lb và 216,5 Uscent/lb. + Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.800 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm mạnh 142 USD/tấn (tương đương mức giảm 7,3%) so với ngày 30/7/2021.

Dự báo: Triển vọng giá cà phê toàn cầu tương đối khả quan trong thời gian tới. Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2021/2022 sẽ giảm 11 triệu bao so với niên vụ 2020/2021, xuống 164,8 triệu bao, do yếu tố thời tiết không thuận lợi tại Bra-xin. USDA dự báo xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 4,8 triệu bao xuống 115,5 triệu bao, do lượng xuất khẩu của Bra-xin giảm mạnh, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng. Tiêu thụ cà phê thế giới dự báo sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 165 triệu bao, mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Bra-xin.

Tồn kho cà phê cuối niên vụ 2021/2022 dự kiến giảm 7,9 triệu bao xuống 32 triệu bao.

Dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của Niu-Di-Lân trong 6 tháng đầu năm 2021 và thị phần của Việt Nam

Niu-Di-Lân là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu cà phê. Xu hướng tiêu dùng của người dân Niu-Di-Lân có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ uống trà sang uống cà phê. Nhu cầu tiêu thụ cà phê của Niu-Di-Lân tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là đối với cà phê hữu cơ.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, tốc độ nhập khẩu cà phê của Niu-Di-Lân trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 3,1%/năm (tính theo lượng) và tăng 4,5%/năm (tính theo trị giá), từ 13,86 nghìn tấn, trị giá 63,3 triệu USD năm 2016 tăng lên 15,56 nghìn tấn, trị giá 75 triệu USD năm 2020. Tuy nhiên, nhập khẩu cà phê của Niu-Di-Lân từ Việt Nam giảm bình quân 1,4%/năm về lượng và giảm 2,1%/năm (tính theo trị giá), từ 1,73 nghìn tấn, trị giá 3,31 triệu USD năm 2016 xuống 1,48 nghìn tấn, trị giá 2,6 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cà phê của Niu-Di-Lân đạt 7,64 nghìn tấn, trị giá 34,5 triệu USD, tăng 5,0% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Về chủng loại 6 tháng đầu năm 2021, Niu-Di-Lân tăng nhập khẩu cà phê rang và loại bỏ caffein (mã HS 090111), tăng 6,7% về lượng và tăng 5,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 6,4 nghìn tấn, trị giá 23 triệu USD.

Đáng chú ý, Niu-Di-Lân tăng mạnh nhập khẩu chủng loại cà phê đã khử caffein (không bao gồm rang - HS 090112), tăng 93,2% về lượng và tăng 88,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 158 tấn, trị giá 864 nghìn USD.

Diễn biến giá 6 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Niu-Di-Lân đạt 4.775 USD/tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Niu-Di-Lân từ các thị trường Cô-lôm-bi-a, Hon-đu-rát, Pa-pu-a Niu Ghi-nê tăng, trong khi giá nhập khẩu từ Bra-xin và Việt Nam giảm.

6 tháng đầu năm 2021, Niu-Di-Lân tăng nhập khẩu cà phê từ các thị trường Bra-xin, Hon-đu-rát, nhưng giảm nhập khẩu từ Cô-lôm-bi-a, Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu cà phê của Niu-Di-Lân từ Bra-xin trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,76 nghìn tấn, trị giá 5,55 triệu USD, tăng 22,4% về lượng và tăng 14,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần cà phê của Bra-xin trong tổng lượng nhập khẩu của Niu-Di-Lân chiếm 23,1% trong 6 tháng đầu năm 2021, cao hơn so với 19,82% trong 6 tháng đầu năm 2020. Ngược lại, Niu-Di-Lân giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, giảm 3,9% về lượng và giảm 7,5% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020, đạt 925 tấn, trị giá 1,5 triệu USD.

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Niu-Di-Lân chiếm 12,11% trong 6 tháng đầu năm 2021, thấp hơn so với 13,23% trong 6 tháng đầu năm 2020.