CÀ PHÊ

Nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu

Cập nhật ngày: 24 | 06 | 2021

(tipcgialai.vn)_Chiếm tỷ trọng bình quân 60-70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, cà phê trở thành mặt hàng chủ lực của tỉnh Gia Lai trong nhiều năm qua. Để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới thì việc điều chỉnh phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Mặc dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng khối lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Đức Thụy

Mặc dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng khối lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Đức Thụy
Kim ngạch xuất khẩu tăng
 
Theo số liệu của Sở Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 315 triệu USD, đạt 51,64% kế hoạch, tăng 25,84% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cà phê ước đạt 120 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch 180 triệu USD (tăng 30,43% về lượng, tăng 40,63% về giá trị). Những tháng cuối năm 2020, giá cà phê có dấu hiệu phục hồi đã kích thích nông dân bán ra và doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu, từ đó làm tăng khối lượng trong 2 quý đầu năm 2021. Hiện toàn tỉnh có có 3 doanh nghiệp chủ lực tham gia xuất khẩu mặt hàng cà phê gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam.
 

 

Thạc sĩ Nguyễn Diễn-nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng: Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu là hàng rào kỹ thuật trong thương mại, liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động-thực vật. Để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi về quy mô, phương thức canh tác, đầu tư chế biến sâu… Do đó, cần có những doanh nghiệp “đầu tàu”, có thể là những nhà đầu tư của nước ngoài hay các hợp tác xã đầu mối thu gom sản phẩm của thành viên để chế biến. 

Hàng năm, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu 50-70 ngàn tấn cà phê các loại với khoảng 90% sản phẩm cà phê nhân xô, 10% cà phê rang xay và hòa tan, giá trị kim ngạch đạt khoảng 150 triệu USD. Hiện tại, Công ty xuất qua hơn 40 quốc gia, trong đó, thị trường chính vẫn là châu Âu với kim ngạch chiếm khoảng 60%. Bà Trần Thị Lan Anh-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: “Hoạt động xuất khẩu của Công ty đã có mức tăng trưởng đáng kể trong các tháng đầu năm nay. Trên cơ sở dự báo tình hình, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của đơn vị năm 2021 sẽ đạt khoảng 145 triệu USD với khoảng 90 ngàn tấn sản phẩm. Công ty đang xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại Khu Công nghiệp Trà Đa, dự kiến đến tháng 11 năm nay sẽ đi vào hoạt động, từ đó gia tăng thêm khối lượng hàng xuất khẩu”.


 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang-cho hay: Sản lượng cà phê xuất khẩu của Công ty dao động khoảng 35-50 ngàn tấn/năm với các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật… Trước đây, những tập đoàn rang xay lớn trên thế giới chỉ mua qua các công ty nước ngoài, chứ không mua trực tiếp từ Việt Nam. Khoảng 2 năm gần đây, các tập đoàn dần tiếp cận với một số đơn vị xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp đi vào các thị trường lớn. “Mặc dù có những thuận lợi khi các nước nhập khẩu vẫn có nhu cầu lớn về cà phê, song ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến chi phí vận tải biển, thuê container tăng. Cùng với đó, số lượng các chuyến tàu biển giảm nên hàng xuất vận chuyển bị chậm, ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Tính đến cuối tháng 5, sản lượng cà phê xuất khẩu của Công ty đạt 17 ngàn tấn, kế hoạch năm nay dự kiến đạt khoảng 39 ngàn tấn”-ông Thành cho biết thêm.
 
Tạo nguồn hàng chất lượng
 
Toàn tỉnh hiện có khoảng 97 ngàn ha cà phê, trong đó, hơn 34 ngàn ha sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, Organic... Để thúc đẩy ngành hàng cà phê phát triển, tỉnh đã xây dựng một số cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án sản xuất, chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh.
 
Các doanh nghiệp quan tâm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu. Ảnh: Đức Thụy
Các doanh nghiệp quan tâm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu. Ảnh: Đức Thụy

 

Theo bà Trần Thị Lan Anh, với chính sách mở cửa thị trường, đặc biệt là Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8-2020 đã mở ra cơ hội cho hàng nông sản thâm nhập và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để vào được thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA, sản phẩm cà phê phải đảm bảo những quy định rất khắt khe. Vì vậy, Công ty đang cùng các tổ hợp tác và nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận quốc tế như: 4C, Rainforest, UTZ. Đặc biệt, Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất được cà phê Organic đầu tiên tại Việt Nam và được tổ chức Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc công nhận.


 
Trao đổi với P.V, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Hiện nay, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang đạt trên 60% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, còn lại là các doanh nghiệp khác. Trong 6 tháng cuối năm nay, tỉnh phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 295 triệu USD, nâng tổng kim ngạch cả năm 2021 khoảng 610 triệu USD (đạt 100% kế hoạch). Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt khoảng 205 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch 305 triệu USD. “Từ tác động của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA nên việc phát triển thị trường tương đối thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh duy trì hoạt động xuất khẩu”-bà Nguyệt cho hay.