RAU QUẢ

Thị phần Việt Nam trên bản đồ xoài thế giới còn khiêm tốn

Cập nhật ngày: 22 | 04 | 2021

Xoài là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam. Dư địa tăng trưởng của loại trái cây chủ lực này được đánh giá còn rất lớn nên mục tiêu xuất khẩu đề ra là 650 triệu USD vào năm 2030.

Xuất khẩu xoài chỉ chiếm hơn 1,5% nhu cầu thế giới

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Việt Nam là nước sản xuất xoài lớn thứ 13 thế giới với tổng diện tích trồng trong cả nước khoảng hơn 87.000 ha. Đây là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam, chỉ đứng sau chuối.

Năm 2020, tổng sản lượng xoài của Việt Nam đạt 893.200 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Xoài được trồng nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước, năm 2020 đạt 567.732 tấn.

Cũng trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt 180,8 triệu USD, giảm 9% so với năm 2019, nguyên nhân do đại dịch COVID-19 làm ách tắc dòng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu. 

Thị phần Việt Nam trên bản đồ xoài thế giới vẫn khiêm tốn - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ NN&PTNT. Tổng hợp: Như Huỳnh.

Hiện Việt Nam xuất khẩu xoài sang 40 quốc gia trên thế giới. Các nhà nhập khẩu chính là Trung Quốc, các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc đạt 151,8 triệu USD, chiếm 83,95% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giảm gần 4,2% so với năm 2019. Đứng thứ 2 là thị trường Nga, đạt 8,4 triệu USD, chiếm 4,65%, là thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh đạt 76,1% so với năm 2019.

xoài - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ NN&PTNT. Tổng hợp: Như Huỳnh.

Đáng chú ý, trong năm qua, xoài Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đơn cử như Mỹ, theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam tăng mạnh cả lượng và giá trị xuất khẩu xoài sang thị trường này với khối lượng 2.100 tấn, trị giá 4,61 triệu USD, tăng 66% về lượng và tăng hơn 70% về trị giá so với năm 2019. 

Giá xuất khẩu bình quân của xoài Việt Nam sang Mỹ ở mức cao đạt 2,2 USD/kg, tăng 2,5% so với năm 2019. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, thị phần xoài Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn rất khiêm tốn. Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng xoài trên thế giới đạt khoảng 12,3 tỷ USD, nhưng Việt Nam xuất khẩu mới chỉ đạt con số hơn 180 triệu USD, chỉ chiếm hơn 1,5% trong tổng thị phần xuất khẩu của thế giới.

Tại các thị trường khó tính, ví dụ như thị trường Mỹ, xoài Việt Nam cũng chỉ chiếm 0,3% tổng lượng xoài nhập khẩu của Mỹ. Vì vậy, Việt Nam hiện mới chỉ đứng thứ 14 trong những thị trường cung cấp xoài cho Mỹ.

Mục tiêu xuất khẩu 650 triệu USD vào năm 2030 có khả thi?

Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu là đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD, có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến…Như vậy, mục tiêu này gấp gần 3,5 lần kết quả đạt được trong năm 2020.

Đánh giá về con số đề ra, chia sẻ với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho rằng mục tiêu này khá cao.

"Muốn thực hiện mục tiêu này cần nâng cao chất lượng quả xoài, cải tiến về cách trồng và cả quá trình đóng gói", ông Nguyên cho biết và chỉ ra 3 hướng cụ thể cho thời gian tới.

Cụ thể, là tiếp tục tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh thị trường chế biến để có điều kiện tăng kim ngạch. Đồng thời mở rộng các thị trường khó tính.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội rau quả cho rằng các phương hướng đề ra phải đặt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát và đi đến chấm dứt, cùng với việc giảm giá cước vận chuyển thì mới có thể thực thi kế hoạch này.

"Với giá cước hiện nay thì khó thể đẩy mạnh tiêu thụ ở những thị trường xa. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công nghệ chế biến như xoài đông lạnh, xoài sấy, cắt miếng, cấp đông, để tăng giá trị gia tăng", ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.

xoài - Ảnh 3.

Việt Nam đặt mục tiêu là đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu xoài sẽ nâng lên 650 triệu USD. (Ảnh: Như Huỳnh)

Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng nhu cầu nhập khẩu xoài lớn tại Mỹ là cơ hội để quả xoài các loại của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường này.

"Xoài chế biến và nước ép sẽ có tiềm năng lớn tại Mỹ. Đây là những loại rất được ưa chuộng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những chủng loại này trong thời gian tới", Bộ Công Thương dự báo.

Theo đó, để tăng thị phần tại Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe như vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cấp mã số để quản lý, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch...

Còn theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản để tăng lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn, đòi hỏi các cơ sở sản xuất xoài phải tính đến phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất - thu mua - sơ chế - đóng gói - bảo quản - doanh nghiệp xuất khẩu, bảo đảm đáp ứng quy định của thị trường.

Do đó, Cục sẽ tạo kênh kết nối, trao đổi giữa nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài với các cơ quan thương mại, doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam để tìm hiểu, phát triển thị trường xuất khẩu

Hướng dẫn, phổ biến thực thi tốt các quy định về kiểm dịch thực vật, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, quy định mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ, phát triển chuỗi giá trị xoài, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng quy định từng thị trường, tập trung vào các thị trường trọng điểm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Nguồn: Vietnambiz.vn

TIN TỨC KHÁC

EVFTA ngành rau quả: Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

19-4-2021

"Lợi ích công cộng" là một yếu tố phải xem xét khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Xoài, bưởi da xanh, rau củ đồng loạt rớt giá mạnh vì tiêu thụ khó

13-4-2021

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm thị trường tiêu thụ thu hẹp, giá bưởi, xoài và nhiều loại rau củ đều giảm mạnh, trong khi diện tích đang phát triển khá mạnh.

EVFTA ngành rau quả: Cơ chế chứng nhận xuất xứ Việt Nam áp dụng

8-4-2021

Theo EVFTA, Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi thấy thích hợp, áp dụng đối với tất cả hàng hóa, trong đó có sản phẩm rau quả.

Giải mã thành công bộ gien mầm bệnh bí đỏ

6-4-2021

Người trồng bí đỏ bị ám ảnh bởi những vảy rám nắng nhỏ hình thành trên quả, mỗi vết rám nắng là một dấu hiệu cho biết bệnh đốm vi khuẩn. Các đốm này không chỉ làm hỏng thịt quả mà còn tạo ra các điểm cho nấm xâm nhập nấm gây thối quả và các mầm bệnh khác có thể phá hủy bí đỏ và các cây họ bí khác từ trong ra ngoài.

Trung Quốc tăng mua trở lại trái cây Việt Nam

30-3-2021

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện Trung Quốc tăng cường nhập khẩu trái cây từ Việt Nam nhằm phục vụ cho mùa lễ hội tại nước này.

Phát triển bền vững cây quýt hồng Lai Vung

30-3-2021

Quýt hồng Lai Vung là cây đặc sản tỉnh Đồng Tháp, song thời gian qua nhiều diện tích bị nhiễm bệnh gây chết hàng loạt làm cho nhiều nhà vườn thua lỗ.

Tổ chức nông dân hoạt động hiệu quả, đồng ruộng đẹp như khu sinh thái

1-6-2020

Cống máng kiên cố hóa, bơm tưới bằng điện, đường nội đồng đổ bê tông rợp bóng cây, đã biến cánh đồng lúa bạt ngàn đẹp chẳng thua kém gì khu du lịch sinh thái.

Hải quan siết chặt quản lý phân bón nhập khẩu để ngăn ngừa trốn thuế

26-2-2019

Tổng cục Hải quan đã nhận được phản ánh về việc một số doanh nghiệp gian lận trong việc khai báo hàng hóa để lẩn tránh thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu